Giáo viên ngoại ngữ thi mười không đạt một

Khảo sát của một cơ sở ĐH đi bồi dưỡng giáo viên cho thấy, có những giáo viên tiểu học mới chỉ đạt đến trình độ A2 (tương đương trình độ học sinh tốt nghiệp THCS theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới).

Đừng dạy học sinh “vẽ” chữ tiếng Anh (ảnh chỉ minh họa). Ảnh: Nghiêm Huê

Đừng dạy học sinh “vẽ” chữ tiếng Anh (ảnh chỉ minh họa). Ảnh: Nghiêm Huê

Học xong THPT, theo quy định của Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, học sinh phải đạt trình độ A2, tương đương bậc 2/6 theo khung tham chiếu châu Âu. Nhưng thực tế, có bao nhiêu phần trăm học sinh đạt được trình độ này.

Không những thế, khảo sát của một cơ sở ĐH đi bồi dưỡng giáo viên cho thấy, có những giáo viên tiểu học mới chỉ đạt đến trình độ A2 (tương đương trình độ học sinh tốt nghiệp THCS theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới).

Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một đơn vị được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh tại một số tỉnh miền núi phía Bắc năm 2018 cho biết: Theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên ngoại ngữ dạy THPT phải có trình độ đạt chứng chỉ C1, tương đương bậc 5/6 theo khung tham chiếu châu Âu (tốt nghiệp ĐH); Tiểu học và THCS là bậc 4, tức B2.

Do đó, đơn vị bồi dưỡng phải đào tạo sao cho giáo viên tiểu học, THCS thi đạt được bậc 4 (B2), giáo viên THPT sau khi bồi dưỡng phải đạt bậc 5 (C1). Nhưng thực tế, khi lên đến một tỉnh miền núi phía Bắc, đánh giá sơ bộ đầu vào cho thấy hầu hết giáo viên trên đó đều thiếu 2 bậc so với yêu cầu của Bộ.

Giáo viên ngoại ngữ dạy THPT mới chỉ đạt trình độ B1. Có giáo viên tiểu học thậm chí mới chỉ đạt ở mức A2, tương đương chuẩn đầu ra đối với học sinh THCS theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Do đó, sau thời gian bồi dưỡng 3 tháng, khoảng 400 giáo viên thi thì không có giáo viên nào đạt đến trình độ C1, chỉ khoảng 20% giáo viên đạt trình độ B2

Theo phân tích của vị lãnh đạo trên, thì kết quả này cũng là một nỗ lực đáng ghi nhận của giáo viên. Vì những giáo viên ở đây, từ khi ra trường đến nay đi dạy suốt, họ không được bồi dưỡng hay đào tạo gì thêm. Một thực tế nữa mà vị lãnh đạo này chỉ ra, đó là tuyển sinh khoa ngoại ngữ hay sư phạm ngoại ngữ ở một số trường địa phương miền núi có đầu vào tiếng Anh rất thấp, chủ yếu hai môn phụ trong tổ hợp xét tuyển gánh điểm cho môn chính để đủ điểm đỗ ĐH.

“Nhiều sinh viên vào học ngành ngoại ngữ hay sư phạm ngoại ngữ có trình độ chưa đạt B1, thậm chí A2 cũng chưa được. Đây là thực tế. Nhưng vì mục tiêu tuyển sinh, những thí sinh này vẫn vào học như bình thường” - vị này phân tích. Ông cũng thừa nhận, những thí sinh điểm ngoại ngữ cao sẽ chọn về các trường ĐH ở Hà Nội học, rồi làm việc tại Hà Nội. Họ sẽ chọn các ngành khác để làm việc, nếu có làm giáo viên cũng sẽ ở Hà Nội. Cũng không phủ nhận, ở vùng khó khăn vẫn có những giáo viên ngoại ngữ trình độ tốt. Tuy nhiên, số lượng rất ít.

