Giật mình con số sản phụ tử vong lúc vượt cạn

Với tỷ lệ 0,065% số ca sản phụ tử vong khi vượt cạn, ngành Y tế đang tập trung cho công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Biến chứng khôn lường lúc sản phụ vượt cạn

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Tăng Chí Thượng cho hay, vừa qua các Bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận bệnh nhân tên Thảo 20 tuổi đang mang thai 9 tháng trong tình trạng rất nguy kịch, co giật toàn thân, hôn mê, sùi bọt mép, huyết áp rất cao: 210/120 mmHg, sau đó ngưng tim, ngưng thở.

Tai biến sản khoa đe dọa tính mạng của sản phụ và thai nhi.

Qua thăm khám, các BS nhận định thai phụ bị sản giật nặng và thai nhi dọa tử vong. BV Thống Nhất đã nhanh chóng hồi sức cấp cứu và “Báo động đỏ” đến Bệnh viện Hùng Vương do không thể chuyển viện được vì nguy cơ tử vong cả mẹ lẫn con trên đường chuyển.

Ngay lập tức, các BS của BV Hùng Vương đã có mặt ở BV Thống Nhất. Sau hơn một giờ, BS 2 bệnh viện phối hợp hồi sức cấp cứu, phẫu thuật lấy thai nhi, mẹ con chị Thảo đã qua cơn nguy kịch.

Chị Thảo sinh được một bé trai cân nặng 3,4kg trong niềm vui và hạnh phúc của gia đình và các y, bác sĩ hai bệnh viện.

Trước đó, có sản phụ 28 tuổi, quê ở Lâm Đồng mang thai tuần thứ 27 được Bệnh viện Từ Dũ phát hiện thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp: tắc nghẽn dẫn truyền nhĩ thất độ 3, tim to, hở van 3 lá.

BV xác định thai nhi có nguy cơ mất trong bụng mẹ hoặc khi vừa sinh ra. Khi thai nhi có nguy cơ đe dọa tính mạng nên ê-kíp BS sản của BV Từ Dũ đã thực hiện mổ bắt bé trai cân nặng 2,3 kg cho sản phụ.

Tuy nhiên, lúc này nhịp tim của bé chỉ có 52 lần/phút (bình thường phải từ 110 - 160 lần/phút). Ngay tức thời, ê kíp can thiệp tim mạch của BV Nhi đồng 2 đã mở ngực bệnh nhi và đặt máy tạo nhịp tim nhân tạo để cứu sống bé, sau một ngày chuyển viện về BV Nhi đồng 2 điều trị thì sức khỏe bệnh nhi ổn định, nhịp tim bình thường trở lại.

Vẫn còn "lỗ hổng" giữa tuyến trên và tuyến dưới

Từ những dẫn chứng trên, ông Thượng nhận định rằng vẫn còn một khoảng trống giữa các BV đầu ngành về sản phụ khoa của Thành phố và các Bệnh viện đa khoa tuyến dưới trong thực hành liên quan đến thai kỳ nguy cơ cao, dù 2 BV Từ Dũ và Hùng Vương đã đẩy mạnh công tác chỉ đạo tuyến, công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới.

Ông Tăng Chí Thượng (ngoài cùng bên phải) thăm sản phụ được cứu sống sau khi bị tai biến.

Theo ông Tăng Chí Thượng, lấp đầy khoảng trống này vẫn là trách nhiệm hàng đầu của BV Từ Dũ và BV Hùng Vương - 2 BV sản khoa đầu ngành của phía Nam và Thành phố.

Để tăng khả năng cứu sống các sản phụ không may bị biến chứng của thai kỳ nguy cơ cao, bên cạnh việc không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ thuộc khoa sản của các BV tuyến dưới, thì sự phối kết hợp hiệu quả giữa các BV với nhau, ngay cả những BV không có khoa Sản, chắc chắn sẽ góp phần gia tăng tỉ lệ cứu sống cả mẹ và con trong tình trạng nguy kịch khi không may bị tai biến sản khoa.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM khẳng định, 2 BV đầu ngành về Sản phụ khoa của TP là Từ Dũ và Hùng Vương đã đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều hoạt động khoa học để nghiên cứu, cập nhật thông tin trên thế giới về lĩnh vực thai kỳ nguy cơ cao, để cải thiện hơn nữa con số tử vong.

Ông Tăng Chí Thượng tin rằng, tử vong mẹ và con sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới, không riêng cho người dân trên địa bàn TP. HCM mà cả toàn khu vực phía Nam. Tỉ lệ tử vong mẹ ở VN không dừng lại ở 65/100.000 ca sinh sống mà sẽ tiếp tục giảm thấp hơn nữa.

Mỹ Hòa - Thế Công

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/y-te/giat-minh-con-so-san-phu-tu-vong-luc-vuot-can-236292.html