Giật mình, mỗi năm chi gần 4.000 tỉ đồng, TPHCM vẫn ngập rác

Ngân sách TPHCM mỗi năm bỏ ra gần 4.000 tỉ đồng cho vấn đề rác thải, chưa kể tiền hàng tháng người dân đóng để thu gom rác. Kinh phí lớn nhưng hiệu quả mang lại chưa cao, một lượng rác lớn chưa được tổ chức thu gom, xử lý gây ô nhiễm, làm gia tăng tình trạng ngập úng trên địa bàn TPHCM.

Mỗi năm TPHCM tốn gần 4.000 tỉ để duy tu hệ thống thoát nước và xử lý rác thải nhưng cả trên đường lẫn dưới cống đều ngập rác. Ảnh: N.B

Ngày 11.7, tại buổi thảo luận ở hội trường kỳ họp thứ 9 HĐND TPHCM Khóa IX, tình trạng xả rác nơi công cộng bừa bãi - một trong những nguyên nhân gây ngập - được nhiều đại biểu HĐND quan tâm.

Đáng chú ý, khi được yêu cầu giải trình, GĐ Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, một năm TPHCM dành gần 4.000 tỉ đồng cho vấn đề rác thải khiến nhiều đại biểu HĐND giật mình.

Cụ thể, mỗi năm, TPHCM chi cho duy tu hệ thống thoát nước là 1.132 tỉ đồng và 2.848 tỉ đồng cho xử lý rác. Trong đó có 700 tỉ đồng chi cho quét rác; 535 tỉ đồng để vận chuyển; 88 tỉ đồng để phân loại rác và khâu xử lý là hơn 1.507 tỉ đồng.

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, mỗi năm thành phố phải bỏ ra gần 4.000 để giải quyết cho việc thoát nước và rác thải là rất lớn. Đó là chưa kể tiền của người dân đóng hàng tháng cho việc thu gom rác nhưng hiệu quả mang lại chưa lớn. “Dân bỏ tiền ra nhưng thành phố vẫn ngập rác là không chấp nhận được” - bà Tâm nói.

Rác thải ngập mương thoát nước ở TPHCM.

Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng nhìn nhận trách nhiệm trong việc tham mưu UBND TPHCM xử lý rác nơi công cộng. Theo ông Thắng, lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TPHCM hiện nay mỗi năm tăng khoảng 6%. Ước tính, đến năm 2020, mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 11.000 tấn rác thải sinh hoạt.

Trong đó, hiện nay lượng rác công cộng mỗi ngày thải ra trên địa bàn TPHCM khoảng 2.000 tấn. “Nếu chúng không được thu gom, xử lý kịp thời thì đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường; đồng thời trôi xuống cống làm tắc nghẽn” – ông Thắng nói.

Người dân coi miệng cống thoát nước là nơi xả rác.

Về giải pháp, ông Thắng khẳng định, bên cạnh việc vận động tuyên truyền, giải thích cho người dân thì phải có biện pháp xử lý đối với những trường hợp vi phạm. “Chế tài đã có quy định cụ thể hành vi xả rác với mức phạt tối đa đến 700.000 đồng. Hiện nay, mức phạt đã tăng cao với mức tối đa lên đến 7 triệu đồng. Cùng với đó, thẩm quyền xử phạt được mở rộng từ đến cấp phường” – ông Thắng cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, muốn xử lý phải gắn kết với hệ thống camera, để căn cứ vào đó mà xác lập hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng khẳng định, nếu không tập trung vào việc xử phạt thì khó có thể nâng cao ý thức người dân. Một trong những giải pháp được tính đến là việc có thể xin cơ chế, lực lượng xử lý có thẩm quyền rộng hơn.

Trong khi đó, ở góc độ tài chính, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho rằng, có thể dùng toàn bộ số tiền thu được từ việc phạt để chi cho hoạt động của lực lượng xử phạt. Thậm chí, nếu thiếu thì đề nghị HĐND TPHCM tính toán có thêm nguồn kinh phí khác cho lực lượng xử phạt, xử phạt thật nghiêm để thay đổi hành vi của người dân.

M.Q

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/giat-minh-moi-nam-chi-gan-4000-ti-dong-tphcm-van-ngap-rac-617989.ldo