Giáo viên lo lắng chờ chuyển công tác

Hiện nay, những trường THPT trong diện phải giải thể theo Đề án 'Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025' cơ bản đã hoàn tất công tác chuẩn bị chuyển giao cho các đơn vị có liên quan. Tuy nhiên, vẫn còn hàng chục giáo viên đang thấp thỏm, lo lắng không biết đi đâu về đâu.

Trường THPT Lê Văn Linh, thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân).

Sắp xếp để nâng cao chất lượng giáo dục

Toàn tỉnh hiện có 101 trường THPT công lập, trong đó có 95 trường THPT, 6 trường THCS&THPT. Những năm gần đây, số lượng học sinh (HS) THPT có xu hướng giảm mạnh, nguyên nhân chủ yếu là do quy mô dân số giảm và thực hiện phân luồng sau THCS dẫn đến tình trạng trường THPT có những bất cập, hạn chế. Cụ thể: Một số trường THPT có quy mô nhỏ (trường hạng 3); nhiều trường có nguồn gốc bán công được chuyển sang công lập có vị trí không phù hợp vì quá gần với một số trường THPT khác trên địa bàn nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh do chồng chéo vùng tuyển; một số trường còn nhiều phòng học bán kiên cố, thiếu phòng học bộ môn, thậm chí có trường không có cơ sở vật chất phải học nhờ...

Từ những hạn chế trên dẫn đến quy mô số trường học không đủ lớn để bố trí cán bộ, giáo viên dẫn đến tình trạng thừa thiếu cục bộ, chất lượng giáo dục thấp, công tác tuyển sinh khó khăn gây lãng phí cơ sở vật chất... Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với cấp học THPT; tạo điều kiện và khuyến khích xã hội hóa giáo dục, phát triển trường tư thục chất lượng cao đáp ứng yêu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; đồng thời thực hiện hiệu quả chủ trương tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức... HĐND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”. Theo đề án, năm học 2018-2019, sẽ có 5 trường THPT công lập đầu tiên trên địa bàn tỉnh tiến hành giải thể, gồm các trường THPT: Trần Khát Chân (Vĩnh Lộc), Triệu Sơn 6 (Triệu Sơn), Lê Văn Linh (Thọ Xuân), Đinh Chương Dương (Hậu Lộc) và Tĩnh Gia 5 (Tĩnh Gia). Đến thời điểm hiện nay, khi năm học mới đã cận kề, công tác chuẩn bị cho việc sáp nhập, giải thể các trường trên cũng đã sẵn sàng.

Thầy giáo Phạm Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Chương Dương, huyện Hậu Lộc, cho biết: Hiện nay nhà trường đã sắp xếp hồ sơ, kiểm kê tài sản để phân bổ về các nhà trường có tiếp nhận HS. Năm học 2018-2019, nhà trường còn hơn 500 HS thuộc 2 khối lớp 11 và lớp 12. Để tạo điều kiện tốt nhất cho HS, nhà trường sẽ chuyển các em về các trường THPT trên địa bàn huyện căn cứ theo vị trí địa lý. Theo đó, chuyển 3 lớp về Trường THPT Hậu Lộc 4; 5 lớp về Trường THPT Hậu Lộc 1; 2 lớp về Trường THPT Hậu Lộc 2. Riêng cán bộ, giáo viên nhà trường, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế đã giao cho các trường THPT trên địa bàn huyện, Sở GD&ĐT giao cho nhà trường thành lập hội đồng xét duyệt, giới thiệu giáo viên, nhân viên về công tác tại đơn vị mới. Sau khi sắp xếp đủ chỉ tiêu ở các trường THPT trên địa bàn huyện, nhà trường vẫn còn 9 giáo viên (do các trường trên địa bàn huyện không còn chỉ tiêu) phải chuyển công tác đến các trường ngoài huyện, hiện chưa biết sẽ về trường nào.

