Giật mình với những hệ lụy từ hàm răng khấp khểnh của trẻ

Ngậm ti giả, mút tay, nhổ răng sữa quá sớm… là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng răng mọc lệch, khấp khểnh sau này của trẻ. Răng hô, khấp khểnh không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe vì chức năng nhai của răng khi ăn bị ảnh hưởng, thậm chí trẻ dễ ốm hơn.

BS Hoàng đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thuận

BS Hoàng đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Thuận

Răng thụt thò vì thói quen xấu

Trường hợp bé An Nhiên – con chị Nguyễn Thị Trang (Hà Nội) đang thay được khá nhiều răng nhưng mẹ bé rất phiền lòng. Cả nhà chị ai cũng có hàm răng đẹp, duy chỉ có mỗi bé An Nhiên có bộ răng thụt thò. Chị cho bé đi kiểm tra, bác sỹ nói nguyên nhân dẫn tới tình trạng này của bé là do tật xấu của con. Theo lời chị Trang kể, ngày nhỏ bé Nhiên vốn nghiện nặng ti giả vì chỉ có ngậm ti giả con mới ngủ được. Hơn 4 tuổi, chị mới cai được tật xấu này cho con. Khi đấy, cả nhà cũng chỉ nghĩ con ngậm ti ngoan là được chứ không hề biết nó ảnh hưởng đến hàm răng vĩnh viễn của con sau này. Để định dạng lại hàm răng cho con, chị đã phải đưa đến nha sỹ làm mất rất nhiều thời gian.

BS Nguyễn Huy Hoàng – Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba), Trưởng phòng khám Nha khoa Trẻ cho biết, nguyên nhân khiến trẻ răng mọc lệch lạc, khấp khểnh khi thay răng sữa có nhiều. Trước tiên do yếu tố di truyền, bẩm sinh. Theo nghiên cứu khoa học có tới 60% người bị tỷ lệ răng hô, khấp khểnh là do di truyền từ người thân trong gia đình như bố, mẹ, ông, bà. Nguy cơ lệch răng cũng có thể đến từ các chấn thương răng do tai nạn, té ngã, mất răng sữa sớm không được theo dõi và điều trị sẽ ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn. Bên cạnh đó, những đứa trẻ có thói quen xấu như bú núm vú, mút ngón tay, ngậm kẹp tóc, thở miệng, đẩy lưỡi, mím môi trên, cắn môi dưới... Tất cả các thói quen đó đều có thể làm răng bị lệch lạc, hô răng và cắn hở.

Một sai lầm mà nhiều cha mẹ mắc phải đó là chưa quan tâm đầy đủ đến hàm răng sữa khi cho rằng hàm răng sữa chỉ là tạm thời. Do đó, cha mẹ thường không chú ý đến việc cho trẻ đi khám và kiểm tra định kỳ bệnh răng miệng trước khi trẻ có vấn đề về răng.

Trong khi đó, chăm sóc răng cho trẻ từ những chiếc răng sữa đầu tiên đến lúc thay toàn bộ răng là quá trình vô cùng quan trọng để định hướng cho hàm răng vĩnh viễn mọc đều, đẹp và không mắc các bệnh lý về răng. Một bộ răng sữa có 20 răng bao gồm răng cửa và răng hàm. Khi một răng sữa sâu và hỏng trước thời điểm thay răng hoặc hỏng và gây viêm nhiễm tại vị trí của răng sữa ảnh hưởng đến mầm răng vĩnh viễn ngay phía dưới, mầm răng bị mọc lệch ra ngoài. Hàm răng có nhiều răng bị nhổ sớm làm cho các răng khác bị chạy, di chuyển sai trên cung hàm gây lệch lạc răng. Kèm theo mất răng gây nên hiện tượng kém phát triển cung hàm.

Hệ lụy khôn lường khi hàm răng khấp khểnh

BS Nguyễn Huy Hoàng cho rằng, khi răng khấp khểnh sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Một hàm răng khấp khểnh không chỉ làm mất thẩm mỹ, làm cho khuôn mặt không được đẹp mà còn làm cho việc vệ sinh răng miệng sẽ khó, tăng nguy cơ bị sâu răng. Khi răng khấp khểnh không được điều trị sau này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ thống ăn nhai (khớp thái dương hàm/khớp cắn). Một ngày 2 hàm chạm nhau từ 900 – 2.000 lần trong quá trình nói và ăn nhai tùy từng người. Nếu các răng khớp với nhau sẽ ảnh hưởng đến việc ăn nhai và có nguy cơ gây loạn năng khớp thái dương hàm.