Nặng về kiến thức, nhẹ kỹ năng

Trong khi đó, TS. Vũ Hải Hà, trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, mỗi năm khoa tuyển sinh khoảng 200 chỉ tiêu. Đánh giá về chất lượng giáo viên ngoại ngữ tại bậc phổ thông, TS. Vũ Hải Hà nêu quan điểm cá nhân của mình khi cho rằng đội ngũ giáo viên hiện nay gồm rất nhiều thế hệ. Mỗi giáo viên làm nghề phải 30-40 năm.

Vì vậy, sẽ có những giáo viên được đào tạo theo hệ thống đào tạo giáo viên cũ. Đó là những giáo viên được đào tạo từ cuối những năm 60 đến hết thập kỷ 70 của thế kỷ trước. Từ những năm 1984 - 1985 Việt Nam mới mở cửa với tiếng Anh. Việc giảng dạy tiếng Anh mới bắt đầu từ những năm 1990 nhưng phải đến sau những năm 2000, Việt Nam mới tiến hành đổi mới đào tạo giáo viên tiếng Anh.

“Lâu nay, giáo viên trong trường sư phạm vẫn học theo kiểu cũ, dạy không phải để dùng, dạy ngoại ngữ theo kiểu hàn lâm, giống như bất kỳ môn học nào khác, học để thi không phải học để dùng. Với cách dạy như bây giờ, học sinh vẫn “vẽ” chữ nhưng không hiểu để dùng được”.

Bà Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục

Như vậy, ở các trường phổ thông hiện nay, theo quan sát của TS. Vũ Hải Hà, những giáo viên chưa đạt chuẩn thường là thế hệ cũ. Trước đó, họ có thể là giáo viên tiếng Nga sau đó mới chuyển sang tiếng Anh, tuy nỗ lực nhưng họ là sản phẩm đào tạo của hệ thống giáo dục cũ nên còn nhiều hạn chế.

“Đơn cử như phát âm. Những giáo viên ngày xưa được đào tạo chủ yếu về ngữ pháp nên những dấu ấn về phương pháp dạy này cứ mang theo họ mãi, nhiều thế hệ học sinh được học như thế” - TS. Vũ Hải Hà cho hay.

Mặt khác, TS. Vũ Hải Hà cũng cho rằng, chất lượng dạy ngoại ngữ ở phổ thông hiện nay còn hạn chế có một nguyên nhân nữa, đó là cách kiểm tra, đánh giá chậm thay đổi, vẫn còn nặng về kiến thức ngôn ngữ hơn kỹ năng ngôn ngữ. Kiểm tra đánh giá tại các kỳ thi lớn hiện nay đối với môn ngoại ngữ vẫn chưa vượt qua được tình trạng thi trên giấy.

“Vì sao giáo viên phải thay đổi khi thi và kiểm tra đánh giá không thay đổi. Giáo viên đang được ở trong một “an toàn khu” nhất định, một khi cách thi và kiểm tra vẫn như hiện nay” - TS. Vũ Hải Hà cho hay. Theo ông, những phản ứng của dư luận vừa qua là do kết quả chưa xứng tầm với những gì mà chúng ta đã bỏ ra.

Trong khi, vị lãnh đạo của cơ sở bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Anh nói trên khẳng định: Thành tích nâng cao ngoại ngữ cho học sinh, nếu có ở chỗ này chỗ khác, dứt khoát không phải của ngành giáo dục, mà là thành tích của… phụ huynh. Phụ huynh đang phải bỏ ra rất nhiều tiền để nâng ngoại ngữ cho con. Đó không phải là thành tích của ngành giáo dục !

Bà Đặng Thị Thanh Huyền, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cũng cho rằng, giáo viên ngoại ngữ của Việt Nam đang dạy học sinh theo kiểu tiếng Anh là một ngôn ngữ không gắn với bản ngữ của người nước ngoài. Học sinh có thể thuộc mặt chữ nhưng khi sử dụng thực tế thì không dùng được. Bằng cấp giáo viên có đủ nhưng tính thực tiễn thì ít. Học sinh học ngoại ngữ chỉ để làm bài kiểm tra, không phải để sử dụng.

Nghiêm Huê

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/giao-duc/giao-vien-ngoai-ngu-thi-muoi-khong-dat-mot-1388283.tpo