Giáp Hải - Một con người trọn đời vì dân vì nước

Bài của Mao Bá Ôn:Bài họa của Giáp Hải:

Có những nhân vật từng đóng vai trò to lớn trong xã hội đương thời nhưng lại không được ghi nhận tương xứng của đời sau. Giáp Hải là một trường hợp như thế.

Ông đỗ Trạng nguyên dưới thời nhà Mạc vào năm 1538, lúc mới chỉ 21 tuổi (1), và đảm nhiệm nhiều trọng trách suốt 48 năm, bao gồm cả lĩnh vực nội trị và ngoại giao, từng được giao kiêm quản cả lục bộ, tức là nhiệm vụ của tể tướng. Ông chỉ được về nghỉ ngơi vài tháng trước khi chết.

Dấu ấn đầu tiên là ở lĩnh vực ngoại giao. Vị tân Trạng nguyên được tham gia việc đối phó với cuộc xâm lược của nhà Minh. Quân đội Trung Quốc được huy động trong sáu tỉnh phía Nam đã chuẩn bị tiến vào nước ta. Họ phát hịch để lôi kéo dân chúng dọc biên giới, đồng thời viên chủ tướng Mao Bá Ôn gửi thư sang để nắn gân triều đình nhà Mạc, nội dung đầy vẻ coi thường và đe dọa. Giáp Hải phúc đáp và kèm một bài thơ họa, tỏ rõ tiềm lực của người Việt và thái độ kiên quyết bảo vệ tổ quốc (2). Sự ứng xử khéo léo kết hợp cả cương nhu của triều đình nhà Mạc rốt cuộc đã hóa giải kế hoạch xâm lược vốn đã được chuẩn bị công phu của chúng.

Giáp Hải tiếp tục đảm nhiệm nhiều công việc ngoại giao khi thực hiện tổng cộng năm lần đi sứ sang Trung Quốc, một con số có lẽ là kỷ lục của thời xưa. Ông cũng thường ra biên giới để giải quyết công việc với quan chức nhà Minh, ứng đáp tinh nhanh, rất được họ tôn trọng. Theo nhà sử học Phan Huy Chú thì họ không gọi thẳng tên mà thường gọi là Giáp Tuyên phủ. Thượng thư Đỗ Uông làm bài văn tế lúc ông mất cũng có một đoạn đại ý là "Trạng Kế đứng đầu tể tướng, vinh dự thay Nam bang; Giáp Tuyên phủ, lời gọi ấy vang danh vùng mạc Bắc."(3)

Những ứng đối ngoại giao và thơ văn đi sứ của ông được chép thành một quyển sách là Ứng đáp bang giao tập, hiện đã thất truyền. Tư liệu về ngoại giao nước ta từ xưa đến đương thời được ông tập hợp thành tác phẩm Cổ kim bang giao bị lãm. Công trình này hiện chỉ còn một phần rất nhỏ, được lưu trữ tại kho sách Hán Nôm, ký hiệu A.185, gồm 9 văn bản ngoại giao của Lê Lợi và triều thần gửi cho nhà Minh. Khi biên soạn bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục sử thần triều Nguyễn có chép bản trình bày của vua Lê Thánh Tông với nhà Minh về việc tấn công Chiêm Thành, họ nói là lấy từ sách Bang giao bị lãm của Giáp Hải. Như vậy có thể Cổ kim bang giao bị lãm trước đây vẫn được lưu trong thư khố của các triều đình Lê Trịnh rồi đến Nguyễn nhưng không được phép phổ biến ra ngoài. Sự mất mát bộ tư liệu này là một điều rất đáng tiếc.

