Giật mình nghe tiếng lao xao

Nhân đọc 'Như có tiếng lao xao' - Tập thơ thứ 11 của Trương Ngọc Lan, Nxb.Hội Nhà văn, 2018).

Bìa trước tập thơ "Như có tiếng lao xao"

Bìa trước tập thơ "Như có tiếng lao xao"

Đang chập chờn vào giấc, bỗng Ngọc Hoàng giật mình bừng tỉnh, mắt nhắm mắt mở quát gọi Nam Tào: Nhà ngươi mau xuống dưới hạ giới xem dưới ấy người ta có chuyện gì mà lao xao quá, lao xao quá, khiến ta không thể chợp mắt được. Đúng là tiếng người, không phải tiếng gió hú, cũng không phải tiếng ma quỷ. Tiếng lao xao… lao xao mà âm vọng, mà náo động cả Thiên đình. Lạ quá! Lạ quá!... Tiếng kẹt cửa lạnh tanh của Ngọc Hoàng làm tôi bừng tỉnh. Thì ra đó là một giấc mơ - giấc mơ của tôi có duyên do từ giấc mơ của nhà thơ Trương Ngọc Lan trong bài thơ “Như có tiếng lao xao” tôi vừa đọc được lúc chập tối. Nguyên văn bài thơ đó như sau:

“Đang mê ngủ
Bỗng sấm gào
Hỏng mất rồi
Mọi chuyện chẳng ra sao

Chắc là
Thấp thỏm từ thượng đỉnh
Làm run nguyên tử cạnh hàng rào

Chắc là
Toát lạnh mùi biển lạnh
Cuồng phong tĩnh mạch
Tàu chìm

Đau điếng
Như cú bóng tông đến
Thì va chân đập phải thành giường
Bật dậy
Mơ gì lạ thế!

Ngoài kia như có tiếng lao xao”.

Đúng là một giấc mơ lạ, giấc mơ cũng có duyên do từ “Ngoài kia như có tiếng lao xao”. Lao xao về cái gì, về sự gì? Phải chăng là sự đời, là thế sự, thế cuộc? Rất khó phỏng đoán. Nhưng rõ ràng ngay từ đầu bài thơ, tác giả đã khẳng định “Hỏng mất rồi/ Mọi chuyện chẳng ra sao” phát lộ ngay từ đầu giấc mơ khi bỗng nghe tiếng “sấm gào”. Và thế là sự “hỏng” đó, “mọi chuyện chẳng ra sao” đó đã dẫn đến hai hệ lụy như là hai phỏng đoán, hai phóng dụ: Một là “Thấp thỏm từ thượng đỉnh/ Làm run nguyên tử cạnh hàng rào”. Hai là “Toát lạnh mùi biển lạnh/ Cuồng phong tĩnh mạch/ Tàu chìm”. Chỉ thế thôi mà đã “Đau điếng/ Như cú bóng tông đến”, phá tan giấc mơ khi “va chân đập phải thành giường”. và “Ngoài kia như có tiếng lao xao” lại như âm vọng, lại như hành hạ, lại như day dứt… Bài thơ như một thước phim được dàn dựng khéo léo và công phu, thật và ảo quấn quýt xen lồng, ẩn dụ và ám ảnh…

Bài thơ “Như có tiếng lao xao” được nhà thơ Trương Ngọc Lan chọn làm tên cho tập thơ thứ 11 của chị. Chị đã từng nói với tôi rằng: “Thôi, từ nay không in thơ nữa, vô tích sự, không khéo người ta lại cho là lẩn thẩn với lăng nhăng, nhặng xị con bà Tỵ cháu ông Dần”… Nhưng rồi đứa con tinh thần thứ 11 vẫn cứ ra đời, như một duyên nợ, không thể khác với một người Hà Nội gốc, yêu thơ ca như yêu Hà Nội. Tôi đã đọc 10 tập thơ của chị được xuất bản từ năm 1990 đến năm 2014: Sao em nhìn đi nơi khác, Du dương, Bông hoa biết khóc, Mắt lưới, Quà tình nhân, Câu thơ trên giấy mỏng, Tim nghiêng, Bóng ngày, Tiếng đợi đêm, Nắng lạ. Và bây giờ là “Như có tiếng lao xao” năm 2018. Cả 11 tập thơ của chị đã đem đến cho tôi một cảm nhận nhất quán: Thơ Trương Ngọc Lan là loại thơ không thể chỉ nghe, mà phải đọc bằng mắt, ngẫm nghĩ và liên tưởng để tìm đến sự đồng điệu và đồng vọng. Đó là một tiếng thơ có vẻ đỏng đảnh nhưng không kém phần duyên dáng, một tiếng thơ tưởng là thật thà dễ ợt nhưng đầy ám dụ thâm trầm. Chính điều đó đã đem đến cho tôi những hứng khởi nhất định khi đọc thơ chị.