Tương tự, Trường THPT Lê Văn Linh cũng thuộc diện giải thể đợt này. Hiện nay, nhà trường có khoảng 480 HS lớp 11, 12. Số HS này sẽ được chia về các trường THPT trên địa bàn huyện, gồm: THPT Thọ Xuân 5, THPT Lê Hoàn, THPT Lê Lợi. Thầy giáo Đỗ Văn Thọ, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trên địa bàn thị trấn Thọ Xuân có 2 trường THPT là Lê Văn Linh và Lê Lợi. Hàng năm, Trường THPT Lê Văn Linh tuyển sinh đầu vào lớp 10 hơn 200 HS, đáp ứng nhu cầu học tập của HS trên địa bàn thị trấn và vùng ven thị trấn. So với một số trường THPT trên địa bàn, Trường THPT Lê Văn Linh có cơ sở vật chất tốt hơn, số HS theo học đông hơn. Tuy nhiên, theo Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, Trường THPT Lê Văn Linh thuộc diện phải giải thể. Nguyên nhân, do trường có khoảng cách đến Trường THPT Lê Lợi chỉ 0,4 km; quy mô trường nhỏ hơn Trường THPT Lê Lợi. Để chuẩn bị cho công tác giải thể, nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị sáp nhập HS, giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất... theo đúng hướng dẫn của Sở GD&ĐT. Theo khảo sát, các trường THPT trên địa bàn huyện Thọ Xuân đều đảm bảo cơ sở vật chất để tiếp nhận số HS từ Trường THPT Lê Văn Linh. Riêng Trường THPT Lê Hoàn, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo nên số HS chuyển từ Trường THPT Lê Văn Linh sẽ vẫn học tạm tại trường cũ.

Bảo đảm quyền lợi giáo viên

Theo đề án, việc sắp xếp các trường THPT công lập dựa theo nguyên tắc mỗi huyện có ít nhất 1 trường THPT; giải thể các trường THPT có quy mô nhỏ, chất lượng giáo dục thấp hoặc có vị trí không phù hợp để sáp nhập hoặc bố trí, sắp xếp vào các trường THPT khác trên cùng địa bàn; trường có quy mô số lớp từ hạng 3 trở xuống (miền núi dưới 10 lớp, miền xuôi dưới 18 lớp); khoảng cách đến trường THPT khác từ 5 km trở xuống... Sau khi giải thể, toàn bộ trang thiết bị đồ dùng dạy học được chuyển vào trường sáp nhập, ghép. Cơ sở vật chất khác của các trường giải thể sẽ do UBND huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận và đồng thời xây dựng phương án sử dụng, đảm bảo phát huy hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư và thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc giải quyết cơ sở vật chất cũng như sắp xếp HS của các trường giải thể tương đối thuận lợi. Khó khăn nhất vẫn là giải quyết nguyện vọng công tác của cán bộ, giáo viên các nhà trường.

Thầy giáo Đỗ Văn Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Linh chia sẻ: Từ khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, trong đó, giải thể Trường THPT Lê Văn Linh, tâm lý của cán bộ, giáo viên nhà trường không ổn định do lo lắng cho công việc sắp tới. Trường THPT Lê Văn Linh có 48 cán bộ, giáo viên, đa phần là giáo viên nữ, có con ở lứa tuổi học mầm non, tiểu học, gia đình đều đã ổn định chỗ ở tại thị trấn Thọ Xuân. Vì vậy, việc giải thể trường đồng nghĩa với việc giáo viên phải chuyển công tác tới trường mới, phần lớn giáo viên sẽ phải đi dạy xa nhà. Theo dự kiến, sẽ có 8-9 giáo viên chuyển về Trường THPT Lê Lợi; 10 giáo viên về Trường THPT Lê Hoàn, cách thị trấn 10 km; 13 người về THPT Thọ Xuân 4, cách thị trấn 7 km; 3 giáo viên về THPT Lam Kinh, cách 16 km; hơn 10 người về THPT Thọ Xuân 5, cách 20 km; còn 6 người không thể sắp xếp về các trường THPT trong huyện nên buộc phải bố trí công tác ra ngoài huyện, gồm có 1 giáo viên dạy môn Hóa học, 4 giáo viên dạy môn Toán. Hoàn cảnh của các giáo viên này cũng hết sức khó khăn.