Việc một viên trọng thần cứng rắn của triều đình nhà Mạc thường ra biên giới để bàn việc hẳn là liên quan đến vấn đề lãnh thổ. Theo ghi chép trong sách Minh Thực lục thì giai đoạn nhà Minh chuẩn bị tấn công nước ta đã có rất nhiều khu vực biên giới xin theo về phía họ. Về sau bên phía ta đã tranh đấu ngoại giao rất bền bỉ nhiều năm trời. Sự tranh đấu có lúc được đẩy lên bằng việc phía ta điều quân lên biên giới khiến khu vực phía nam Trung Quốc rúng động (4), tuy nhiên đây là điều hãn hữu bởi vì nhà Mạc thường xuyên bị cầm chân bởi nội chiến. Hoàng đế nhà Minh phải lệnh trả lại hơn 120 thôn để giải quyết rốt ráo việc tranh chấp (5). Kết quả đạt được, vì vậy chủ yếu là nhờ công tác đấu tranh ngoại giao mà người đóng vai trò lớn nhất chính là Giáp Hải.

Tuy có vai trò to lớn trong triều đình nhưng Giáp Hải tỏ ra không tha thiết danh lợi, ông luôn cho rằng mình đã quá đầy đủ. Nhà vua rất kính trọng ông, phong tước tới Quốc công mặc dù ông nhất mực từ chối. Vua Mạc Mậu Hợp từng ban cho ông lá cờ thêu đôi câu đối "Trạng đầu Tể tướng Đẩu Nam tuấn/ Quốc lão Đế sư thiên hạ tôn", nghĩa là Trạng nguyên, Tể tướng như sao Bắc Đẩu trời Nam sừng sững/ Quốc lão, thầy vua, được thiên hạ tôn vinh.

Những năm cuối đời gia cảnh gặp nhiều bất hạnh, các người con đều lần lượt qua đời khiến ông phải chịu cảnh cô đơn trong tuổi già, và có thể cả vì chán nản chốn quan trường đã vào giai đoạn thối nát nên ông nhiều lần xin về hưu, nhưng chỉ được toại nguyện ít tháng trước khi mất. Mặc dù vậy ông vẫn còn đặt hy vọng vào vua Mạc Mậu Hợp, vốn lúc lên ngôi còn phải được quan phụ chính ẵm để thiết triều, đã đến tuổi trưởng thành có thể cải thiện được tình thế, cứu vãn xã tắc.

Năm Đinh Sửu (1577) ông dâng sớ nêu ra những điều nguy hại. Việc nghi lễ thì cẩu thả, thiếu thành kính. Quanh vua thì toàn kẻ nịnh nọt và dỗ dành chơi bời. Việc ra vào cung cấm lẽ ra phải nghiêm túc thì lại dễ dãi. Việc tuyên bố mệnh lệnh và thu nạp lời can gián bị che lấp không thông. Trên dưới phần lớn đều ham lợi, nhũng lạm quan tước, chiếm đoạt ruộng đất, sách nhiễu và mua rẻ của dân. Khi có sắc chỉ thì dựa vào đó mà sách nhiễu, khi có kiện cáo to nhỏ thì đòi tiền đút lót, không biết đâu là cùng. Ông cho rằng dân chúng bị khổ sở khó lòng sống được thì nước không có chỗ để nương tựa. Tướng súy thì mỗi người mỗi ý, trái ngược nhau, quân sao thắng được. Đấy là những điều đáng sợ. Xin nhà vua hãy tự răn, biết lo sợ để thay đổi, nếu không thì sẽ có ngày đến nguy vong, không sao giữ được nữa. (Tóm tắt theo nội dung các bài sớ của Giáp Hải, được Lê Quý Đôn chép trong sách Đại Việt Thông sử).

Năm Tân Tị (1581) Giáp Hải lại dâng sớ, lấy việc thiên tai và nỗi cực khổ của dân chúng để cảnh tỉnh nhà vua. Ông khuyên rằng phải tha bớt cho dân việc tạp dịch và bắt lính, tránh làm cho dân chúng khánh kiệt. Phải giữ được lòng dân. Vua biết sợ hãi thì được phúc, nay lại muốn tai biến tiêu tan nhưng lại không sợ hãi để tu tỉnh thì làm thế nào cho được phúc? Vua phải biết kính sợ trời, thế thì không nên chơi vui phóng túng. Hãy tuyệt đường nịnh hót, hãy chấm dứt tham lợi, dạy bảo các quan, chấn chỉnh những công việc đã bỏ, xuống sắc cho các triều thần bàn bạc thi hành mọi điều khoan tuất cho dân... Phải chấn chỉnh việc binh bị cẩn thận để giữ yên được nước. Xin nhà vua tôn trọng gốc nước, cố kết lòng dân, hậu đãi mà đừng làm khốn dân, giúp đỡ mà đừng làm hại dân, dè dặt chứ không dùng hết sức của dân, nhẹ bớt cho dân những việc phục dịch tức là thi hành chính sách trị bình vậy.