Bên cạnh đó, răng khấp khểnh dễ tạo cho trẻ có thói quen thở bằng miệng. Với một người phát triển khỏe mạnh sẽ thở bằng mũi. Khi thở bằng mũi, không khí được qua 4 lớp phòng vệ là lỗ mũi – cuốn mũi – VA và Amidan. Không khi qua hệ thống này sẽ được làm ẩm, lọc hết các vi khuẩn nên khi vào cơ thể là không khí sạch.

Còn khi thở bằng miệng, không khí đi vào không được làm ẩm, vi khuẩn vào thẳng VA và Amidan gây phì hai bộ phận này. Một khi VA và Amidan sưng to làm hẹp đường thở phía trên, tạo thành vòng xoắn luẩn quẩn khiến trẻ dễ ốm, viêm họng… Hơn nữa, khi thở bằng miệng, lưỡi sẽ đi theo hàm dưới (lưỡi là khí cụ chỉnh nha tự nhiên làm long rộng hàm trên thụ động) khi đó hai phần cơ ở má bóp vào gây hẹp cung hàm trên. Thở miệng có thể gây hẹp cung hàm, viêm A, sức đề kháng kém.

Theo BS Nguyễn Huy Hoàng, thường các bệnh nhân đến khám và điều trị răng hô hiện nay đều là do muốn có gương mặt và hàm răng đẹp, rất ít người biết tác hại của hàm răng hô, khấp khểnh đến sức khỏe. Chính tâm lý điều trị chỉ để đẹp dẫn tới nhiều người chủ quan, thay vì theo dõi từ khi còn nhỏ sẽ có hiệu quả nắn chỉnh cao không ít người đi khám đã ở tuổi trưởng thành, khi đó xương hàm đã phát triển hoàn thiện, lúc này bệnh nhân phải mất nhiều thời gian cũng như chi phí để nắn chỉnh.

Việc chỉnh răng mọc lệch lạc rất khó và mất nhiều thời gian ta gọi là chỉnh hình răng (Orthodontics) cho nên để phòng ngừa răng bị lệch, ta nên tập cho trẻ bỏ những thói quen xấu; cho trẻ khám răng định kỳ 3-6 tháng 1 lần đến khi trẻ mọc đầy đủ các răng sữa (30-36 tháng). Thăm khám định kỳ nhằm phát hiện sớm các tổn thương răng và điều trị kịp thời, trám bít hố rãnh các răng hàm sữa để phòng sâu răng.

Khi đến tuổi thay răng, bạn cần chú ý để trẻ thay răng đúng thời điểm, không để răng vĩnh viễn mọc chồi ra trong khi răng sữa chưa rụng hẳn. Việc các bậc cha mẹ thường khi trẻ có biểu hiện như đau răng, nhiễm khuẩn răng, răng mọc khấp khểnh... mới đưa con đi khám cần thay đổi. Bởi khi đó mọi điều trị để bảo tồn răng thường không có kết quả mà thường phải chỉ định nhổ răng.

BS Thu Giang, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng khuyên các bậc cha mẹ để trẻ có hàm răng khỏe, đẹp, không bị sâu, quan trọng nhất vẫn là việc giữ vệ sinh răng miệng đúng cách. Với những bé lớn, mẹ có thể rèn cho bé thói quen tự đánh răng một cách dễ dàng, nhưng với những trẻ nhỏ tuổi (đặc biệt là trẻ sơ sinh), cha mẹ có thể dùng gạc, tơ lưỡi quấn quanh ngón trỏ nhúng vào dung dịch Nacl 0,9% hoặc nước đun sôi để nguội. Nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage lợi của hàm trên và hàm dưới, ngoài tác dụng vệ sinh còn giúp kích thích phát triển xương hàm. Việc vệ sinh miệng thực hiện đều đặn sau bữa ăn chính của trẻ và trước khi đi ngủ.

Độ tuổi chỉnh nha thích hợp nhất

Với những trường hợp răng khấp khểnh nên cho trẻ đi chỉnh nha sớm để tăng tính hiệu quả và tránh các biến chứng về sau. Độ tuổi vàng chỉnh nha là từ 7 - 14 tuổi. Đây là độ tuổi phát triển xương mạnh nên việc can thiệp chỉnh nha sẽ hiệu quả cao và nhanh chóng khi can thiệp vào cung hàm. Đến độ tuổi trưởng thành, việc can thiệp xương sẽ khó thực hiện được bằng cách nong cung hàm, mà phải thực hiện bằng phẫu thuật.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/giat-minh-voi-nhung-he-luy-tu-ham-rang-khap-khenh-cua-tre-20180907110848534.htm