Giáo viên thấy sai mà không sửa!

Đọc vở tập làm văn của một học sinh lớp 4 trường tiểu học ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (TP.HCM), ai cũng giật mình...

Trong một bài tập làm văn miêu tả con vật em thích, bài viết được 6 điểm nhưng không hề có bút tích sửa sai của giáo viên. Xin trích dẫn cụ thể như sau: "Ở nhà em có nuôi rất nhiều con vật. Nhưng em thích nhất là con gà, vì mỗi sáng nó gáy báo thức mọi người dậy. nhưng nó phải chọn lơi để gáy nó hay gáy trên bụi dơm. Nó đập cánh vào đùi hướng mặt lên trới gáy ò...ó...o. Bộ lông của gà rất đẹp cổ có màu cam, đôi mắt gà co màu đen xanh long lanh. Đầu do gà như chiếc se đạp, đôi mắt của gà chòn như hòn bi ve, mào của gà như những bông hoa nở đỏ rực, mỏ gà như như hạt chấu chắp lại. Thân gà có màu vàng nhật móng gà rất nhọn có thể đào đất, có bốn ngón chân. Khi săn mồi gà thường lấy đôi chân đào đất khi bắt được dụn hoặc nhái nó thường kêu bọn gà mái cùng ăn. Em rất thích con gà trống nhà em, vì nó báo thức cho mọi người dậy em chăm sáo nó thật tốt".

Chỉ một đoạn văn ngắn nhưng có ít nhất 8 lỗi sai chính tả, nhiều lỗi do dư thừa từ, thiếu dấu ngăn cách các phần trong câu, không viết hoa từ đầu dòng sau dấu chấm, câu văn không rõ ràng, ý câu không mạch lạc... Nhưng khi chấm bài, giáo viên chỉ đọc và cho điểm chứ không sửa sai, thậm chí cũng không gạch đánh dấu lỗi sai bằng bút đỏ. Vì vậy, học sinh khi nhận bài chỉ biết mình được điểm 6 mà không biết lý do tại sao, và tất nhiên cũng không thể biết cách để sửa sai. Nếu có đặt bút để sửa thì giáo viên cũng chỉ gạch dưới một cách sơ sài thay vì đáng ra phải ghi rõ bên cạnh từ ngữ được sửa đúng. Học sinh có thể không được phép sửa chồng nhưng đó là việc cần thiết khi chấm bài của giáo viên, tuy nhiên việc làm đó không có nhiều trong cả cuốn tập. Theo lời kể của học sinh này, sau khi trả bài môn toán, giáo viên sửa bài trên bảng cho học sinh tự đối chiếu để biết lỗi sai, nhưng với môn văn thì không. Giáo viên thu bài, chấm bài rồi trả bài cho học sinh, sau đó thì... chấm hết. Có nhiều học sinh sai mà không biết mình sai chỗ nào, rồi cứ gấp tập bỏ đó, rồi lỗi sai lại tiếp tục mắc phải.

Học sinh này lớn lên từ một địa phương của Bắc Bộ, đến giờ em vẫn giữ ngôn ngữ địa phương trong phát âm, đọc bài và thậm chí là trong viết chính tả. Những lẫn lộn giữa "l" và "n" em không thể phân biệt được. Nhưng giáo viên xem bài lại không phát hiện được điểm yếu này để sửa cho học sinh. Có hàng loạt từ ngữ sai chính tả cứ lặp đi lặp lại qua nhiều bài văn xuất phát từ nguyên nhân này, như: "nên" - "lên", "no" - "lo", "nói" - "lói", "lòng" - "nòng"... Bên cạnh đó, em cũng thường xuyên mắc lỗi khi phát âm thanh sắc với thanh ngã, nặng, như: "cũng" thành "cúng", "mãi" thành "mái", "một" thành "mốt"... Điều này ảnh hưởng đến cả trong cách viết, trong luyện từ và câu.

Trong một bài làm văn khác học về cách viết thư (7 điểm), ngoài một lỗi chính tả duy nhất được phát hiện, thì những câu từ còn lại đều được xem là đúng và đủ (vì không thấy giáo viên gạch sai hay sửa đỏ gì cả). Xin trích một đoạn như sau: "Tớ là A tớ rất nhớ cậu từ khi cậu chuyển trường tớ mong học lại và chúng mình lại gặp nhau. cậu bây giờ học ở đâu, cậu học như thế nào, cậu có khỏe không. Cậu còn nhớ chúng ta đã chơi đá cầu. Lúc đó chúng mình chơi rất vui. Bây giờ tớ lên lớp 4, tớ vẫn khỏe lớ mình mưới mấy bạn mới, và có một bạn cao như cậu. Ở lớp bây giờ có 34 bạn, cố mới của chúng ta là cô B. Còn cô cậu tên gì nhó lói cho mình nhé. Bây giờ tớ phái giúp mẹ, bạn nhớ viết thư cho mình nhé".

