Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh nghèo: Tô thắm nghĩa tình thầy trò

Việc hàng trăm giáo viên (GV) ở huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đứng ra đỡ đầu cho gần 1.000 học trò khó khăn ở khắp các điểm trường trong huyện không những hạn chế được tình trạng học sinh (HS) bỏ học mà còn tô đẹp thêm hình ảnh tình nghĩa thầy trò.

Từ sự đỡ đầu của thầy Lênh, Huệ đã có nhiều tiến bộ

Từ sự đỡ đầu của thầy Lênh, Huệ đã có nhiều tiến bộ

Những cha, mẹ đặc biệt

Theo bà Nguyễn Thị Thành - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà, HS mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc không biết cha mình là ai trên địa bàn huyện Sơn Hà rất nhiều. Hoàn cảnh của các em rất đáng thương. Các em thường xuyên bỏ học hoặc đi học không đều. Vì thế, từ năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà đã phát động phong trào “GV nhận đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, HS mồ côi, HS học yếu, HS có nguy cơ bỏ học”. Các trường đã phân công GV chủ nhiệm nhận đỡ đầu tất cả các em khó khăn, mồ côi; hỗ trợ về vật chất, quan tâm, chia sẻ, yêu thương như cha như mẹ để các em được tiếp tục đến trường.

Hơn 2 năm nay, vượt qua cung đường đèo dốc của xã Sơn Bao, hành trang đến trường của thầy Đinh Văn Lênh (GV Trường Tiểu học Sơn Bao, điểm trường Nước Rinh) không chỉ là giáo án, mà còn là sự lo lắng cho một học trò đặc biệt. Với tình yêu thương và tấm lòng chân thành của mình, thầy Lênh đã nhóm lên tình yêu con chữ với em Đinh Thị Huệ (học sinh lớp 2) và các học trò nơi đây.

Huệ bị bệnh thiểu năng về trí tuệ, chậm phát triển, đôi mắt lại kém nên việc đi học gặp rất nhiều khó khăn. Hoàn cảnh gia đình đặc biệt, cha mất sớm, hàng ngày mẹ phải đi làm thuê để gánh vác gia đình, bởi thế suốt 2 năm nay, Huệ đều được thầy Lênh đến tận nhà đón đi học. Con đường trước đây em đi phải mất vài tiếng mới đến trường, nay mỗi ngày đều có thầy đồng hành.

Dù khó khăn nhưng từ khi nhận đỡ đầu cho Huệ, thầy Lênh luôn kiên trì dành thời gian để dạy dỗ em. Huệ học chậm hơn so với các bạn ở lớp nên thầy Lênh thường xuyên kèm cặp Huệ ngoài giờ học. Không chỉ vậy, ngoài công việc ở trường, những lúc mẹ em đi vắng, thầy còn đến tận nhà nấu cơm và coi Huệ như con của mình, chăm sóc chu đáo, ân cần. Hơn 2 năm nay, căn bếp nhà Huệ cũng ấm cúng hơn bởi có bóng dáng của thầy Lênh.

Cô giáo Võ Thị Thanh Thủy - Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Di Lăng hiện là người đỡ đầu cho Khít. Ngoài hỗ trợ lương thực, cô Thủy thường xuyên mua quần áo, sách vở... đến làng thăm hỏi chăm sóc, động viên Khít nỗ lực học hành. “Em Khít là một học sinh khuyết tật nên mong muốn lớn nhất của các thầy, cô giáo là giúp em đọc trôi chảy, thành thạo những phép tính đơn giản. Đồng thời giúp Khít mạnh dạn giao tiếp với bạn bè và mọi người. Đáp lại niềm mong mỏi đó, Khít luôn cố gắng học tập. Thầy cô chưa bao giờ phàn nàn điều gì về cậu học trò đặc biệt này”, cô Thủy cho biết.

Khít là một học sinh khuyết tật được cô Thủy đỡ đầu

Tình yêu thương không toan tính

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 550 thầy, cô giáo ở 39 đơn vị trường học nhận đỡ đầu cho 935 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các em được nhận đỡ đầu đều phát triển tốt, có sự tiến bộ trong học tập, không còn ý định nghỉ học và đặc biệt là tâm lý của các em được cải thiện đáng kể. Nếu trước năm 2015, tình trạng học sinh đi học kiểu “giã gạo” trên địa bàn huyện khoảng 30%, đến nay chỉ còn dưới 8% tùy vào từng trường.

Theo bà Thành, sau hơn 2 năm triển khai, phong trào “GV nhận đỡ đầu HS có hoàn cảnh khó khăn, HS mồ côi, HS học yếu, HS có nguy cơ bỏ học” đã lan tỏa mạnh mẽ. Nhờ đó, các em thích đến trường hơn, học tập tiến bộ, chất lượng giáo dục của huyện từ đó cũng được nâng lên. “Tùy theo hoàn cảnh của từng học sinh mà các thầy, cô giáo có những giải pháp riêng, tất cả nhằm hỗ trợ, giúp đỡ để các em được đến trường, tự tin hơn trong giao tiếp, có kết quả học tập tốt hơn. Tôi mong rằng, GV sẽ thật sự như người cha, người mẹ thứ hai của các em, để cho các em thêm một điểm tựa tinh thần”, bà Thành cho biết.

Vị Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà chia sẻ thêm: “Chẳng thể thống kê được đã có bao nhiêu áo quần, sách vở, đồ dùng học tập, gạo, mắm, xe đạp, những bữa ăn... mà các thầy, cô giáo đã đi xin cho trò. Và tôi nghĩ các thầy, cô giáo cũng chẳng thống kê những vật chất ấy vào như một thành tích trong báo cáo. Họ là những người đồng nghiệp tuyệt vời mà tôi may mắn có được”.

Công việc dạy học tại vùng cao vốn đã có muôn vàn khó khăn, thử thách. Thế nhưng, bằng tình yêu nghề mến trẻ, hàng trăm thầy, cô giáo ở huyện miền núi Sơn Hà còn nhận thêm sứ mệnh đỡ đầu cho học trò của mình, hiết nghĩ, tất cả những sự thay đổi đối với 935 học sinh của huyện là món quà từ những tấm lòng tử tế bao la ấy.

Cuối tháng 9/2018, Phòng GD&ĐT huyện Sơn Hà đã tổ chức đêm văn nghệ “Điểm tựa yêu thương” nhằm tri ân các thầy, cô giáo đã nhận đỡ đầu học sinh, đồng thời kêu gọi các nhà hảo tâm đồng hành với ngành giáo dục huyện Sơn Hà giúp trẻ em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục bám trường, bám lớp. Chương trình chạm đến trái tim của các nhà hảo tâm nên đã nhận được số tiền hỗ trợ gần 500 triệu đồng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/nhan-ai/giao-vien-nhan-do-dau-hoc-sinh-ngheo-to-tham-nghia-tinh-thay-tro-3975486-b.html