Giáo viên trẻ tình nguyện cắm bản ở nơi 'năm không'

Cụm dân cư số 8, thuộc xã Đăk R'măng, huyện Đăk G'long, tỉnh Đắk Nông là nơi thiếu tất cả các hạ tầng thiết yếu. Thiếu thốn là vậy, ở đây vẫn có 2 giáo viên trẻ tình nguyện cắm bản dạy học.

Vào mỗi buổi sáng sớm, khi con gái 3 tuổi đang say giấc, cô giáo Vàng Thị Chim đã thức dậy để đi 10km tới điểm trường Tiểu học La Văn Cầu, tại cụm dân cư số 8, xã Đăk Rmang. Một nửa quãng đường, cô giáo cùng chiếc xe máy độ chế còn có thể đánh vật với đường sá lầy sụt đầy khe rãnh. Nhưng nửa còn lại, cô giáo phải bỏ xe đi bộ.

Cô giáo Vàng Thị Chim cho biết, động lực để có thể kiên trì vượt đường xa, vượt khó dạy học, chính là các em học sinh. Những đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn cũng dậy từ tờ mờ sáng, dằn xuống cơn ngái ngủ, đi bộ cả chục km đến trường.

“Học sinh ở đây không rành tiếng phổ thông nên trong quá trình dạy, học sinh khó tiếp thu. Tôi vừa phải nói tiếng phổ thông vừa nói tiếng Mông để phiên dịch cho học sinh hiểu. Khó khăn nữa là học sinh ở đây tập trung từ các cụm nên đường vào trường khó. Học sinh cũng không được học lớp mẫu giáo nên việc tiếp thu của các em cũng chậm hơn so với học sinh ở thành phố”, cô giáo Vàng Thị Chim nói.

Để kịp đến trường, cô giáo Vàng Thị Chim đã phải đến trường từ rất sớm

Để kịp đến trường, cô giáo Vàng Thị Chim đã phải đến trường từ rất sớm

Ngoài cô giáo Vàng Thị Chim còn có thầy giáo Lý Văn Là, 25 tuổi, đã lập gia đình và có con nhỏ ở quê nhưng thầy Là vẫn vào đây để dạy học. Thương thầy không có nơi ăn chốn ở, một hộ dân trong cụm dân cư số 8 đã nấu ăn và cho thầy ngủ nghỉ tạm tại nhà. Thầy Là không đặt mục tiêu sẽ đào tạo được những học sinh khá giỏi, chỉ mong sau khi kết thúc lớp 1 các cháu biết đọc, biết viết, biết tiếng phổ thông và mạnh dạn giao tiếp.

“Nhà tôi ở xa, ở tận Hà Giang, khi đến Đăk Nông dạy học thì gia đình là bố mẹ, vợ con nghe thấy thì cũng hơi buồn và lo lắng, tuy nhiên, gia đình vẫn ủng hộ tôi. Cũng xuất phát từ khó khăn của bản thân, hồi nhỏ đi học ở vùng cao, đường cũng khó đi nên mình muốn truyền đạt kiến thức và dạy cho các em, các cháu có kiến thức để được như bao bạn bè cùng trang lứa”, thầy Lý Văn Là cho biết.

Thầy giáo Lý Văn Là dạy học sinh tập đánh vần

Điểm trường Tiểu học La Văn Cầu có 2 lớp, với trên 60 học sinh. Tất cả học sinh ở đây là con em đồng bào Mông, sinh sống tại các cụm dân cư xã Đăk R`măng. Từ ngày có ngôi trường mới, phụ huynh thay vì sáng sớm lên nương rẫy thì ai cũng cố gắng bớt chút thời gian buổi sáng và buổi chiều tối đưa con đến trường và đón con lúc tan tầm.

Lặng lẽ đứng ngoài quan sát con học trong lớp, anh Thào A Thay - một phụ huynh cho biết, thấy thương các thầy cô và học sinh: “Các thầy cô vào đây dạy học thì cũng rất khó khăn và gian khổ vì đường rất xấu, đến mùa mưa đường trơn và lầy. Tuy vậy, tôi cũng rất vui khi các thầy cô tình nguyện đến dạy học, cám ơn thầy cô nhiều lắm. Hy vọng sau này nhà nước có thể sửa và làm mới những con đường tốt hơn để việc đi lại dễ dàng hơn”.

Điểm trường tiểu học La Văn Cầu với quy mô 4 phòng học là nơi của hơn 60 học sinh là đồng bào người Mông đang theo học

Thầy Lý Seo Chá, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học La Văn Cầu, xã Đăk Rmăng, huyện Đăk Glong cho biết, cụm dân cư số 8 trước đây không có trường lớp. Năm 2019, các nhà hảo tâm mới quyên góp xây tặng 4 phòng học, nên nhà trường dùng làm nơi để dạy cho trẻ em ở cụm 8 và 3 cụm dân cư xung quanh. Dạy học ở đây, cả thầy giáo Lý Văn Là và cô giáo Vàng Thị Chim đều là tình nguyện, chưa được hưởng lương. Ban Giám hiệu trường Tiểu học La Văn Cầu đang huy động tập thể giáo viên cùng chung tay hỗ trợ cho các thầy cô cắm bản trong khả năng cho phép:

“Trước mắt, để đảm bảo đời sống của giáo viên tại phân hiệu cụm 8 thì công đoàn phối hợp với nhà trường bố trí sắp xếp cho hai giáo viên có chỗ ăn chỗ nghỉ. Trước mắt, phải nhờ người dân hỗ trợ để thầy cô ổn định cuộc sống, nhà trường cùng các thầy cô giáo và các công đoàn viên của trường sẽ sắp xếp nơi ăn ở, làm việc cho 2 thầy cô giáo ở cụm 8 này”, thầy Lý Seo Chá cho hay.

Có nhiều lý do khiến hai giáo viên trẻ tình nguyện bám bản, nhưng có lẽ động lực lớn nhất của họ xuất phát từ tình thương, sự đồng cảm với tuổi thơ nhọc nhằn, gian khó của học trò. Rồi đây, những trẻ em nghèo sẽ biết nói tiếng phổ thông, sẽ được đắp bồi kiến thức và hơn cả là nhen lên ước mơ về tương lai tốt đẹp hơn./.

Hoàng Qui/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-tre-tinh-nguyen-cam-ban-o-noi-nam-khong-818641.vov