Trong khi kết hợp với việc làm bài làm văn, học sinh lớp 4 đã được học về cách viết câu, sử dụng các dấu câu... trong phần luyện từ và câu. Cả 2 nội dung này đều được ghi chép, làm bài tập trong cùng một cuốn vở, do một giáo viên dạy, chấm bài và sửa bài. Trong khi đó, giáo viên lại không quan tâm đến câu từ trong bài làm văn. Với một cuốn vở bài tập văn nhiều lỗi sai như vậy mà không được sửa sai thì thử hỏi trách nhiệm của người giáo viên ở đâu?

Ông Phạm Ngọc Định - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD-ĐT: Giáo viên chấm, chữa bài sơ sài sẽ bị xử lý

"Tuy hiện nay chưa có một văn bản nào quy định riêng và cụ thể về việc chấm, chữa bài của giáo viên tiểu học nhưng Chuẩn giáo viên tiểu học do Bộ GD-ĐT ban hành đã yêu cầu: Giáo viên tiểu học phải biết tổ chức và thực hiện các hoạt động trên lớp phát huy được tính năng động và sáng tạo của học sinh. Đặt câu hỏi kiểm tra phù hợp đối tượng và phát huy được năng lực học tập của học sinh; chấm, chữa bài kiểm tra một cách cẩn thận để giúp học sinh học tập tiến bộ. Ngoài ra, giáo viên còn phải lập đủ hồ sơ để quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học sinh, bảo quản tốt các bài kiểm tra của học sinh... Tuyệt đối không phê bình học sinh trước lớp hoặc toàn thể phụ huynh; lắng nghe và cùng phụ huynh điều chỉnh biện pháp giúp đỡ học sinh tiến bộ. Như vậy người giáo viên làm đúng trách nhiệm của mình thì trong quá trình chấm bài thấy học sinh mắc lỗi thì phải sửa và có lời phê cẩn thận để học sinh biết mình mắc lỗi gì và phải sửa lỗi đó ra sao để rút kinh nghiệm. Trong các cuộc họp giao ban tới đây, chúng tôi sẽ nhắc nhở các trưởng phòng giáo dục tiểu học của các sở phải lưu tâm hơn nữa tới vấn đề này và yêu cầu giáo viên của mình nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm theo đúng quy định mà Chuẩn giáo viên tiểu học đã đặt ra. Mặt khác, chúng tôi sẽ phải ra những văn bản mang tính pháp quy chặt chẽ hơn nữa để áp dụng xử lý nặng những trường hợp giáo viên tỏ ra vô trách nhiệm trong việc chấm, chữa bài của học sinh".

Ông Lê Ngọc Diệp - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM : Phải chỉ ra lỗi sai của học sinh

"Chấm bài tập làm văn cho học sinh là công việc đòi hỏi giáo viên phải thực hiện hết sức nghiêm túc. Vì đây là sản phẩm do chính thầy cô rèn luyện các em những kỹ năng dùng từ, đặt câu, diễn đạt, quan sát, chính tả... Do vậy khi chấm bài, giáo viên phải chỉ ra lỗi, phải có nhận xét rõ ràng về các kỹ năng làm bài tập làm văn như chủ đề, bố cục, miêu tả. Việc sửa bài, chấm bài có nghiêm túc hay không sẽ thể hiện trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm của người giáo viên.

Hiện nay, có một số môn học ở bậc tiểu học đã thực hiện chấm điểm bằng nhận xét thay cho điểm số. Việc làm này nhằm mục đích giúp học sinh biết cái sai và để giáo viên hệ thống khả năng tiếp thu của học sinh. Sở GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường tiểu học kỹ hơn về công tác này và nếu như còn phát hiện trường hợp như trên chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý kỷ luật".

Ông Lý Văn Huê - Hiệu trưởng trường Tiểu học Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM: Thể hiện sự thiếu trách nhiệm

"Với trường hợp thấy sai mà không sửa này, rõ ràng đã thể hiện sự thiếu trách nhiệm của giáo viên với học sinh. Học sinh lớp 4, ngoài việc phát triển ý trong bài văn thì cách đọc, cách viết đúng chính tả vẫn rất được chú trọng. Vì vậy, ở mỗi bài làm văn, giáo viên không chỉ chấm ý mà còn phải chú ý cách đặt câu, dùng từ, và chính tả. Riêng với trường chúng tôi, mỗi bài văn giáo viên phải cho học sinh kẻ ô lời phê hoặc trừ lề rộng hơn bình thường, và bắt buộc phải có ý kiến của giáo viên trong đó. Với những lỗi của học sinh, giáo viên phải dùng bút đỏ gạch dưới và ghi chú lên trên hoặc bên lề từ được sửa đúng cho học sinh. Nếu sai phạm, giáo viên sẽ bị khiển trách. Đó là chưa kể, mỗi học kỳ ban giám hiệu trường phải đích thân kiểm tra tất cả các loại tập của học sinh, thường xuyên trao đổi với phụ huynh, đôn đốc giáo viên để kịp thời theo dõi, uốn nắn cho học sinh".

Tuệ Nguyễn - B.Thanh - Hà Ánh (ghi)

H.A

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-thay-sai-ma-khong-sua-215476.html