Theo tôi, tập thơ thứ 11 này là một bước tiến mới trên hành trình thơ Trương Ngọc Lan. Phải chăng càng tích lũy thêm tuổi tác, cảm xúc càng lắng đọng sâu đằm như một nghịch lý với người thực sự say mê thơ ca, vì thơ và cho thơ, một loại người mà như Cụ Chu Mạnh Trinh đã từng thú nhận: “Ta cũng nòi tình, thương người đồng điệu”. Tôi đoan chắc Trương Ngọc Lan cũng là một người như thế, luôn luôn “nòi tình”, luôn luôn thanh tân với thơ, không thể không có “Quà tình nhân”cho thơ. Mà món quà lần này là quà ra quà, quà cảm xúc tích tụ hơn 4 năm trời từ 2014 đến 2018. Những đổi thay của Hà Nội, của đất nước, của cuộc đời, của nền văn minh công nghệ 4.0 và những thách thức của những cọ xát thuận và nghịch chiều giữa văn minh và văn hóa, đã tạo nên những rung chấn trong lòng chị, để tập thơ vừa có hơi thở của cuộc sống hiện đại, vừa có cái sâu đắm ý vị của một tâm hồn đa cảm.
Đây là “Sóng”, có sóng thật và có sóng tâm hồn. Chị viết:
“Có nước có sóng
Cá bơi

Nước không có sóng
Tím trời bèo hoa”.
Đương nhiên “Có nước có sóng” thì cá tung tăng bơi lội như một tất yếu. Nhưng có nước mà không có sóng, thì cá biến mất, chỉ còn lại “bèo hoa” lặng lẽ “tím trời”. Sự tương tác giữa động và tĩnh đã tạo nên sóng cảm xúc, sóng tâm hồn của thi ca. Có thể nói đó là một ẩn dụ hết sức sâu lắng và có dư ba.

Đây là “Hôn nhân”. Hôn nhân là kết quả của tình yêu nam nữ, tạo nên gia đình - tế bào của xã hội. Ai chẳng mong hôn nhân viên mãn. Nhưng hôn nhân mang lại hạnh phúc thực sự liệu có được bao nhiêu, mấy khi tròn đầy viên mãn như người ta hằng mong ước? Trương Ngọc Lan đã thể hiện ý tưởng đó trong 4 câu thơ sau:“Hôn nhân như cái hộpCó khi tròn khi vuôngLoay hoay đi tìm nắpThi thoảng gặp một cặp”.

Lại là một ẩn dụ mang khát vọng của hôn nhân - khát vọng người muôn thuở!Và đây là một “Chút bận lòng”. Cũng chỉ có 4 câu:“Cảnh đẹp là của người taGiàu sang cũng của người taĐi qua như người đi ngắmThản nhiên giấu chút bận lòng”.

Tất cả là của người ta, từ “cảnh đẹp” đến “giàu sang”, mình chỉ “Đi qua như người đi ngắm”, dù “thản nhiên” đến mấy vẫn không “giấu” được một “Chút bận lòng”. Đúng là sự đa cảm của người thơ, của đời, còn bao “bận lòng” trước thế cuộc, thế sự, thế thái nhân tình sao có thể làm ngơ được. Thơ như một tấm đúc thành, tưởng mềm mà rắn, thiểu ngôn mà đa nghĩa chính là ở cái sự “giấu”đó.

Còn nhiều điều có thể nói nữa về tập thơ này. Nhưng tôi tạm dừng ở đây. Xin các bạn hãy mở tập thơ “Như có tiếng lao xao” của Trương Ngọc Lan đọc và cảm nhận, chia sẻ cùng chị.

Q-H
Nam Hồng – Đông Anh – Hà Nội
Đêm 6-10-2018

Quang Hoài

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giat-minh-nghe-tieng-lao-xao-64321