Từ công nghệ Make in Vietnam để vươn ra thế giới

'Make in Vietnam' là một khẩu hiệu hành động để thúc giục tinh thần sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tự bảo vệ và trở thành một Việt Nam hùng cường thịnh vượng.

Thực tế trong năm 2020, Make in Vietnam đã giúp tạo nên nhiều thành tựu, ở các lĩnh vực như: phòng chống Covid-19, công nghệ 5G và an toàn không gian mạng, mà theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá “đây là các kết quả bất ngờ”.

Không “Make in Vietnam” không thể ra thế giới

Trong bối cảnh phòng chống Covid-19 và chuyển đổi cuộc sống sang trạng thái bình thường mới, các sản phẩm như Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, kế toán từ xa... đã ra đời. Đánh giá Việt Nam thuộc top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời Covid-19, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, “nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Vietnam thì chúng ta đã không làm được như vậy”, bởi phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại hiện nay.

Nhờ “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng trong nước đã có thể làm chủ 90% hệ sinh thái sản phẩm trong lĩnh vực của mình. Bộ trưởng TT&TT khẳng định sứ mệnh của Việt Nam là trở thành cường quốc về an toàn, anh ninh mạng. Bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, cũng là một trọng tâm của Make in Vietnam.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ở lĩnh vực viễn thông, Việt Nam được ghi nhận là nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G và điện thoại 5G. Theo Bộ trưởng, đây là một điều bất ngờ và rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam có thể làm được.

Trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam tăng nhiều kỷ lục, đạt mức 28%. “Chúng ta chỉ dám nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Vậy mà ngay năm đầu tiên đã có 13.000 doanh nghiệp mới ra đời”, Bộ trưởng Hùng nói về kết quả đạt được sau chỉ thị số 01/CT-TTg, đồng thời nhấn mạnh chỉ thị đầu tiên trong năm 2020 của Thủ tưởng Chính phủ là một chỉ thị về Phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Với mức tăng trưởng trên, mục tiêu có 100.000 doanh nghiệp công nghệ số của Việt Nam có thể đạt được sớm 5 năm, vào năm 2025, thay vì năm 2030 như ban đầu. Hiện nay, số lượng này là trên 58.000 doanh nghiệp.

“Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể trở thành nước phát triển. Không Make in Vietnam thì chúng ta không thể đi ra thế giới. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Vietnam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng", người đứng đầu Bộ TT&TT nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng 2021 sẽ là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với rất nhiều sản phẩm Make in Vietnam mới.

Năm 2002, Hiệp hội Phần mềm và Doanh nghiệp CNTT Việt Nam VINASA ra đời, quy tụ lực lượng hơn 300.000 “chiến binh viễn chinh” và tạo nên ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD.

Phần mềm Make in Vietnam đẳng cấp thế giới

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT, lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số cho Việt Nam và cả các nước khác.

Ông Bình cũng chia sẻ câu chuyện 20 năm FPT nuôi dưỡng nhân lực làm phần mềm và lỗ trong suốt 10 năm đầu Công ty quyết định đi ra thế giới, mở văn phòng tại Ấn Độ, Thung lũng Silicon Valley nhưng rồi phải đóng cửa “vì không ai giao việc và phải đem việc từ Việt Nam sang làm”. Đến 2002, FPT mới có khách hàng đầu tiên tại Nhật. Từ nhóm 17 người đầu tiên, hiện công ty có 17.600, lập trình viên và kỹ sư công nghệ.

“Từ không có khách hàng nào trong nhiều năm trời, hiện chúng tôi có 700 khách hàng, trong đó có 100 công ty trong danh sách Fortune Global 500. Từ những việc dễ ban đầu với giá 1.500 USD/người mỗi tháng, chúng tôi vươn lên làm công việc phức tạp hơn. Việc phức tạp nhất chúng tôi làm hôm nay là tư vấn chuyển đổi số với giá 40.000 USD/người mỗi tháng”, ông Bình cho biết.

Tuy nhiên, để vươn ra thế giới không thể đi một mình. Năm 2002, Hiệp hội Phần mềm và Doanh nghiệp CNTT Việt Nam VINASA ra đời, quy tụ lực lượng hơn 300.000 “chiến binh viễn chinh” và tạo nên ngành công nghiệp trị giá 5 tỷ USD.

“Lực lượng CNTT Việt Nam có thể làm được bất cứ điều gì, có thể giải quyết nhu cầu chuyển đổi số của đất nước và cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho thế giới. Chúng ta từng ước mơ Việt Nam có tên trên bản đồ số thế giới và ước mơ đó đã thành sự thật. Chúng ta đã có tên trên bản đồ số thế giới”, ông Bình khẳng định./.

A.V/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/tu-cong-nghe-make-in-vietnam-de-vuon-ra-the-gioi-826282.vov