Giáo viên lại vào mùa hồ sơ, sổ sách ngập đầu

GDVN- Việc quy định nhiều loại giấy tờ nhận xét đánh giá không chỉ làm tốn kém giấy bút mà còn làm mất thời gian vô ích, buộc giáo viên nảy sinh tính đối phó...

Cuối năm học, giáo viên nào cũng bù đầu vào việc ôn tập, thi kiểm tra cuối kỳ, chấm điểm, cộng điểm, nhận xét, xếp loại, vào học bạ, sổ liên lạc…cho học sinh.

Những chồng bài kiểm tra cứ chất chồng (Ảnh tác giả)

Những chồng bài kiểm tra cứ chất chồng (Ảnh tác giả)

Những chồng bài kiểm tra cứ ngày một chất cao, có thầy cô giáo thức khuya, dậy sớm hàng đêm chấm và làm điểm vẫn không thể xong.

Hồ sơ cho học sinh còn ngổn ngang, giáo viên lại phải nhận không ít biểu mẫu để đánh giá xếp loại mình, đồng nghiệp, ban giám hiệu nhà trường.

Giáo viên nhận hàng xấp phiếu nhận xét đánh giá (Ảnh tác giả)

Nào là phiếu đánh giá phân loại viên chức; phiếu đánh giá phó hiệu trưởng, hiệu trưởng; phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn;

Bảng đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ; bản kiểm điểm giáo viên cuối năm, báo cáo thành tích; hồ sơ bình chọn giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm bình xét chiến sĩ thi đua…

Một số mục trong các phiếu đánh giá có nội dung trùng lặp

Quy trình đánh giá là giáo viên tự đánh giá mình rồi đến tổ chuyên môn, đánh giá của hiệu trưởng và cuối cùng là thông qua liên tịch nhà trường.

Phiếu đánh giá cá nhân thường có những mục thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp, thực hiện chính sách pháp luật của nhà nước, phẩm chất, năng lực chuyên môn, kết quả thực hiện công việc…

Giáo viên tự đánh giá mình đương nhiên đều ghi thực hiện tốt, tổ chuyên môn đánh giá lại cũng gần như đồng ý với những nhận xét của cá nhân.

Thay đổi kết quả đánh giá là trong phần đánh giá của hiệu trưởng và cuộc họp liên tịch nhà trường.

Những giấy tờ yêu cầu giáo viên đánh giá có nhiều mục cũng gần như giống nhau và năm nào cũng thế. Vậy nên, nhiều thầy cô giáo sao chép lẫn nhau hoặc sao chép từ phiếu đánh giá này, qua phiếu đánh giá khác một cách đối phó.

Giáo viên “tẩu hỏa nhập ma” với hàng loạt giấy tờ đánh giá cuối năm

Đánh giá không cần ghi nhiều giấy tờ thế được không?

Vào cuộc họp, những phiếu đánh giá trở nên thừa vì chẳng ai muốn đọc lại những dòng nhận xét ấy vì đôi khi câu chữ, ý tứ của người này cũng viết giống người kia. Ai cũng chỉ quan tâm đến kết quả xếp loại cuối cùng.

Vì thế, nếu bỏ phiếu đánh giá sẽ thế nào?

Khi không có phiếu đánh giá, giáo viên họp tổ, khi xếp loại đến giáo viên nào, giáo viên ấy sẽ nêu nhận xét về bản thân mình bằng lời, các thành viên trong tổ sẽ góp ý, bổ sung và thống nhất xếp loại.

Kết quả xếp loại sẽ được nêu trong biên bản của tổ cùng với một số nhận xét đáng lưu ý khác.

Biên bản sẽ được nộp lên nhà trường, hiệu trưởng sẽ căn cứ vào biên bản họp tổ cùng với sự theo dõi của mình trong suốt một năm học để đánh giá nhận xét từng giáo viên.

Kết quả đánh giá của hiệu trưởng sẽ được thông qua cuộc họp liên tịch và thống nhất việc xếp loại cuối cùng của giáo viên ấy.

Vì vậy, việc bỏ phiếu đánh giá theo chúng tôi cũng chẳng ảnh hưởng gì đến việc xếp loại giáo viên hàng năm. Vậy mà không hiểu sao năm nào cũng vậy, cứ cuối năm học giáo viên lại “tẩu hỏa nhập ma” với hàng tá giấy tờ, hồ sơ sổ sách.

Việc quy định nhiều loại giấy tờ nhận xét đánh giá như thế không chỉ làm tốn kém giấy bút mà còn làm mất thời gian vô ích, buộc giáo viên nảy sinh tính đối phó không cần thiết.

Đỗ Quyên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-lai-vao-mua-ho-so-so-sach-ngap-dau-post210595.gd