Giáo viên, người nắm giữ thành công cho chương trình GD phổ thông mới

Ngoài các điều kiện về chương trình, cơ sở vật chất cùng SGK thì giáo viên được xác định là 'chìa khóa' để việc thực hiện chương trình GDPT mới thành công.

Chuẩn hóa trình độ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.

Chuẩn hóa trình độ giáo viên là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công chương trình GDPT mới.

Phối hợp các trường Sư phạm chuẩn bị đội ngũ

Để xây dựng đội ngũ một cách đồng bộ, tránh rơi vào thế con người phải chạy theo chương trình, ngay từ năm học 2019-2020 ngành giáo dục các địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng nhiều kế hoạch và lộ trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ hiện tại nhằm triển khai chương trình GDPT mới một cách hiệu quả.

Trong hàng loạt các giải pháp đào tạo đội ngũ thì giải pháp đặt hàng các trường ĐH Sư phạm đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu thực tế của địa phương được tích cực triển khai.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, thời gian qua, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục trên địa bàn, các trường học chú trọng lựa chọn, xây dựng đội ngũ giáo viên cốt cán các cấp (tỉnh, huyện, cụm trường, trường) có trình độ chuyên môn tốt, tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giáo dục.

“Xác định rõ đội ngũ có vai trò then chốt nên ngay từ lúc đầu Sở GD&ĐT đã chú trọng bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT mới, bám sát thực tiễn. Đặc biệt là đặt hàng các trường ĐH Sư phạm trong khu vực phối hợp đào tạo, nâng chuẩn cho giáo viên.

Đến thời điểm này công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình GDPT mới đã sẵn sàng. Hiện tỉnh Tây Ninh có 11.952 cán bộ quản lý và giáo viên. Về cơ bản đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỉ lệ chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 80,50%, tiểu học 68,59%, THCS 82,78%, THPT 100%, cao đẳng sư phạm 100%)”, ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh chia sẻ.

TP.HCM cũng là địa phương chủ động trong công tác bồi dưỡng giáo viên, đặt hàng các trường sư phạm nâng chuẩn, đào tạo đội ngũ cho mình.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó giám đốc Sở GD&ĐT hiện công tác bồi dưỡng cho giáo viên dạy lớp 1 chương trình mới đã xong, công tác phối hợp tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo thực hiện được chương trình GDPT 2018 lớp 2 cơ bản đã hoàn thành, với 547 hiệu trưởng; 827 phó hiệu trưởng và 22.239 giáo viên (trong đó, 16.941 giáo viên dạy nhiều môn) được tập huấn dưới sự hỗ trợ, phối hợp của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và Trường Cán bộ QLGD TP.HCM.

Các địa phương chuẩn hóa và củng cố đội ngũ bằng nhiều giải pháp

Theo TS Trần Đình Lý- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, Luật Giáo dục 2019 ban hành quy định trình độ chuẩn của nhà giáo được nâng lên, các trường Cao đẳng Sư phạm không còn có chức năng đào tạo giáo viên tiểu học và THCS như trước, điều đó ít nhiều dẫn đến sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên tại các địa phương. Do đó, chính sách đặt hàng đào tạo giáo viên với các trường đại học Sư phạm là một hướng đi đúng đắn. Ngoài việc đảm bảo tính kế thừa của đội ngũ trong tương lai thì việc chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên theo chương trình GDPT mới sẽ thuận lợi hơn.

“Vừa qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập vào Phân hiệu Trường ĐH Nông Lâm tại Ninh Thuận là để hướng đến mục tiêu đó. Để phục vụ cho công tác đào tạo giáo viên theo nhu cầu của địa phương, thời gian tới, Phân hiệu trường tại Ninh Thuận sẽ mở một số ngành mới đáp ứng nhu cầu nhân lực địa phương và khu vực. Trong đó, đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép mở 4 ngành sư phạm bậc ĐH và cấp chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm” -TS Lý nói.

Chủ động lĩnh hội, đổi mới song hành cùng Nhà trường

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2020 toàn ngành đã bồi dưỡng, tập huấn cho gần 107.000 CBQL, giáo viên, trong đó, bồi dưỡng 47.000 giáo viên cốt cán, tổ trưởng chuyên môn và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Ngoài ra, các địa phương sẽ tổ chức cho 920.000 giáo viên, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông đại trà tự học thường xuyên, liên tục với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán; tự sinh hoạt chuyên môn theo trường hoặc cụm trường về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới.

Theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, để đội ngũ này gập huấn lại cho các giáo viên khác.

Chương trình GDPT mới 2018 được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Vì vậy, giáo viên cần nắm rõ những điểm khác biệt của chương trình mới với chương trình hiện hành để triển khai hiệu quả.

Theo bà Phạm Thúy Hà, Phó trường phòng GD&ĐT Quận 4, nội dung bồi dưỡng giáo viên gồm tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ như sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.

“Để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ, Phòng giáo dục đã yêu cầu các trường cử giáo viên các môn học tham gia tập huấn theo quy định. Trong đó, giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học được tập huấn để đứng lớp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử-Địa lý.

Không chỉ tập huấn, Phòng giáo dục cũng rà soát toàn bộ đội ngũ giáo viên các cấp, đặc biệt là giáo viên lớp 2 và lớp 6 báo cáo Sở GD&ĐT để Sở có kế hoạch phối hợp, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo theo địa chỉ nhằm đáp ứng tốt nhất việc thực hiện chương trình GDPT mới”, bà Hà thông tin.

Học chương trình GDPT mới, học sinh được khuyến khích các hoạt động trải nghiệm

Bà Nguyễn Thị Kim Hương- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ Quận 11 cũng cho rằng đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng, góp phần quyết định sự thành công của chương trình GDPT mới. Chính vì thế, 2 năm qua Ban giám hiệu có nhiều yêu cầu đặt ra với đội ngũ giáo viên như: phải tích cực, chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học, trong nghiên cứu chương trình, tài liệu. Mặt khác, giáo viên phải tăng cường phối hợp với phụ huynh học sinh, nhất là với các em tiếp thu chậm để hỗ trợ các em theo kịp chuẩn kiến thức.

“Thuận lợi của TP.HCM là các trường đã có nhiều hoạt động giảng dạy theo định hướng giáo dục STEM liên môn. Vì vậy, khi thực hiện chương trình GDPT mới, giáo viên thuận lợi trong việc tiếp cận chương trình mới với những môn theo hướng tích hợp đã dạy. Theo tôi được biết, ngoài việc nâng chuẩn cho đội ngũ hiện tại, Sở GD&ĐT cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên theo hướng đặt hàng với các trường sư phạm giai đoạn 2021-2025. Do đó, thời gian tới việc triển khai chương trình các cấp lớp tiếp theo chắc chắn sẽ dần ổn định và thuận lợi hơn”- bà Hương nói.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-nguoi-nam-giu-thanh-cong-cho-chuong-trinh-gd-pho-thong-moi-BE3hBTCMR.html