Giáo viên lo “xoay” không kịp khi Giáo dục công dân được đưa vào môn thi chính

Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, môn Giáo dục công dân đã được đưa vào tổ hợp Khoa học Xã hội cùng với hai môn khác là Lịch sử và Địa lý. Nhiều giáo viên phổ thông bày tỏ sự lo lắng, làm sao phải “xoay” kịp để có thể đáp ứng yêu cầu khi mà môn học này vẫn thường bị học sinh xem nhẹ.

Nhận xét về đề thi minh họa môn Giáo dục công dân do Bộ GD&ĐT vừa công bố, cô Nguyễn Thị Minh Huê, giáo viên Trường THPT Hoàng Mai (Nghệ An) cho rằng: Đề thi đã có sự phân bố hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, các câu hỏi đi từ dễ đến khó.

Đa số câu hỏi về giải quyết tình huống xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, yêu cầu học sinh phải biết vận dụng kiến thức thực tế để trả lời khiến cho môn Giáo dục công dân vì thế mà bớt đi phần khô khan, nặng nề về lý thuyết, hấp dẫn hơn vì gắn với thực tiễn cuộc sống.

Tuy nhiên, cô Huê lo lắng cho rằng, yêu cầu của đề thi đặt ra khá sâu và rộng trong khi các nội dung giảng dạy của môn học này trong sách giáo khoa hiện nay khá sơ lược, đặc biệt là các phần nội dung liên quan đến các Bộ luật. Hơn nữa, thời gian dạy môn học này trong nhà trường hiện rất ít, mỗi tuần chỉ có một tiết nên sẽ rất khó khăn để học sinh có thể đáp ứng được cả yêu cầu của đề thi.

Yêu cầu kiến thức trong đề thi Giáo dục công dân vừa rộng, vừa sâu nhưng thời lượng học môn này lại quá ít khiến cả giáo viên và học sinh đều lo lắng.

Còn theo một số giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại Hà Nội, kiến thức của môn học này ở lớp 12 phần lớn là luật, rất trừu tượng, nặng về lý thuyết, học sinh sẽ học và thi vất vả. Trong đề thi minh họa, có những câu ngoài yêu cầu nắm chắc kiến thức, buộc học sinh phải hiểu rõ luật và biết cách áp dụng mới làm đúng bài.

Mà các lĩnh vực pháp luật trong đề thi thì lại rất rộng từ luật dân sự, hình sự, luật giao thông, lao động, bình đẳng giới, hôn nhân gia đình cho đến luật sở hữu trí tuệ... nên sẽ rất nặng nề.

Trong khi đó, lâu nay giáo viên đều nghĩ môn học này không thi nên thường cho học sinh học nhẹ nhàng, không bắt các em làm bài tập về nhà để ưu tiên thời gian cho các môn liên quan đến thi cử. Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của đề thi, giáo viên và học sinh không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải dạy và học hết công suất. Nhà trường cũng phải tạo điều kiện tối đa để tăng thời lượng dạy môn học này trên lớp.

Liên quan đến đề thi môn Địa lý, năm đầu tiên được thi theo hình thức trắc nghiệm, cô giáo Phan Thu Hiền, Trường THPT Đào Duy Từ (Hà Nội) cho biết: Đề thi minh họa môn Địa lí có 30 câu lí thuyết (75%) và 10 câu thực hành (25%).

Theo đó, câu hỏi lí thuyết nhằm vào kiến thức chương trình môn Địa lí 12, phù hợp với khối lượng kiến thức của mỗi phần trong chương trình. Cơ cấu và số lượng câu hỏi của đề minh họa, phù hợp với thời gian làm bài 50 phút.

Cũng theo phân tích của cô Hiền, nhìn chung, đề thi đã bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, vừa sức học sinh, phù hợp với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá trong nhà trường THPT hiện nay.

Trong đó, thấy rõ nhất ở đề minh họa đã đề cập đến những kiến thức phổ thông, cơ bản, cần thiết về đặc điểm tự nhiên, dân cư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam mà học sinh được học trong chương trình lớp 12; những vấn đề đặt ra đối với cả nước nói chung và các vùng.

Ngoài ra, đề minh họa sử dụng số liệu thống kê được cập nhật mới nhất, học sinh cũng được sử dụng Atlat trong quá trình thi. “Nếu so với đề thi Địa lý năm 2016, đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn, học sinh dễ kiếm điểm hơn nên tôi nghĩ rằng, xu hướng học sinh chọn môn Địa lý trong tổ hợp các môn Khoa học xã hội sẽ khá phổ biến” - cô Hiền cho biết.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/giao-vien-lo-xoay-khong-kip-khi-giao-duc-cong-dan-duoc-dua-vao-mon-thi-chinh-411869/