Tháng 7 năm Bính Tuất (1586) Giáp Hải dâng sớ khuyên vua Mạc Mậu Hợp tìm cách cầu phong để nhà Minh công nhận là Quốc vương. Vốn việc bị hạ xuống Đô thống sứ là điều bất đắc dĩ mà Mạc Thái Tổ phải nhận để tháo ngòi nổ chiến tranh. Sau đó vì hoàn cảnh trong nước có nội chiến mà vua thì nhỏ tuổi nêu không có điều kiện vận động với phía nhà Minh thay đổi. Vị lão thần cho rằng đó là điều phải làm ngay để quốc thể được long trọng.

Tháng sau, Giáp Hải xin về nghỉ và lại dâng sớ chỉ ra cho nhà vua rất chi tiết những điều cần tránh và những việc cấp bách cần làm ngay để củng cố việc binh bị nhằm bảo vệ chính quyền. Vua khen ngợi và cho làm việc tại tư dinh.

Đến tháng 11 Giáp Hải lại khẩn thiết xin nghỉ, vua phải chấp nhận. Ông làm thơ từ biệt đồng liêu, thể hiện ước muốn được có những tháng năm nhàn hạ hưởng phúc lành nơi thôn dã (6). Nhưng tháng 12 thì ông mất.

Tư tưởng xuyên suốt của Giáp Hải là trọng dân, xác định chế độ phải tạo phúc cho nhân dân. Điều đó còn được đúc kết trong một câu thơ Thái bình thiên tử thái bình dân (bài Phụng sắc Bắc sứ thuật hoài), nói lên sự thái bình của thiên tử không thể tách rời khỏi sự thái bình của dân chúng. Như vậy, sự dấn thân của ông không chỉ phụng sự riêng cho một triều đại mà là cho cả dân tộc.

Những lời khuyên tâm huyết của Giáp Hải đều được vua Mạc khen ngợi, nhưng nhà vua hoặc chưa kịp theo hoặc không có khả năng làm theo. Nhà Mạc thất bại ở Thăng Long sáu năm sau cái chết của ông.

Giáp Hải kính trọng sự nghiệp giải phóng dân tộc của Lê Thái Tổ, qua những bài thơ đầy cảm khái được viết trong một dịp về thăm đất Lam Sơn, viếng mộ vua Lê, tuy vậy ông lựa chọn một lòng phục vụ triều Mạc, một triều đại đã vận hành đầy đủ chức năng của một nhà nước, chứ không phải phe Lê Trung hưng của những thế lực muốn mượn danh nhà Lê để dấy động can qua nhằm kiểm soát đất nước. Khi Giáp Hải cầm quân lên thu hồi được thành Lạng Sơn, vốn bị quân đội phù Lê kiểm soát một thời gian, phía nhà Minh hỏi quân vừa chiếm thành Lạng Sơn vừa rồi là quân họ Mạc hay quân họ Lê, thì ông phúc đáp rằng "Quân chiếm thành vừa rồi là quân giặc" (Theo Đại Việt Thông sử).

Dưới triều đại mới, những dấu ấn của thời đại nhà Mạc đã bị tìm cách xóa bỏ. Sự nghiệp của Giáp Hải cũng chịu chung số phận. Tác phẩm của ông hiện còn rất ít, kể cả số chỉ được kể tên cũng đã là ít ỏi, không tương xứng với tâm huyết, trải nghiệm và khả năng tác thuật. Những tham luận về chính sự của ông chỉ được tập hợp gói gọn trong những năm cuối đời, dường như với mục đích minh họa cho giai đoạn suy kém của chế độ nhà Mạc.

