Giáo viên lớp 1 - những tình huống không có trong giáo án

Khác với các giáo viên khác ở cấp tiểu học, giáo viên (GV) lớp Một là những người xây viên gạch kiến thức đầu tiên cho trẻ. Niềm vui, thành quả của họ không gì ngoài niềm vui đến trường, yêu bạn bè, thầy cô… của những học trò nhỏ. Để có được những niềm vui ấy, GV lớp đầu cấp tiểu học luôn phải đối mặt với những tình huống không có trong giáo án.

HS lớp 1 Trường Tiểu học Quảng Đại. Ảnh nhân vật cung cấp

HS lớp 1 Trường Tiểu học Quảng Đại. Ảnh nhân vật cung cấp

Vừa dạy chữ vừa dỗ dành

20 năm gắn với sự nghiệp “trồng người”, cô Hoàng Thị Hương Lan, GV Trường Tiểu học Quảng Đại (Sầm Sơn, Thanh Hóa) có thâm niên 10 năm liên tục dạy học sinh lớp 1. Đây là lớp học được coi là phức tạp nhất cấp tiểu học.

Cô Lan cho biết, dạy lớp đầu cấp tiểu học - một việc không hề đơn giản. Làm sao để học trò đi ngay vào nền nếp là rất khó.

Ngày đầu tiên đến lớp, các em mới được làm quen với đồ dùng học tập. Cô giáo phải hướng dẫn HS tỉ mỉ từng công việc một như phân biệt sách,vở, cách lấy và cất bộ đồ dùng học Tiếng Việt và Toán, tư thế ngồi học, cầm bút ra sao…

HS lớp 1 vào đầu năm học mới còn nhiều bỡ ngỡ do mọi thứ đều mới lạ. Các em phải làm quen dần với bạn học mới, cô giáo mới, cách học mới. Từ một đứa trẻ được bao bọc trong vòng tay ông bà, bố mẹ nay phải tự lập từ chuyện đi vệ sinh đến việc ăn uống, ngủ nghỉ. Nhiều trẻ nghịch ngợm, hiếu động khiến cô giáo “đau đầu”. Trong giờ học, chuyện các em đang ngồi trên ghế rồi bỏ xuống đất ngồi, hay chạy ra lớp… là bình thường.

Cô giáo Lan tâm sự: “Khối 1 là khối lớp quan trọng nhất ở cấp tiểu học, là nền tảng giáo dục đạo đức và kiến thức cho học sinh. Sự thay đổi môi trường học tập từ mầm non lên tiểu học với nhiều bỡ ngỡ đòi hỏi người giáo viên chủ nhiệm đặc biệt quan tâm tới học sinh, vừa truyền cảm hứng, vừa dạy dỗ vừa chăm sóc. Với học sinh lớp 1, cô giáo không chỉ dạy chữ mà còn phải có tâm thế của một người mẹ”.

Để trẻ đi vào nền nếp, đầu tiên cô nâng cao tính kỉ luật. Vừa dạy vừa quan sát từng thói quen, sở thích của các em, từ đó điều chỉnh cho các em và nền nếp như ôn bài ở nhà, tự học trên lớp. Khi cô đang hướng dẫn cho bạn khác tập viết thì những bạn khác không chờ đợi mà phải tự biết làm bài của mình.

Theo cô Lan, dạy và dỗ, lúc nào cũng đi đôi với nhau. Có HS không thích học, cô giáo vô cùng vất vả. Trẻ ỉ ôi, mếu máo đòi mẹ, đòi bà... không chịu thực hiện yêu cầu của cô. Cô lại phải nịnh khéo, kèm cặp, chăm sóc. Năm học trước, lớp cô có 3 HS ngày nào cô cũng cầm tay mới viết được. Em thì cúi sát cuốn vở, em thì nghiêng người để viết, em thì cầm bút thẳng đứng, chữ thì xấu vô cùng. Bắt đầu từ tháng 9 đến hết tháng 12, các em mới theo kịp được các bạn trong lớp.

