'Giáo viên máy phát thanh'

'Xin chào... 1... 2... 3... 4...!'. Giọng của tình nguyện viên thử chất lượng chiếc loa kéo ở giữa bãi đất trống cũng chính là 'tiếng trống trường' báo hiệu cho trẻ em ở làng Dandwal thuộc bang Maharashtra ở phía tây Ấn Độ.

Không hề có hiện tượng chen lấn, xô đẩy, mỗi em tìm đến vị trí vòng tròn kẻ sẵn bằng phấn, ngồi khoanh chân nghiêm chỉnh và mở sách ra học. Đến khi hàng ngũ chỉnh tề, loa được bật, tiếng dạy học của các thầy, cô giáo vang lên một góc ngôi làng thuần nông này. Đây chính là lớp học ngoài trời thời Covid-19 đã dần quen thuộc mỗi buổi sáng ở đây.

Nhiều người sẽ nghĩ lớp học trên cũng chỉ là một hình thức học tập ngoài trời phổ biến đang được nhiều quốc gia khuyến khích, áp dụng để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Điều đó có thể đúng một phần, cho đến khi họ chú ý tới một điểm đặc biệt của lớp học: Không hề có giáo viên. Thay vào đó, những “thầy giáo", "cô giáo” của các em lại chính là chiếc loa này. Đúng theo nghĩa đen, các bài giảng được thu vào đĩa CD. Các em ghi chép, trả lời câu hỏi phát ra từ loa, cùng nhau hát đồng dao. Bên cạnh việc bám sát thời khóa biểu ở trường, các bài học còn lồng ghép một số nội dung thiết thực cho học sinh, như: Giáo dục kỹ năng xã hội hay tiếng Anh. Một số phụ huynh cũng ngồi học cùng con em ngay ở phía sau.

Lớp học đặc biệt này được thực hiện bởi một quỹ phi lợi nhuận mang tên Diganta Swaraj. Bà Shraddha Shringarpure, người đứng đầu tổ chức trên cho biết, dịch Covid-19 bùng phát, lây lan phức tạp tại Ấn Độ khiến toàn bộ trường học ở quốc gia Nam Á này phải đóng cửa từ nhiều tháng qua. Trong khi các bạn cùng trang lứa ở thành phố, đô thị lớn có điều kiện để học trực tuyến thì những trẻ em tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa như Dandwal lại không được tiếp cận do thiếu mạng lưới viễn thông, nguồn điện không ổn định cũng như máy vi tính, máy chiếu... Những trường hợp đó khá phổ biến ở Ấn Độ trong thời Covid-19 hiện nay.

Không để những trường hợp như vậy tụt hậu phía sau vì đại dịch, quỹ Diganta Swaraj đã trích một phần quỹ hoạt động giáo dục và vận động các mạnh thường quân để triển khai mua một số loa kéo; đồng thời đi đến nhà các thầy, cô giáo để vận động họ thu âm bài giảng vào đĩa CD. Sau đó, quỹ bắt đầu triển khai ý tưởng giảng dạy này từ đầu tháng 8-2020 với tên gọi “Bolki Shaala” (tạm dịch: Lớp học biết nói) tại 6 ngôi làng của bang Maharashtra cho hơn 1.000 trẻ em địa phương. Hằng ngày, các tình nguyện viên sẽ phụ trách kéo loa đến những địa điểm định sẵn để bật loa, làm công tác tổ chức, duy trì giờ học và thu loa về. Học sinh được yêu cầu ngồi trong các vòng tròn cách nhau 1,5m để thực hiện quy định giãn cách xã hội của chính phủ.

Ban đầu, bà Shraddha Shringarpure lo ngại rằng cha mẹ và trẻ em sẽ không chấp nhận hình thức học tập loa thay cho giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, sau một thời gian đi vào hoạt động, dự án nhận được sự ủng hộ của dân làng. Em Jyoti, 11 tuổi, chia sẻ: “Em rất thích lớp học này. Chúng em còn đặt tên cho những chiếc loa là “thầy giáo máy phát thanh”, “cô giáo máy phát thanh” nữa. Chúng em không bỏ buổi học nào cả”. Trong khi đó, anh Sangeeta Yele, một phụ huynh cho biết, con trai anh thường đi chơi lang thang với bạn ở bìa rừng kể từ khi trường học đóng cửa. Nhờ có dự án của quỹ Diganta Swaraj, cậu bé đã chăm chỉ đến lớp và còn tự giác ôn bài ở nhà. “Chiếc loa làm tôi và rất nhiều dân làng cảm thấy hạnh phúc vì con em mình được đi học trở lại”, anh Sangeeta Yele nói. Thời gian tới, quỹ Diganta Swaraj sẽ mở rộng dự án ra nhiều vùng nông thôn khác ở Ấn Độ.

Khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, chính quyền sẽ phải cân nhắc rất cẩn thận kế hoạch mở cửa lại trường học. Vì vậy, ngành giáo dục các nước cần phải linh hoạt nhiều phương án để học sinh được bổ sung kiến thức trong thời gian này. Mô hình giảng dạy bằng loa như trên sẽ là một giải pháp hiệu quả nhằm thích nghi với hoàn cảnh, đặc biệt là ở những khu vực còn gặp khó khăn về kinh tế, không thể áp dụng được phương pháp học tập trực tuyến, từ xa.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/giao-vien-may-phat-thanh-632437