Thân thế của ông cũng bị thiên hạ mặc sức hư truyền. Trong rất nhiều bộ dã sử người ta đã chép rằng Giáp Hải là con hoang của một bà hàng nước tứ cố vô thân và một người chăn vịt, hoặc một người phu bỏ trốn. Lúc ấu thơ, ông bị một người thương buôn hiếm con bắt trộm về nuôi rồi lớn lên thành tài. Lại có nhiều dị bản khác hẳn nhau về câu chuyện trạch cát liên quan đến mộ thân phụ ông. Thực tế, ông Giáp Hà, hiệu là Khánh Sơn tiên sinh, mà người ta coi là người phú thương bắt trộm ông về nuôi, chính là bố ruột ông, có tới ba người con trai. Tiên sinh "giải quyết công việc sáng suốt, nhà sống bằng nghề nông và đọc sách. Vườn ruộng rộng hơn trăm thửa, giàu có mà hay làm điều nhân, tích được của mà hay tán phát. khi binh hỏa tàn hoang, rộng lòng đem thóc của nhà ra phát cho người nghèo, cứu vớt kẻ khó, khiến mọi người đều khâm phục nghĩa cử... ", lại được vua ban chức Hương tuyển, sung Phủ sinh. Giáp Hải là con do bà vợ thứ của ông Giáp Hà sinh ra. Trên tấm bia hộp, phần nắp gồm 111 chữ được Giáp Hải viết khi chuyển mộ cha lên núi Cốc Lâm vào ngày Nhâm Dần, tháng 8 năm Hoàng triều Diên Thành thứ 4 (1581), phần chính gồm 553 chữ được viết ngay khi mai táng Khánh Sơn tiên sinh vào năm 1549, cho biết chi tiết điều đó. Tấm bia được phát hiện năm 1997 khi người dân địa phương đào đất làm đường (7). Hậu thế đã nhiều lần nhờ những tấm bia đá được phát hiện mà nhìn nhận minh bạch những khuất lấp hay mơ hồ của lịch sử, vốn là kết quả của sự thiếu ý thức bảo quản di sản tinh thần hoặc thiếu tôn trọng sự thật vì lý do nào đó.

Tư duy phong kiến, bảo thủ và hẹp hòi phe cánh tồn tại lâu dài trong dân tộc là một cản trở lớn cho việc ghi nhận khách quan công bằng về các thời đại và các nhân vật lịch sử.

Chính vì vậy, một con người có đủ tài năng, nhân cách và có ngót nửa thế kỷ cống hiến cho đất nước đã không được hậu thế coi trọng đúng mức. Cho tới nay, ngay tại thủ đô Hà Nội dù đã có tên đường cho hầu hết các danh nhân đất nước nhưng lại chưa có con đường mang tên Giáp Hải.

Một tin đáng mừng là ngày 09/10/2020 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã có nghị quyết về việc đặt tên đường cho một số danh nhân, trong đó có Giáp Hải.

Dù sinh thời ông vẫn thường từ chối vinh danh, nhưng sự nhìn nhận này là cần thiết, là một tín hiệu phản ánh sự thay đổi tích cực về nhận thức lịch sử.

Trích dẫn và chú thích:

1. Tài liệu Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn chép bài sớ của Giáp Hải dâng lên vua Mạc Mậu Hợp vào năm 1586, trong đó ông xin về hưu vì đã bảy mươi tuổi. Theo cách người xưa tính cả tuổi mụ, cộng thêm một năm, vậy năm sinh của ông là 1517.

2. Bản dịch ( của Hòa thượng Trí Thủ) bài thơ Vịnh bèo của Mao Bá Ôn và bài họa của Giáp Hải

3. Lâm Giang, Trạng nguyên Giáp Hải, Nxb Khoa học xã hội, 2009, trang 118

4. Minh Thực lục, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội, 2010, Tập 3, trang 234

5. Minh Thực lục, Hồ Bạch Thảo dịch, Nxb Hà Nội, 2010, Tập 3, trang 240,241,242

6. Lâm Giang, Trạng nguyên Giáp Hải, sđd, tr148

7. Lâm Giang, Trạng nguyên Giáp Hải, sđd, tr247 đến 256

Hoàng Cương

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/giap-hai--mot-con-nguoi-tron-doi-vi-dan-vi-nuoc-81800