Để trẻ cảm nhận tình cảm của cô giáo

Cô Lan cùng HS Trường Tiểu học Quảng Đại. Ảnh nhân vật cung cấp

Là cô giáo có thâm niên nhiều năm dạy lớp 1, cô Phạm Thị Hồng Vân, GV Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội) cho biết: Với trẻ mới vào lớp Một, một môi trường học tập khác hẳn mầm non, cô giáo phải rất sát sao quan tâm tới các em. Để giúp HS nhanh chóng vào nền nếp, GV hãy để trẻ cảm nhận cô giáo như mẹ. Những tuần đầu tiên của năm học, cô quan sát, ghi lại những cá tính riêng biệt của trẻ để hiểu được cá tính riêng của từng em. Trẻ nào hiếu động, trẻ nào nhút nhát, trẻ nào có ý thức tốt, hợp tác tốt, cô giáo có những phương pháp riêng.

Với GV dạy lớp 1, mỗi ngày đến lớp sớm hơn, nán lại lớp muộn hơn, trò chuyện với trẻ bằng nụ cười thân thiện. Đây là thời gian quý báu trong mỗi ngày để GV trò chuyện, hướng dẫn riêng cho trẻ. Ví dụ: Con hãy cất cặp vào đúng móc treo. Cô thấy con để quên sách vở hai hôm nay rồi! Hôm nay cô mong con hãy lắng nghe hơn khi cô giảng bài. Cô thấy con rất thích leo trèo, con có biết những gì có thể xảy ra không... Trẻ sẽ cảm nhận được sự gần gũi, không có khoảng cách giữa cô và trò. Dần dần, cô để trẻ cảm nhận được tình yêu thương của cô giáo ngay từ những ngày đầu đến lớp.

Những tuần đầu tiên của năm học, cô Vân tổ chức thi đua thực hiện tốt nền nếp, giữa các tổ, các bàn... Cô có một phương pháp khích lệ các con học là mỗi khi trả lời đúng các con sẽ nhận được 1 phiếu khen. Sau khi tích được đủ 1 lượng nhất định, các con sẽ được quy đổi ra phần thưởng “nho nhỏ” tương ứng như thước kẻ, bút chì, vở... Các con đón nhận nó rất thích thú, từ đó các con hào hứng học bài và hăng hái xây dựng bài hơn.

Bên cạnh đó, GV tổ chức tốt các tiết sinh hoạt tập thể hàng tuần để nhắc nhở, hướng dẫn HS thực hiện các yêu cầu về nề nếp. khen ngợi HS có tiến bộ. Kết hợp với GV bộ môn nhắc nhở HS thực hiện tốt nề nếp, trong các hoạt động ở trường. Trao đổi với phụ huynh những vấn đề trên lớp của con để gia đình cùng uốn nắn, rèn giũa trong sinh hoạt để con có ý thức, nền nếp tốt khi tham gia các hoạt động.

Các em đang trong giai đoạn chuyển “từ chơi sang học, các em chưa ý thức được việc học”. Cô vừa phải uốn nắn học trò từ những việc nhỏ nhất, đồng thời phải “hướng dẫn” cả phụ huynh kỹ năng giúp con vững tâm đi học. Nhiều người cho rằng việc dạy học là của cô. Những phần bài tập chưa hoàn thiện về nhà không cần làm, con chỉ chơi và ngủ. Giải thích cho phụ huynh hiểu được, kèm cặp con em mình thêm ở nhà thì chắc chắn sẽ tạo cho các em một tư thế ngồi đúng, nét chữ cứng cáp mà kĩ năng viết và cầm bút cũng đúng khoa học.

Vất vả là thế, nhưng với cô Vân, điều quan trọng là giúp HS thích nghi với nền tảng kiến thức đầu tiên trong cuộc đời. “Khi thấy HS tung tăng vui cười, các cô lại quên hết mệt mỏi”, cô Vân tâm sự.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-lop-1-nhung-tinh-huong-khong-co-trong-giao-an-4034009-b.html