Giật mình con số trẻ em tử vong do đuối nước tại Việt Nam

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng cục Trẻ em (bộ LĐ-TB&XH), tình hình tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt đuối nước trẻ em đã giảm so với năm 2010. Tuy nhiên, con số trẻ tử vong do đuối nước ở giai đoạn hiện nay vẫn ở mức báo động, trung bình mỗi năm khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước.

Ngày 12/11, tại Hà Nội, cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với trường đại học Y tế công cộng tổ chức hội nghị khoa học quốc gia lần thứ ba về phòng, chống tai nạn thương tích.

Xem video:

Theo đó, đảm bảo sức khỏe, phòng chống tai nạn thương tích cho cộng đồng là một trong những nhiệm vụ mà ngành y tế đang nỗ lực thực hiện cùng các bộ, ban ngành và địa phương. Theo tổ chức Y tế thế giới tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng thương tật và thương vong, đây là vấn đề nghiêm trọng của sức khỏe cộng đồng trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: “Tai nạn thương tích là nguyên nhân chính gây tổn thương lớn về người và tài sản. Theo ước tính của tổ chức y tế thế giới, hàng năm có khoảng trên 5 triệu người tử vong, và hàng chục triệu người bị thương do tai nạn thương tích trên toàn thế giới. Tai nạn thương tích là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong. Mỗi năm có tới trên 1,2 triệu trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trên 600 ngàn trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước…

Tại Việt Nam, theo thống kê của bộ Y tế ước tính mỗi ngày có tới 3.600 trường hợp mắc và 90 người tử vong do tai nạn thương tích. Trong đó, tai nạn giao thông, đuối nước là các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở trẻ em dưới 19 tuổi, cướp đi mạng sống của hơn 3.000 trẻ em mỗi năm.

Điều này có thể hình dung được những gánh nặng, tổn thương cho sức khỏe, an toàn cho trẻ em, hạnh phúc của các gia đình”.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 234 năm 2016 phê duyệt kế hoạch hành động phòng chống tai nạn thương tích với mục tiêu kiểm soát tình hình tai nạn thương tích. Và bộ Y tế cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận liên quan đến phòng, chống tai nạn thương tích.

Bên cạnh đó, cũng thông tin thêm về tình hình tai nạn đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam, bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng cục Trẻ em cho biết: “Tình hình tai nạn thương tích nói chung, đặc biệt là đuối nước ở trẻ em đã giảm so với năm 2010. Năm 2010, mỗi năm có khoảng 3.300 trẻ em bị tử vong do đuối nước thì đến giai đoạn hiện nay trung bình khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước”.

Thông tin về công tác chống đuối nước, bà Vũ Thị Kim Hoa cho hay: “Để triển khai công tác đuối nước, bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ ngành thực hiện Quyết định 234 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chống tai nạn thương tích trẻ em trong đó có mục tiêu giảm tử vong do đuối nước. Trong thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các bộ ngành trong việc tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt là cha mẹ - người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ liên quan về các nguy cơ gây thương tích cho trẻ em để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho trẻ em đồng thời triển khai dạy kỹ năng an toàn và dạy bơi cho trẻ”.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó cục trưởng cục Trẻ em thông tin mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước.

Bà Vũ Thị Kim Hoa cũng cho hay, hiện bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các bộ ngành xây dựng bộ tài liệu dạy bơi an toàn cho trẻ em. Mỗi trẻ em sau khi kết thúc một khóa học phải đạt tiêu chí là bơi được 25 mét và nổi được 90 giây.

“Với các kinh nghiệm và kết quả của quốc tế, nếu triển khai được tốt chương trình này thì có thể giúp cho các em phòng chống được đuối nước và sống sót khi rơi vào những khu vực nguy hiểm. Thứ hai, dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ, ở đây là dạy cho trẻ các kiến thức an toàn khi tham gia môi trường nước và bnhận biết môi trường nước nguy hiểm để không xuống chơi, xuống bơi. Nếu chơi, bơi ở môi trường nước thì phải có người lớn đi cùng, hướng dẫn cho trẻ biết vùng nước sâu nguy hiểm, các kỹ năng tự cứu đặc biệt là không bao giờ xuống cứu đuối trực tiếp mà phải dùng các biện pháp cứu đuối an toàn ở trên cạn ví dụ: Dùng sào, dùng dây hoặc hô hoán...

Ngoài ra, thời gian vừa qua, chúng tôi cũng triển khai tăng cường giám sát đảm bảo an toàn cho trẻ em. Triển khai xây dựng các cộng đồng an toàn, môi trường an toàn, trường học an toàn và ngôi nhà an toàn. Với các môi trường an toàn này thì sẽ triển khai các biện pháp để giảm nguy cơ đối với trẻ em như làm rào chắn, cắm biển báo hay sử dụng cũi để trông trẻ. Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành về phòng chống đuối nước”, bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Liên quan đến tỉ lệ trẻ biết cách phòng chống đuối nước sau các khóa học, Phó cục trưởng cục Trẻ em cho hay hiện chưa có con số chính xác: “Trong giai đoạn năm 2015 - 2016, tỉ lệ biết bơi là 30%. Những năm gần đây, do phối hợp các ngành, hỗ trợ vào cuộc của các địa phương trong việc triển khai dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn thì tỉ lệ trẻ biết cách phòng chống đuối nước đã tăng rất nhiều so với giai đoạn trước”.

Thanh Lam - Thái Phương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/giat-minh-con-so-tre-em-tu-vong-do-duoi-nuoc-tai-viet-nam-a456024.html