'Giáo viên tiêu gì với thưởng tết 300.000 đồng, chỉ mong đừng có tết'

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp sát Tết, câu chuyện thưởng Tết giáo viên lại được bàn đi, xới lại, nhưng mọi việc 'vẫn y nguyên'. Bởi nơi có, nơi không, người khóc, người cười.

 Ảnh: Nguyễn Hùng

Ảnh: Nguyễn Hùng

Năm hết tết đến, cũng như những người lao động bình thường khác, giáo viên chúng tôi lấy câu chuyện thưởng Tết làm quà.

Những ngày qua khi đọc trên báo đài, mạng xã hội rầm rộ nói về thưởng Tết giáo viên lên đến triệu lớn triệu bé. Nhất là ở trong TPHCM, thầy cô cuối năm có hai khoản thưởng, vừa là tiền tiết kiệm chi, vừa thưởng theo cơ chế đặc thù, thấy mừng cho thầy cô lắm.

Nhưng nói chuyện xong rồi chỉ biết nhìn nhau cười. Đấy là chuyện của “tỉnh nhà người ta”, “trường nhà người ta”, còn ở trường mình thì còn xa lắm. Chỉ mong được một phần như các thầy cô trong đó mà không được. Chúng tôi tự an ủi nhau: "Chắc tỉnh mình còn nghèo, nên chưa lo được tiền thưởng tết cho giáo viên".

Có người nói, đã chọn nghề giáo thì phải chấp nhận, không nên so bì quá, tiền bạc quá. Nhưng có thực mới vực được đạo. Nghề thanh cao không có nghĩa phải bắt thầy cô sống thanh bần. Khi lương không đủ chi tiêu, thưởng không có, muốn thầy cô yêu nghề, hạnh phúc với nghề, trước hết phải để thầy cô sống được bằng nghề.

Nếu người lao động ở các ngành khác rôm rả bàn chuyện thưởng tết, thì nhiều giáo viên lại ngậm ngùi.

Tôi vào nghề được hơn 5 năm, tính cả lương và phụ cấp được hơn 4 triệu đồng. Dù chưa có gia đình, nhưng co kéo mãi trong một tháng với số tiền đó vẫn không đủ chi tiêu cá nhân, tiền học phí, tiền đi lại vào mỗi dịp cuối tuần để về Hà Nội học liên thông lên đại học.

Không biết các thầy cô trường khác thế nào, chứ ở trường tôi, phần lớn giáo viên đều cắm sổ lương ở ngân hàng. Người vay tiền đi học để nâng cao bằng cấp, sửa sang nhà cửa cũng vay, con ốm đau thì đều phải nhờ đến “ngân hàng tài trợ” rồi sau này “bóp miệng” trả dần. Lý do là bởi, khó có ai sống dư dả được bằng lương, hay có đồng tiết kiệm để phòng lúc.

Giáo viên mầm non áp lực thế nào thì mọi người biết rồi, tất tả từ sáng tới chiều. Tiền làm thêm giờ nhiều năm nay chúng tôi đi ý kiến khắp nơi nhưng chỉ nhận được lời giải thích là không có.

Tết đến, năm nào sang lắm thì được 200.000-300.000 đồng, được hiệu trưởng thông báo là do tiết kiệm chi mà có. Nhiều nơi khác chỉ được chai dầu ăn, gói mì chính làm quà.

Với số tiền thưởng này, ra chợ ngày Tết biết mua cái gì? Đến cây đào, cây quất còn chẳng mua nổi thì áo quần ở đâu ra?

Tết nhất về nhà gặp ai cũng hỏi được thưởng bao nhiêu, lương mấy triệu? Chỉ biết cười trừ mà quay mặt đi. Bởi nói thật thì chẳng ai tin cả.

Tôi chưa có gia đình, nhưng tết đến cũng muốn mua cho bố mẹ cái áo mới, mua cho em đôi giày. Hay biếu bố mẹ mấy đồng ăn Tết, lì xì cho các cháu mỗi đứa 10.000 đồng lấy may. Để làm được điều này, phải co kéo, tằn tiện từ nhiều tháng trước.

Nhưng nhìn lên cũng phải nhìn xuống, nhiều người còn vất vả hơn mình. Có ngậm ngùi, nhưng cái “ngậm ngùi” ấy rồi cũng qua. Có điều, cảm giác sợ tết đến là có thật. Nhiều lúc chỉ mong giá đừng có Tết!

Đỗ Thị Huyền Trang (Trường Mầm non Tân Khánh, huyện Phú Bình, Thái Nguyên)

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/giao-vien-tieu-gi-voi-thuong-tet-300000-dong-chi-mong-dung-co-tet-653751.ldo