Giáo viên tích cực nghiên cứu sách Ngữ văn 6

Thời điểm này, việc lựa chọn SGK cho lớp 2, lớp 6 đã được các địa phương hoàn thiện, gửi báo cáo về Bộ GD&ĐT. Giáo viên đang tích cực nghiên cứu để giảng dạy sao cho hiệu quả.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

Sách hỗ trợ tốt học sinh tự học

Cô Phạm Phương Chi - giáo viên Trường THCS Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Trong Chương trình GDPT mới, phần kiến thức Ngữ văn lớp 6 không quá khó nhưng đa dạng thể loại hơn so với Chương trình trước đây, đặc biệt là phần hình thành kĩ năng viết.

Trước đây, ở một khối lớp, học sinh sẽ được học cách viết 2- 3 loại (Ví dụ: Kể chuyện, miêu tả) - nhưng với sách mới, tất cả các loại học sinh đều được học (kể, miêu tả, thuyết minh, nghị luận,...) ở mức độ vừa sức và được nâng cao, mở rộng trong chương trình những năm sau.

Hệ thống văn bản trong sách Ngữ văn 6 cũng có thay đổi khá nhiều, mang tính cập nhật. Phần kiến thức Tiếng Việt là ít thay đổi nhất. Kiến thức phần Làm văn có bổ sung thêm các thể loại ở khối lớp trên xuống, nhưng vừa sức đối với học sinh.

Các hướng dẫn ở SGK mới khá kĩ, giúp học sinh có thể tự học, tự chuẩn bị bài theo hướng dẫn đó để chiếm lĩnh kiến thức. Đặc biệt, cấu trúc bài học trước kia một bài học/tuần, bây giờ 1 bài học là 1 chủ đề, học trong 2-3 tuần. Sách mới cũng yêu cầu ý thức tự học của học sinh cao hơn qua các phần Đọc mở rộng.

Theo cô Phương Chi, với khá nhiều cải tiến, mở rộng và yêu cầu cao hơn trong sách giáo khoa Ngữ văn 6 mới nhưng học sinh lớp 5 chỉ cần học và nắm chắc kiến thức theo đúng chương trình hiện hành là hoàn toàn có thể bắt nhịp sách mới.

Là giáo viên dạy Ngữ văn lớp 6 năm học tới, cô giáo Lê Thanh (THCS Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình) cho biết: Cả ba đầu sách môn ngữ văn lớp 6 thuộc bộ Chân trời sáng tạo, Cánh diều và Kết nối tri thức với cuộc sống đều có những điểm nổi trội khác nhau. Ngữ văn lớp 6 được viết gần gũi với cuộc sống và có nhiều hoạt động thực tế giúp phát triển năng lực học sinh.

Sách ngữ văn Chân trời sáng tạo có điểm nổi bật là viết theo chủ điểm, thể hiện tính "mở" khá rõ ràng và kết nối văn chương với cuộc sống. Nếu chọn sách này thì giáo viên bắt buộc phải đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh. Bởi nội dung cuốn sách yêu cầu người dạy phải tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh trong quá trình dẫn dắt các em đến với tri thức.

Còn sách ngữ văn 6 thuộc bộ Cánh diều có ưu điểm là biên soạn theo thể loại văn kể, miêu tả, văn nghị luận, văn thuyết minh. Nội dung sách có vẻ như kế thừa khá nhiều nội dung bộ SGK ngữ văn hiện hành. Vì vậy, nó có cảm giác quen thuộc và dễ chịu. Điều quan trọng khi chọn sách là hội đồng đưa tiêu chí nào lên đầu tiên mà thôi.

Ảnh minh họa. (nguồn: Internet)

"Có một điểm mới trong quy trình chọn sách lớp 2, lớp 6 là Bộ GD&ĐT yêu cầu mỗi giáo viên phải có bản nhận xét về các sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách. Ngoài việc đánh giá ưu điểm, nhược điểm, nếu giáo viên phát hiện sách có nội dung chưa phù hợp thì phải báo ngay tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng. Lãnh đạo trường phải báo ngay với phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT để kịp thời báo cáo về Bộ GD&ĐT" – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Vai trò tự đổi mới của người dạy

Theo thông tư 25 về lựa chọn sách giáo khoa trong trường phổ thông, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có quyền quyết định việc chọn sách cho học sinh trên địa bàn, dựa trên đề xuất của hội đồng chọn sách của tỉnh. Điều này khác với chọn sách giáo khoa lớp 1 (do trường thành lập hội đồng, hiệu trưởng quyết định, quy định tại thông tư 01).

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, mặc dù sách giáo khoa đã được phê duyệt nhưng nếu giáo viên, các trường phát hiện những điểm không phù hợp, những vấn đề khiến giáo viên, học sinh có thể gặp khó khăn khi thực hiện, Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu các đơn vị xuất bản giải thích hoặc điều chỉnh khi cần thiết.

Trải qua gần một năm học, thực hiện theo chương trình và sách giáo khoa mới ở lớp 1, các giáo viên đã không còn bỡ ngỡ với những thay đổi. Họ đã khẳng định vai trò của những người tiên phong, chủ động, dẫn dắt học sinh trong các bài học. Các giáo viên cũng hiểu rõ vị thế người tạo nền móng kiến thức để học sinh sẵn sàng với phương pháp và kiến thức ở lớp học tiếp theo.

“Điều cần nhất trong đổi mới giáo dục nói chung vẫn là giáo viên phải tự đổi mới chính mình. Nếu với chương trình mới, sách mới mà giáo viên không thay đổi, vẫn phương pháp cũ kĩ đã vài chục năm nay, vẫn lên lớp kiểu thuyết giảng thì đổi mới sẽ thất bại và học sinh sẽ thiệt thòi” – cô Phương Chi nhận định.

Còn cô Lê Thanh bày tỏ: “Để đáp ứng yêu cầu mới, đòi hỏi giáo viên chủ động và linh hoạt sử dụng phương pháp phù hợp. Vừa tốt nghiệp bậc tiểu học, học sinh làm quen với phương pháp học mới ở THCS và chương trình SGK không phải là trở ngại mới. Vấn đề dẫn dắt, chủ động thuộc về các giáo viên”.

Với quy trình chọn sách, cùng việc nghiên cứu, kế thừa và tâm thế chuẩn bị của giáo viên lớp 1, lớp 5, không chỉ ý kiến của giáo viên được tôn trọng mà vai trò tham gia “nhặt sạn” của giáo viên còn được phát huy. Điều này sẽ tránh được tình trạng khi đã bước vào năm học, sách được sử dụng, mới nảy sinh những vấn đề bất cập như đã xảy ra với SGK lớp 1. Khi giáo viên đã xác định rõ tâm thế “nhạc trưởng” trong việc tiếp thu và triển khai cái mới thì mọi đổi mới sẽ thành công.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/sach-ngu-van-6-moi-khoi-mo-tinh-than-tu-hoc-sang-tao-cua-hoc-sinh-iaRYHiuMg.html