Giáp Tết, mía nhiễm bệnh, người trồng mía nóng lòng chờ nhà máy

Thời tiết bất thường, bệnh đốm khô lá đang bùng phát và lây lan mạnh trên hàng trăm ha mía của nông dân tỉnh Phú Yên. Nếu không được các nhà máy thu mua kịp thời, người trồng mía sẽ chịu thiệt hại lớn, nhất là trong thời điểm giá mía thấp như hiện nay.

Bệnh đốm khô lá trên mía đang lan nhanh, nông dân nóng lòng chờ nhà máy.

Gần ba tuần qua, ông Y Lu ở buôn Chung, xã Ea Bar, huyện miền núi Sông Hinh, tỉnh Phú Yên rao bán hai ha rẫy mía nhà mình, nhưng các thương lái đều lắc đầu, chê mía đang nhiễm bệnh đốm khô lá, trữ đường thấp. Cả năm trời chăm chút rẫy mía, nguồn thu nhập chính của gia đình để có tiền sắm sửa Tết Nguyên đán, giờ vô cùng lo lắng. “Mấy năm trước, mới đầu mùa, tư thương đã trả giá, năm nay tìm chẳng thấy ai. Đủ thứ chi phí bỏ ra trồng mía, giờ mía không ai mua, chắc là thất thu lớn rồi”, ông Y Lu nói.

Khác với ông Y Lu, để bảo đảm cho đầu ra, ngay từ đầu vụ, nhiều nông dân tìm đến Công ty CP mía đường Tuy Hòa để ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Thế nhưng, hiện tất cả như đang ngồi trên đống lửa vì nhà máy vẫn chưa khai trương vụ ép mới. Mía nhiễm bệnh, nhiều diện tích khô cháy lá, nguy cơ trắng tay trên đồng ruộng.

Ông Cao Xuân Bình, ở khu phố 8, TT Hai Riêng, huyện Sông Hinh có 2,4 ha mía gần như đã khô cháy lá. “Lá mía như bị phun thuốc cỏ cháy. Cần nhất hiện nay là nhà máy quan tâm, mua mía kịp thời cho người dân, chứ để lâu chỉ có đốt bỏ”, ông Bình nói.

Bệnh đốm khô lá trên mía đang lan nhanh.

Bệnh đốm khô lá mía xuất hiện cục bộ tại huyện miền núi Sông Hinh từ cuối năm 2017 với diện tích khoảng 30 ha, nay đã lây ra hàng trăm ha. Theo nhận định của ngành nông nghiệp huyện, mía nhiễm bệnh nhẹ sẽ làm giảm sản lượng và trữ đường từ 20 đến 40%, nặng thì mất trắng. Đáng lo ngại là hầu hết diện tích mía phát bệnh đang ở chu kỳ sinh trưởng cuối, nên việc phun thuốc phòng trừ là không thể. Giải pháp tốt nhất hiện nay là thu hoạch sớm để hạn chế thiệt hại.

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, bệnh đốm khô lá xuất hiện từ cuối tháng 12-2018 và phát triển rất nhanh. Đến nay đã có 215 ha nhiễm bệnh. Trước tình hình này, UBND huyện cũng đã làm việc với Công ty CP mía đường Tuy Hòa, đề nghị khẩn trương cho thu hoạch sớm những trà mía bị bệnh để tránh ảnh hưởng đến năng suất, trữ đường. Sau khi mía thu hoạch xong, huyện cũng khuyến cáo bà con nông dân phòng trị để tiếp tục cho vụ tới, bằng cách thu gom tàn dư cây mía và đốt, bón vôi khử trùng…”

Huyện miền núi Sông Hinh thuộc vùng nguyên liệu của Công ty CP mía đường Tuy Hòa. Niên vụ 2018-2019, toàn huyện có năm nghìn ha mía, phần lớn được ký hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm với nhà máy. Mía nhiểm bệnh không được thu hoạch và xử lý kịp thời, không những gây thiệt lại lớn, mà còn lây lan mạnh sang các diện tích khác liền kề.

Điều đáng nói là, các nhà máy đường có vùng nguyên liệu lân cận huyện miền núi Sông Hinh đã khởi động vụ ép từ đầu tháng 1-2019, nhưng không hiểu sao, đến nay, Công ty CP mía đường Tuy Hòa vẫn chưa triển khai vụ ép mới khiến người dân lo lắng vì Tết Nguyên đán đã gần kề.

TRÌNH KẾ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/39107502-giap-tet-mia-nhiem-benh-nguoi-trong-mia-nong-long-cho-nha-may.html