Giáo viên nhận xét đề, phổ điểm thi môn Ngữ văn vào lớp 10

Đề thi vào lớp 10 môn Ngữ văn gồm kiến thức khá rộng, không dễ đạt điểm cao. Phổ điểm thi sẽ vào khoảng từ 5 đến 7 điểm.

Sáng 7/6, gần 95.000 học sinh Hà Nội làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 với thời gian là 120 phút.

Ngay sau khi kết thúc thời gian làm bài, cô Ngô Thị Lan Anh (giáo viên dạy Ngữ văn, trường THPT Trần Phú, Hà Nội) đánh giá, đề thi gồm kiến thức khá rộng, dài hơn so với đề thi năm 2017. Thí sinh không dễ đạt được điểm cao vì đề thi có tính chất phân loại thí sinh khá tốt.

Thí sinh sau khi kết thúc thời gian làm bài môn Ngữ văn tại Hội đồng thi trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Nếu như năm ngoái, sự phân loại trình độ của thí sinh rơi vào phần Làm văn thì năm nay có cả phần Làm văn và Đọc hiểu.

Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký thi vào lớp 10 tăng và sức cạnh tranh gay gắt hơn so với năm ngoái. Để có thể đạt điểm cao môn Ngữ văn, thí sinh phải hội tụ tất cả các kỹ năng làm bài, biết vận dụng viết đoạn văn, hiểu rõ phần Đọc hiểu và giải thích được câu hỏi: “Vì sao sau khi nghe Phan Lang nói, Vũ Nương “ứa nước mắt khóc” và quả quyết “tôi tất phải tìm về có ngày”?

Ở phần viết đoạn văn khoảng 12 câu theo cách lập luận diễn dịch làm rõ hình ảnh người lao động, nếu học sinh không biết chắt lọc ý và gạch chân dưới những từ ngữ dùng làm phép lặp thành phần phụ chú thì sẽ bị mất điểm ở câu này.

Đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 của Hà Nội

Câu hỏi yêu cầu: “Ghi lại chính xác câu thơ trong một bài thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà em đã được học ở chương trình Ngữ văn THCS cũng có hình ảnh con thuyền trong đêm trăng”, có thể nhiều học sinh không làm được vì không nhớ câu thơ.

Với câu hỏi: “Em hãy trình bày suy nghĩ về vai trò của gia đình trong cuộc sống của mỗi chúng ta”, có thể học sinh chỉ trình bày một vế về vai trò của gia đình mà không đề cập đến vấn đề khác, bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề này.

Với đề thi môn Ngữ văn năm nay, cô Lan Anh đánh giá, phổ điểm thi sẽ vào khoảng từ 5 đến 7 điểm. Học sinh nào đạt được 8 điểm trở lên phải là những người không chỉ nắm chắc các kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải biết vận dụng kiến thức vào đời sống xã hội, vận dụng các kỹ năng làm bài một cách linh hoạt, có tư duy tốt, biết đào sâu vấn đề.../.

Bích Lan/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/giao-vien-nhan-xet-de-pho-diem-thi-mon-ngu-van-vao-lop-10-771582.vov