Giáo viên sẽ được trả lương cao nhất, bằng lương sĩ quan công an, quân đội

Với mức lương hiện nay, muốn sống được bằng lương ít nhất phải công tác từ 15 năm trở lên. Tuy nhiên mọi thứ sẽ thay đổi nếu dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có việc điều chỉnh mức lương cho giáo viên được áp dụng.

Lương giáo viên được đề xuất cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Ảnh Hải Nguyễn

Đề xuất bằng lương sĩ quan công an, quân đội

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang soạn thảo dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để trình Chính phủ trong đó có quy định về sửa đổi lương cho giáo viên.

Theo đó, Điều 81 trong dự thảo quy định về chế độ tiền lương nêu: “Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ”.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay nhìn chung lương của nhà giáo còn thấp, đặc biệt là nhà giáo ở bậc giáo dục mầm non, phổ thông. Vì vậy, cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục.

Tăng lương giáo viên là phù hợp tuy nhiên với số lượng công chức, viên chức lớn, câu hỏi lúc này sẽ lấy nguồn tiền ở đâu để tăng lương. Ảnh Báo Tuổi trẻ

Nếu theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi lương giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ cao hơn cả với lương của sĩ quan công an, sĩ quan quân đội. Đây thực sự là một tin vui được dư luận cũng như người làm trong ngành giáo dục quan tâm.

Bởi nếu hệ số lương của giáo viên được nâng lên thực sự sẽ là niềm vui rất lớn cho những người thầy đang đứng trên bục giảng.

Tuy nhiên câu hỏi lúc này là lấy nguồn nào để tăng lương của ngành giáo dục nhất là khi ngành này đang có đội ngũ công chức, viên chức chiếm hơn một nửa số lượng công viên chức cả nước.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017 cả nước có 1.246.188 nhà giáo, 272.318 nhân viên phục vụ, 154.000 cán bộ quản lý, tổng số người làm việc trong ngành Giáo dục là 1.672.506 người.

Cả nước có tổng số trường học từ mầm non đến đại học là 43.874 trường (số liệu năm 2015), trong đó có: 14.203 trường mầm non, 15.277 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2.767 trường trung học phổ thông; 313 trường trung cấp chuyên nghiệp, 217 trường cao đẳng, 219 trường đại học.

Và ngành giáo dục hiện đang chiếm 70% quỹ lương khối sự nghiệp; 52% biên chế sự nghiệp của cả nước.

Trong bối cảnh nguồn thu của chúng ta ít, đội ngũ hưởng lương của chúng ta lại quá nhiều. Cả nước hơn 92 triệu dân mà có 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách thì rõ ràng là một sự quá tải cho ngân sách nhà nước cả hiện tại và tương lai.

Một lo ngại khác khi tăng lương cho giáo viên cũng buộc phải tăng lương các ngành khác, dẫn đến áp lực lớn lên ngân sách.

Tinh giảm biên chế trước khi tăng lương

Theo Chuyên gia kinh tế - TS Bùi Trinh, trước khi nói câu chuyện tăng lương cần đề cập đến vấn đề tinh giảm biên chế.

TS Bùi Trinh cho rằng ngân sách không chỉ thu bao nhiêu chi bấy nhiêu mà cần phải có tích lũy. Muốn tăng thu nhập phải cơ cấu lại con người giảm biên chế mới tăng được thu nhập.

Nếu anh có 1000 đồng chia cho 100 người, khác với chia cho 10 người. Nên muốn tăng lương, trước hết phải xem hiệu quả công việc và nhu cầu nhân sự của bộ máy.

Vấn đề cốt lõi nhất hiện nay mà ngành giáo dục cần làm là nâng cao được chất lượng giáo dục, tinh giản được đội ngũ, dừng các dự án đổi mới giáo dục nửa vời không hiệu quả điển hình như Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo.

Theo ông Bùi Trinh trước khi bàn đến vấn đề tăng lương cần phải tinh giảm biên chế, cơ cấu lại bộ máy.

Nguồn kinh phí đề án giai đoạn 2008-2020 là 9.378 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2008-2010 là 1.060 tỷ đồng, giai đoạn 2011-2015 là 4.378 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 là 4.300 tỷ đồng.

Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đi qua hơn nửa chặng đường, tiêu hết khoảng 5.400 tỷ đồng nhưng hiệu quả thì hoàn toàn không như kỳ vọng. Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ, trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội về Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 (còn gọi là Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020) đã thừa nhận, mục tiêu của đề án thiếu thực tế.

Người đứng đầu ngành giáo dục sau đó cũng khẳng định trong phiên chất vấn của Quốc hội rằng, đến năm 2020 chưa thể thực hiện được các mục tiêu đặt ra trong đề án này.

Hay mới đây nhất là đề áp dụng mô hình trường học mới VNEN. Đề án được triển khai theo dự án tài trợ kéo dài trong 3 năm của Quỹ Hỗ trợ Giáo dục toàn cầu (GPE) từ tháng 7/2012.

Trong năm học 2012 – 2013, mô hình này triển khai tại 1.447 trường tại 63 tỉnh/thành phố. Tới năm 2015 số trường thực hiện trên 4.000 trường trên cả nước.

Tới năm học 2016, sau khi dự án kết thúc, có nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh tại nhiều tỉnh cho rằng mô hình VNEN đã không đáp ứng được kỳ vọng. Một số tỉnh đã có quyết định dừng triển khai mô hình VNEN.

Chỉ cần dừng những dự án giáo dục không hiệu quả ngay lập tức ngân sách sẽ có để đáp ứng nâng lương cho giáo viên.

Đi dạy 15 năm trở lên mới sống được bằng lương

Theo báo cáo thực hiện chính sách tiền lương mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tổng thu nhập bình quân nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với các cơ sở giáo dục mầm non phổ thông công lập do Nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên dao động trong khoảng từ 3 đến 10 triệu đồng tùy thuộc vào thâm niên công tác của giáo viên.

Lương giáo viên hiện nay được chia làm 3 mức:

Mức thấp tập trung chủ yếu ở số giáo viên mới ra trường. Nguyên nhân là do mức lương khởi điểm được hưởng của giáo viên thấp, phụ cấp ưu đãi lại tính trên nền của mức lương cơ sở nhân với hệ số lương và chưa được hưởng phụ cấp thâm niên ngành do chưa đủ 60 tháng công tác.

Với mức lương cơ sở mới nhất là 1,3 triệu đồng, giáo viên mầm non và tiểu học có hệ số lương khởi điểm là 1,86 (trình độ trung cấp), mức phụ cấp ưu đãi là 35%, không có phụ cấp thấp niên thì mức lương khởi điểm là 3.264.300 đồng.

Giáo viên trung học cơ sở có hệ số lương khởi điểm là 2,1 (trình độ cao đẳng), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.549.000 đồng.

Giáo viên trung học phổ thông có hệ số lương khởi điểm là 2,34 (trình độ đại học), phụ cấp ưu đãi 30%, mức lương khởi điểm là 3.954.600.

Muốn có mức lương đủ đảm bảo cuộc sống, giáo viên phải công tác từ 15 đến 25 năm trở lên.

Mức thu nhập trung bình tập trung ở số giáo viên công tác được khoảng từ 15 đến 25 năm.

Cụ thể, với giáo viên công tác 18 năm, mức lương dao động từ 7.205.600 (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 7.829.250 đồng (giáo viên Trung học cơ sở) và 8.558.550 đồng (giáo viên Trung học phổ thông và giảng viên đại học).

Cụ thể với giáo viên đã công tác được 25 năm thì mức lương dao động từ 9.183.720 đồng (giáo viên mầm non/tiểu học) tới 10.171.200 đồng (giáo viên Trung học cơ sở) và 10.876.320 đồng (giáo viên Trung học phổ thông và giảng viên đại học).

Như vậy với cơ chế lương như hiện nay muốn sống bằng lương, cô giáo phải đi dạy ít nhất 15 năm trở lên.

Hoàng Lâm

Nguồn SHTT: http://www.sohuutritue.net.vn/giao-vien-se-duoc-tra-luong-cao-nhat-bang-luong-si-quan-cong-an-quan-doi-d17638.html