Giáo viên mới ra trường, hãi nhất là 'nhiệm vụ' tiếp khách cơ quan

Giáo viên nữ trẻ trung, xinh xắn ngoài việc học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn phải rèn cho mình bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng về pháp luật để tự bảo vệ mình.

4 năm học đại học vất vả mãi rồi cũng mới xin được chân giáo viên dạy hợp đồng với đồng lương bèo bọt. Vào nghề đã khó, thế nhưng giữ được nghề, giữ được ngọn lửa đam mê để cháy mình trong từng bài giảng, để hết mình vì học sinh thân yêu cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều giáo viên trẻ mới ra trường đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách.

Những khó khăn, thử thách với giáo viên mới ra trường

Thứ nhất, về chuyên môn

Giáo viên mới ra trường đương nhiên luôn gặp khó khăn về chuyên môn. Bởi việc học ở trường sư phạm và việc dạy ở lớp khá chênh lệch nhau.

Thế nên, có những giáo viên khi còn là sinh viên luôn đạt sinh viên giỏi, xuất sắc nhưng khi đi dạy lại không được học sinh yêu thích vì giảng bài khó hiểu. Có học sinh còn đặt cho những thầy cô giáo này là dạy kiểu “bác học”.

Ảnh minh họa, nguồn: internet/chưa rõ tác giả.

Ảnh minh họa, nguồn: internet/chưa rõ tác giả.

Muốn nâng cao tay nghề chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, giáo viên mới ra trường phải học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm bằng những tiết dạy thực tế khá nhiều.

Thứ hai, ứng xử với học sinh, phụ huynh

Mỗi học sinh có tính cách khác nhau, để ứng xử với hàng trăm học sinh và phụ huynh của các em một cách “xuôi chèo mát mái” luôn là điều khó với giáo viên mới ra trường.

Bộ Giáo dục đề nghị Hà Tĩnh làm rõ thông tin điều động giáo viên đi tiếp khách

Đã có không ít chuyện buồn trong ứng xử ở môi trường giáo dục xảy ra mà nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ sự thiếu kinh nghiệm trong cách xử lý của giáo viên.

Để rồi tiếng xấu về người giáo viên, về ngành giáo dục luôn lưu truyền mãi.

Thứ ba, khó khăn trong việc giáo dục học sinh

Có những học sinh học với thầy A. lại chăm ngoan lạ thường nhưng học với cô B. lại trở thành học sinh ngổ ngáo, khó dạy dỗ. Đã có biết bao giáo viên lần đầu đứng trên bục giảng đã phải bật khóc chạy ra khỏi lớp vì nói gì học sinh cũng không nghe.

Và cũng vì thiếu kinh nghiệm, có giáo viên đã không dạy trò nên người mà góp phần đẩy các em tới con đường tối, để rồi vài chục năm sau nhìn lại, nỗi ân hận dày vò cứ đeo đẳng mãi.

Thử thách về chuyên môn, về giáo dục học sinh, về ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh và học sinh được xem như nghĩa vụ phải trải qua để giáo viên có thêm kinh nghiệm với nghề (ai càng được thử thách, va chạm nhiều sẽ càng có cơ hội trở thành giáo viên tốt).

Thế nhưng, giáo viên nữ mới ra trường hãi nhất cảnh phải điều đi dự tiệc bia rượu khách khứa cùng lãnh đạo. Và do mới ra trường nên không ít cô giáo trẻ không thể từ chối dù bản thân họ vô cùng bức xúc.

Tâm sự nhói lòng của một cô giáo trẻ

Tâm sự nhói lòng của một cô giáo trẻ (Ảnh: Phan Tuyết)

Cô H. giáo viên trẻ mới ra trường và có chút nhan sắc đang công tác tại một tỉnh miền trong, thường hay bị cấp trên điều động đi “công tác”.

Cô H. buồn rầu tâm sự: “Không có người đỡ đầu, không có gốc gác, em thấy con đường phía trước mịt mù tăm tối quá.

Em muốn dừng lại quá nhưng nghĩ lại thấy ba mẹ phải bỏ ra biết bao nhiêu tiền của lo từ khi còn học cấp 3 đến giờ mà không nỡ dừng. Em không phù hợp với những nơi ăn uống, rượu bia. Nhiều vấn đề ập đến quá…

Chúng tôi cũng chỉ biết động viên em, mọi thứ sẽ vượt qua nếu em cẩn trọng và khéo léo…Không lao theo vòng xoáy của việc ấy mà lo chuyên môn cho tốt, thương yêu học trò, ứng xử lễ phép với phụ huynh học sinh.

Tuy thế, vẫn rất lo cho cô giáo vì nếu bị cấp trên điều động đi “công tác” mà cô từ chối chắc chắn sẽ bị làm khó đủ đường. Người có bản lĩnh rồi sẽ vượt qua, nhưng những cô giáo yếu đuối đôi khi chỉ còn cách bỏ nghề nếu không muốn vướng vào vòng xoáy ấy.

Giáo viên nữ mà cử đi tiếp khách là vi phạm quy định?

Năm 2016, dư luận từng dậy sóng câu chuyện “điều giáo viên đi tiếp khách” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định, đây là việc “không chấp nhận được”, là việc “hoàn toàn không phù hợp”, và “bất cứ cái gì không phù hợp với giáo dục đều không được chấp nhận”.

Bởi thế, những giáo viên nữ trẻ trung, xinh xắn ngoài việc học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng đứng lớp còn phải rèn cho mình bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng về pháp luật để tự bảo vệ mình khi cần thiết.

Tài liệu tham khảo:

https://congly.vn/vu-dieu-dong-giao-vien-di-tiep-khach-o-ha-tinh-tai-sao-lai-la-nu-giao-vien-99963.html

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-moi-ra-truong-hai-nhat-la-nhiem-vu-tiep-khach-co-quan-post213167.gd