Giật mình gia đình có 9 người thì 7 người mắc ung thư đại trực tràng

Một gia đình ở Hải Dương có 9 người thì bà mẹ và người con cả đã chết vì ung thư đại tràng, 5 người con còn lại cũng đang mắc bệnh, chỉ có 2 người con út còn trẻ chưa phát hiện có bệnh.

Đó là gia đình của anh Phạm Duy Vinh (sinh năm 1968) trú tại xã Văn Hội, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Được biết anh cả anh là Phạm Duy Vương (sinh năm 1961) và mới đây mẹ ruột anh là bà Vũ Thị Toan (74 tuổi) đã qua đời bởi căn bệnh ung thư đại tràng. 5 người anh chị em còn lại hiện tại cũng mắc bệnh này và đang tiếp tục điều trị.

Cả gia đình anh Vinh có 7 người mắc ung thư đại trực tràng.

Tuy nhiên, anh Vinh đến bệnh viện lúc tổn thương ung thư ở giai đoạn sớm việc điều trị có dễ dàng hơn. Bác sĩ bệnh viện K tiến hành phẫu thuật mở để loại bỏ khối u kích thước 1 x 2 cm ở đại tràng góc lách. Một ngày sau phẫu thuật, bệnh tình chuyển biến tích cực và hiện anh Vinh đã được chuyển về khoa Ngoại bụng 2 để tiếp tục quá trình điều trị.

4 chị em của anh Vinh hiện cũng đang chiến đấu với căn bệnh quái ác này tại bệnh viện K, chỉ có hai người em út đến giờ còn chưa có dấu hiệu mắc bệnh.

Theo TS Phạm Văn Bình, Trưởng khoa Ngoại Bụng 1, Bệnh viện K trung ương cơ sở Tân Triều cho biết, trường hợp của gia đình anh Vinh là trường hợp bị ung thư đại trực tràng mang yếu tố gia đình. Trường hợp này rất ít nhưng vì Bệnh viện K trung ương là cơ sở y tế tuyến cuối về bệnh ung thư nên mỗi năm các bác sĩ ở đây cũng gặp 2 – 3 gia đình có người nhà cùng bị ung thư. Tuy vậy, con số chỉ dừng lại ở 3 – 4 người còn gia đình anh Vinh có tới 7 người bị ung thư đại trực tràng.

Cả gia đình anh Vinh đều bị ung thư đại trực tràng do hội chứng đa polyp gia đình hay còn gọi hội chứng FAP là hội chứng điển hình có tính chất gia đình do đột biến gen APC, gen này có thể chuyển từ bố mẹ, sang con, đây là một loại gen có vai trò ức chế sự hình thành của khối u sinh ra ở đại tràng và có sự đột biến, nó chiếm 1% ung thư đại trực tràng.

Tỷ lệ ung thư đạt trực tràng đang ngày càng gia tăng và có yếu tố gia đình.

TS. Bình cho biết trong quá trình công tác, có những bệnh nhân mổ ra toàn bộ khung đại trực tràng các polyp dày đặc như một thảm nhung. Vì có hàng ngàn polyp được hình thành, vì vậy không thể nào loại bỏ các polyp này một cách riêng biệt. Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ đại tràng là điều trị hiệu quả duy nhất và giúp cải thiện đáng kể tuổi thọ. Phẫu thuật này có thể được thực hiện trong giai đoạn trưởng thành.

Để xác định mình có bị đa polyp này hay không, TS. Bình khuyên những người trong gia đình có anh, chị, em, cha, mẹ bị đa polyp này thì nên nội soi đại trực tràng ống mềm để bác sĩ đánh giá toàn bộ khung đại trực tràng cũng như có thể điều trị sớm bệnh.

Ngoài ra, những triệu chứng như thay đổi thói quen đại tiện, đi ngoài ra máu người bệnh cũng nên chủ động tới bệnh viện kiểm tra hoặc làm xét nghiệm phát hiện ung thư đại trực tràng càng sớm càng tốt.

Những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh cao như: những người trên 50 tuổi, gia đình có người bị ung thư đại trực tràng, những người béo phì lười vận động, hút thuốc lá và uống rượu... cần có kế hoạch nội soi đại trực tràng của mình bằng ống mềm định kì tại các cơ sở y tế.

Ung thư đại trực tràng là ung thư tiêu hóa thường gặp, trên thế giới mỗi năm có 1 triệu ca ung thư đại trực tràng mới mắc, chiếm khoảng 10% trong tổng số các bệnh ung thư và con số tử vong chiếm 8,5% tổng số bệnh nhân chết vì ung thư và đây là căn bệnh ung thư có yếu tố gia đình.

Minh Minh (T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/xa-hoi/y-te/chuyen-la-gia-dinh-co-7-nguoi-deu-mac-ung-thu-dai-truc-trang-a225505.html