Là một trong những giáo viên thuộc diện phải chuyển đi trường THPT ngoài huyện Thọ Xuân, cô giáo Hát Thị Phương, giáo viên dạy môn Hóa học, Trường THPT Lê Văn Linh, tâm sự: Khi biết trường thuộc diện giải thể, chúng tôi rất buồn và lo lắng. Được sự động viên của nhà trường, cấp trên, đặc biệt là có văn bản nêu rõ việc thời gian điều động đến công tác ở đơn vị ngoài huyện, sau 24 tháng sẽ được bố trí trở về các trường THPT trên địa bàn huyện cũ, chúng tôi cũng yên tâm hơn và chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chuyển công tác. Gia đình tôi có 2 con nhỏ, 1 cháu năm nay vào lớp 1, 1 cháu gần 12 tháng tuổi; chồng tôi lại công tác ở huyện Quan Sơn. Nếu phải chuyển công tác đến một trường THPT khác cách xa nhà, tôi phải đưa cả 2 con nhỏ đi theo. Sắp đến ngày tựu trường, đến nay (ngày 11-8) tôi vẫn chưa nhận được quyết định chuyển về trường nào, vì vậy cũng chưa biết nộp hồ sơ xin học cho con ở đâu. Bên cạnh đó, tôi cần có thời gian sắp xếp chỗ ăn, ở, trường học cho con... trước khi bắt đầu năm học mới. Tôi mong cấp trên sớm có quyết định để chúng tôi ổn định tư tưởng, yên tâm công tác.

Cũng theo thầy giáo Đỗ Văn Thọ, cán bộ, giáo viên nhà trường thống nhất thực hiện theo đúng Nghị quyết của HĐND tỉnh. Ngành giáo dục cũng có thông báo bằng văn bản về việc đối với các giáo viên điều động đi ngoài huyện, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao tại đơn vị mới, hết thời gian điều động (24 tháng) sẽ được trở lại một trong các đơn vị trên địa bàn huyện của đơn vị cũ. Tuy nhiên, giáo viên cũng vô cùng lo lắng không biết sau 24 tháng điều động có được trở về không, sẽ về trường nào. Vì vậy, chúng tôi rất mong ngành chức năng quan tâm, tạo điều kiện để sau khi hết thời gian điều động, những giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ sẽ được trở lại địa phương công tác, ổn định cuộc sống gia đình.

Là trường có số giáo viên phải bố trí công tác đi ngoài huyện nhiều nhất, Trường THPT Đinh Chương Dương sau khi họp xét theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và sắp xếp các trường THPT trong huyện, còn 9/43 giáo viên phải chuyển công tác đến huyện khác. Thầy giáo Phạm Thế Dũng, cho biết: Nhà trường cũng đã gửi danh sách xét giáo viên đến đơn vị mới công tác về Sở GD&ĐT, tuy nhiên, do chưa có quyết định giải thể trường nên giáo viên cũng chưa nhận được quyết định về trường mới. Để ổn định tâm lý cho giáo viên, nhà trường cũng luôn động viên các thầy, cô cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cũng theo Sở GD&ĐT, việc họp xét giáo viên cần căn cứ vào tiêu chí quy định tại Công văn số 1313/SGDĐT–TCCB, về hướng dẫn tiêu chí xét ưu tiên cho cán bộ, giáo viên thuộc diện dôi dư và sáp nhập, giải thể; căn cứ điều kiện, hoàn cảnh thực tế của cán bộ, giáo viên và phát huy tinh thần chia sẻ, tạo điều kiện giúp đỡ lẫn nhau trên cơ sở bàn bạc tập thể, khách quan, dân chủ, hài hòa. Tuyệt đối nghiêm cấm việc tạo dựng hồ sơ giả, khai báo hồ sơ không trung thực gây mất đoàn kết. Nếu phát hiện cán bộ, giáo viên sử dụng hồ sơ giả hoặc khai báo không trung thực, sẽ xử lý, kỷ luật theo quy định.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Thành, Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT, cho biết thêm: Sau khi bố trí, sắp xếp giáo viên tại 5 trường giải thể, còn 21 giáo viên phải bố trí công tác ở các trường THPT ngoài huyện. Hiện nay, số giáo viên này vẫn chưa có quyết định chuyển công tác đến trường mới do đang chờ quyết định giải thể trường của Chủ tịch UBND tỉnh. Sau khi có quyết định của UBND tỉnh, Giám đốc Sở GD&ĐT sẽ ký quyết định cho các cán bộ, giáo viên thuộc 5 trường giải thể chuyển đến nhận công tác ở đơn vị mới.

Được biết, theo Đề án “Sắp xếp các trường THPT công lập hiện có trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”, năm học 2019-2020, sẽ tiếp tục giải thể 7 trường THPT công lập. Dự kiến đến 2025, toàn tỉnh sẽ còn 88 trường THPT công lập, giảm 13 trường so với năm học 2017-2018.

Hoàng Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/portal/pages/nah9g1/new-article.aspx