Giáo viên trừng phạt học sinh: Thỏa hiệp mức nào?

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ phản đối sử dụng biện pháp thô bạo tổn thương trẻ và cho rằng cần nghiên cứu hình thức xử phạt nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc.

Có thể xử phạt nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc

Liên quan đến sự việc một loạt phụ huynh tố con em mình bị đánh đập, miệt thị trong lớp dạy kèm ở phường Tấn Tài, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận), trong 9 gia đình làm việc với cơ quan điều tra thì có 7 gia đình không yêu cầu xử lý hành vi vi phạm của bà Phan Trần Linh Thu, người mở lớp dạy kèm.

Họ cho rằng học sinh khi lười học, không chịu làm bài thì cô giáo phải có biện pháp nghiêm khắc để răn đe các cháu. Hiện chỉ có 2 gia đình yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm hành vi vi phạm của bà Thu.

Sự việc trên một lần nữa làm dấy lên tranh cãi về cách giáo dục trẻ "thương cho roi cho vọt" trong dư luận. Một luồng ý kiến cho rằng, là cha mẹ học sinh họ, họ cũng chấp nhận cách dạy như vậy của giáo viên bởi roi vọt làm các em ngoan ngoãn, trưởng thành. Một luồng ý kiến khác lại cho rằng hành vi như cách của bà Thu nói trên là tàn nhẫn, vi phạm đạo đức giáo viên.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại câu của người xưa "Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi" và khẳng định, nếu trẻ con được nuông chiều thái quá, đòi gì đáp ứng nấy thì sẽ sinh hư. Ngày nay, nhiều vụ việc cho thấy trẻ hư phần lớn là con nhà giàu, muốn gì được nấy. Vậy nhưng, đối với chuyện "cho roi, cho vọt", PGS Nhĩ cho rằng cần có cách hiểu khác.

Ông nhắc lại câu chuyện thuở ấu thơ, mỗi khi ông làm sai, ông cụ thân sinh thường bắt ông nằm xuống giường, gác một cây roi trên bụng mà không được động đậy, cho đến khi nào ông thấy hối lỗi mới lấy cây roi đi.

Tương tự, khi nhỏ ông thường hay hờn dỗi, mẹ dỗ dành ăn cơm nhưng càng dỗ ông lại càng phản ứng. Sau cùng, bà cất cơm đi, ông vừa đói vừa vùng vằng nhưng lần này không có ai để dỗ dành nữa. Chính sự tảng lờ đó khiến ông từ bỏ tính hờn dỗi.

Đến bây giờ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng dùng cách này để dạy cháu. Cháu đòi hỏi nọ kia, ông không đáp ứng thì lập tức ăn vạ. Thay vì dỗ dành, thỏa mãn ý muốn của cháu, ông tảng lờ đi, vài lần như thế, cháu ông đã không còn giữ tính đòi hỏi này nữa.

Cô giáo dạy thêm tại nhà đánh học sinh ở Ninh Thuận. Ảnh cắt từ clip

Cô giáo dạy thêm tại nhà đánh học sinh ở Ninh Thuận. Ảnh cắt từ clip

Từ câu chuyện của gia đình mình, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhận xét, "cho roi, cho vọt" không có nghĩa là dùng roi, thước đánh vào người, vào đầu,tát tai, đánh đập trẻ, mà có nhiều biện pháp khác nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần nghiêm khắc để hạn chế, sửa đổi tính xấu của trẻ.

Một điểm khác, ông cũng không phản đối việc đôi lúc trẻ hư có thể đánh một vài roi vào mông - phần thịt mềm không gây tổn hại mà vẫn khiến cho trẻ phải nhớ.

"Tóm lại, những hành động thô bạo như tát tai, dùng thước, roi đánh vào người, vào đầu trẻ có thể vô tình nhưng đôi khi lại gây tổn thương cho trẻ cần tuyệt đối tránh.

Tuy nhiên, nếu không phạt trẻ thì làm sao có thể giáo dục được chúng? Còn những hình phạt nhẹ nhàng, nghiêm khắc và có hiệu quả, như yêu cầu trẻ đứng nghiêm, úp mặt vào tường hay một vài roi vào mông... thì vẫn có thể cho phép giáo viên thực hiện", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Từ đây, ông cho rằng cần có sự nghiên cứu một cách đầy đủ, rộng rãi hơn về vấn đề trên, tiến tới có quy định rõ hơn thế nào là xâm phạm đến cơ thể trẻ, thế nào là thô bạo..., những hành vi nào không được làm và cần nghiên cứu những hình thức phạt nghiêm khắc nhưng đúng tâm sinh lý của học trò, nhẹ nhàng, không tổn thương cho trẻ.

Vì đâu?

Khẳng định các sự việc giáo viên bạo hành trẻ chỉ là những trường hợp cá biệt, song nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra nguyên nhân sâu xa của những hành động ấy.

Trước hết, do trường sư phạm chưa đào tạo, rèn luyện những người mà tương lai sẽ trở thành người thầy một cách đầy đủ, đặc biệt trong cách ứng xử.

"Người làm thầy khác với người làm công việc khác, từ lời nói, cách ứng xử giữa người-người, thầy-thầy, thầy-phụ huynhnh, thầy-học trò... Bởi chưa được rèn luyện, đào tạo một cách đầy đủ, người thầy chưa có đủ những phẩm chất đó nên dễ nóng giận, cáu gắt...", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói.

Vị chuyên gia cũng đưa ra các lý giải. Thứ nhất, các trường khi tuyển những giáo viên tương lai không chỉ nên qua điểm số mà phải xem tư cách của họ trong cả quá trình học phổ thông, từ đó có biện pháp đánh giá người sẽ trở thành giáo viên trong tương lai. Phải có đủ tư cách như thế nào thì mới tuyển vào trường và vào trường rồi thì người đó phải tiếp tục rèn luyện từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, hành xử. Tiên học lễ, hậu học văn, giáo dục lễ độ cho người làm thầy vô cùng quan trọng.

Thứ hai, người xưa nói "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", hình ảnh người thầy ngày xưa rất quan trọng. Tuy nhiên, ngày nay, trong cơ chế thị trường, người thầy nhiều khi vì đồng tiền nhiều quá nên "chân trong, chân ngoài", mà đôi khi "chân ngoài" dài hơn "chân trong". Chính điều này làm cho hình ảnh người thầy bị phai mờ phần nào và đôi khi học sinh nhìn thấy chuyện đó mất đi sự tôn trọng đối với người thầy.

Thứ ba, chế độ chính sách, đãi ngộ chưa phù hợp, khiến người thầy chưa thể sống được bằng đồng lương của mình nên họ phải mưu sinh. Khi căng thẳng cơm, áo, gạo, tiền thì người thầy không thể tận tâm, tận lực với học trò.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-vien-trung-phat-hoc-sinh-thoa-hiep-muc-nao-3394785/