Giáo viên phải tự nâng chuẩn hay trường cử đi học, chế độ thế nào?

Giáo viên đi học nâng chuẩn sẽ được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác, được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật

Một bạn đọc có địa chỉ email là votup…@gmail.com đã viết thư gửi cho Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhờ tư vấn về trường hợp của mình, nội dung câu hỏi như sau:

Kính gửi Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Hiện tôi đang là giáo viên cấp Trung học cơ sở đã có bằng cao đẳng sư phạm mà theo Luật Giáo dục năm 2019 thì tôi chưa đạt chuẩn trình độ. Vì vậy, Tòa soạn cho tôi hỏi là việc nâng chuẩn của tôi là tự đi học, tự kiếm trường đào tạo hay do các ban ngành thu xếp cho đi học?

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo điểm b, khoản 1, Điều 72 của Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 thì giáo viên Trung học cơ sở phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Trường hợp của bạn chưa mới có bằng cao đẳng cũng đồng nghĩa với việc chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 và sẽ được đơn vị bố trí đi học nâng chuẩn trong thời gian tới đây theo lộ trình.

Bởi, trước khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực thì ngày 30/6/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP Quy định lộ trình thực hiện nâng chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.

Theo hướng dẫn tại Điều 6 của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP thì lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên Trung học cơ sở được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030.

Lộ trình được thực hiện thành hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, bảo đảm đạt ít nhất 60% số giáo viên trung học cơ sở đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân;

Giai đoạn 2: Từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2030, thực hiện đối với số giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên trung học cơ sở hoàn thành chương trình đào tạo được cấp bằng cử nhân”.

Về việc thực hiện lộ trình nâng chuẩn trình độ cho giáo viên thì tại khoản 2, Điều 8 của Nghị định này cũng đã hướng dẫn:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch 5 năm theo lộ trình 2020 - 2025 và 2026 - 2030, gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm căn cứ xây dựng kế hoạch thực hiện hàng năm;

b) Hàng năm, các cơ sở giáo dục phổ thông xây dựng kế hoạch, gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch hàng năm do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, đề xuất trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo và kế hoạch hàng năm của Ủy ban nhân dân cấp huyện;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi kế hoạch về Bộ Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, theo dõi và chỉ đạo tổ chức thực hiện”.

Chính vì thế, sau khi Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ban hành thì ngày 28/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Kế hoạch số 681 /KH-BGDĐT về việc thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 1 (2020 – 2025).

Và, hiện nay thì các địa phương cũng đã có kế hoạch hướng dẫn các nhà trường thống kê số liệu giáo viên trong đơn vị mình chưa đủ chuẩn trình độ để báo về trên nhằm thực hiện lộ trình nâng chuẩn cho giáo viên theo kế hoạch.

Vì vậy, theo hướng dẫn của Nghị định số 71/2020/NĐ-CP; Kế hoạch số 681 /KH-BGDĐT và kế hoạch cụ thể của từng địa phương thì những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ sẽ được bố trí đi học để nâng chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019.

Giáo viên đi học nâng chuẩn sẽ theo kế hoạch của địa phương, của nhà trường.

Đặc biệt là khi giáo viên được cử đi học nâng chuẩn trình độ thì sẽ được cơ quan quản lý, sử dụng tạo điều kiện về thời gian; được hỗ trợ tiền đóng học phí (áp dụng theo quy định hiện hành của pháp luật đối với sinh viên sư phạm);

Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục và được hưởng 100 % lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật.

Như vậy, bạn cũng như một số thầy cô giáo chưa đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 cũng không phải quá lo lắng về việc nâng chuẩn, trường đào tạo tới đây của mình vì kế hoạch này đã được địa phương nơi bạn công tác triển khai, bố trí cho giáo viên đi học nâng chuẩn.

Cảm ơn bạn đã gửi thư đến Tòa soạn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

LÊ MINH

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-phai-tu-nang-chuan-hay-truong-cu-di-hoc-che-do-the-nao-post217898.gd