'Giáo viên quyết định thành bại của chương trình mới'

Phát biểu khai mạc Hội nghị trực tuyến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (chiều 9/1), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới dựa vào đội ngũ nhà giáo, từ thừa thiếu ra sao, đào tạo thế nào. Đây cũng là một trong những trọng tâm của ngành trong năm 2019.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, tính đến tháng 10/2018, toàn quốc có 1.161.143 giáo viên mầm non, phổ thông, cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định về trình độ đào tạo.

Chia sẻ tại hội nghị, TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và quản lý giáo dục - Bộ GD&ĐT cho hay, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người.

Ở cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố. Bởi vậy, đến thời điểm hiện tại, toàn quốc thiếu khoảng hơn 10.000 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa hơn 12.000 giáo viên THCS môn khác.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa đào tạo giáo viên cho những môn học mới vừa tập huấn cho những giáo viên hiện có.

GS. Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại hội nghị trực tuyến. (Ảnh: ĐT)

TS. Hoàng Đức Minh cũng cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý. Trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và các môn học tích hợp.

Đề cập đến cơ sở vật chất, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học - Bộ GD&ĐT cho biết, cả nước hiện có hơn 500.000 phòng học. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học đảm bảo yêu cầu 1 lớp/phòng để học 2 buổi/ngày; cấp THCS và cấp THPT bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 lớp/phòng để tổ chức học các môn tự chọn.

Ông Phạm Hùng Anh cho biết thêm, Bộ GD&ĐT sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện chương trình mới trên nguyên tắc kế thừa những thiết bị đã có. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và các phần mềm thay thế thiết bị chứng minh, phù hợp với xu hướng phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng giao các địa phương lập và phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án tổng thể và từng năm, trong đó xác định nhu cầu đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 theo các mục tiêu.

Cụ thể, đối với giáo dục mầm non, đầu tư xây dựng phòng học, phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, nhà bếp và nhà kho; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu và thiết bị đồ chơi ngoài trời.

Đối với giáo dục tiểu học, đầu tư xây dựng phòng học, các phòng chức năng và thư viện. Mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 1 và lớp 2 như bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ.

Đối với giáo dục THCS và THPT, đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, phòng chuẩn bị và thư viện; mua sắm bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu khối lớp 6, thiết bị phòng học bộ môn, bàn ghế hai chỗ ngồi, máy tính và thiết bị phòng học ngoại ngữ...

“Các địa phương cần xác định việc bảo đảm cơ sở vật chất trường học là trách nhiệm của địa phương, nguồn lực đầu tư do các địa phương chủ động cân đối, bố trí, huy động là chủ yếu”, ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, xây dựng đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành. Từ đó, Ban thực hiện sẽ xây dựng chương trình theo khung, sau đó đến chi tiết. Yêu cầu của chương trình tương đối cao, đảm bảo hướng đến quốc tế và phù hợp địa phương.

Đặc biệt, Tư lệnh ngành giáo dục khẳng định kết quả của triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới phụ thuộc việc triển khai thực tiễn, trong đó có đội ngũ nhà giáo, từ giáo viên, hiệu trưởng đến nhà quản lý.

Giáo viên quyết định thành bại của Chương trình giáo dục phổ thông mới. (Nguồn: Thanh niên)

“Thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới dựa vào đội ngũ nhà giáo, từ thừa thiếu ra sao, đào tạo thế nào. Đây cũng là một trong những trọng tâm của ngành trong năm 2019”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được xây dựng theo định hướng nội dung, nặng về truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng giúp học sinh vận dụng kiến thức học được vào thực tiễn. Theo mô hình này, kiến thức vừa là chất liệu, đầu vào vừa là kết quả, đầu ra của quá trình giáo dục. Vì vậy, học sinh phải học và ghi nhớ rất nhiều nhưng khả năng vận dụng vào đời sống rất hạn chế.

Do đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Theo GS. Thuyết, Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý hơn đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học.

Chương trình này bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung giáo dục cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc. Đồng thời trao quyền chủ động, trách nhiệm cho địa phương và nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của địa phương.

GS. Thuyết cũng nhấn mạnh, phương pháp giáo dục mới phát huy tính tích cực của học sinh, khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ một chiều. Cùng với đó, do cách tiếp cận của Chương trình giáo dục phổ thông mới khác trước đây nên cách xây dựng cũng khác, rất bài bản, hướng tới tiệm cận quốc tế.

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/giao-vien-quyet-dinh-thanh-bai-cua-chuong-trinh-moi-85193.html