Giáo viên hợp đồng Buôn Mê Thuột kêu cứu, cơ quan chức năng nói gì?

GDVN- Nhiều giáo viên tiểu học đã gửi tâm thư và đơn trình bày nguyện vọng đến cơ quan chức năng mong được xét tuyển đặc cách trong đợt này.

Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) ban hành phương án tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước, nhiều giáo viên đã mong ngóng được chính thức bước vào “đội ngũ nhà giáo”.

Tuy nhiên, trong kế hoạch của tỉnh Đắk Lắk cũng như phương án của Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột thì có quy định điều kiện về chuyên môn dự tuyển của bậc tiểu học như sau:

“Giáo viên tiểu học hạng IV, có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên”.

Theo phản ánh của các thầy cô thì chính quy định này đã khiến nhiều giáo viên bị “rớt”.

“Chúng tôi đều là những giáo viên có trình độ Đại học/cao đẳng phù hợp với chuyên môn và có nhiều năm giảng dạy, cống hiến cho ngành giáo dục.

Giờ quy định lại bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm tiểu học hoặc trung cấp sư phạm trở lên thì mới xét đặc cách.

Trong khi chúng tôi cũng đã có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, so về trình độ thì cao hơn so với quy định của Thông tư 21”, một giáo viên cho hay.

Xét tuyển đặc cách theo Thông tư 21

Theo văn bản trả lời giáo viên của Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột thì điều kiện chuyên môn dự tuyển nêu trên được xây dựng căn cứ theo quy định của Thông tư liên tịch số 21 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ năm 2015.

Sở Nội vụ Đắk Lắk đang rà soát lại tất cả trường hợp giáo viên đã có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước có vướng mắc về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách lần này. (Ảnh minh họa: AN)

Sở Nội vụ Đắk Lắk đang rà soát lại tất cả trường hợp giáo viên đã có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước có vướng mắc về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách lần này. (Ảnh minh họa: AN)

Kế hoạch và phương án xét tuyển đặc cách giáo viên được ban hành trước ngày 1/7/2020, khi thông tư liên tịch số 21 vẫn còn hiệu lực thi hành.

Do đó, việc các giáo viên hợp đồng dẫn chứng quy định của Luật giáo dục 2019 có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020 là chưa phù hợp với thời điểm các văn bản của tỉnh và thành phố ban hành.

“Nhằm tạo điều kiện cho giáo viên đã có hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước thì trong quá trình xây dựng phương án xét tuyển, thành phố đã tổng hợp danh sách những giáo viên bộ môn bậc tiểu học có vướng quy định về trình độ chuyên môn.

Chùm ảnh: Giáo viên hợp đồng ở Hà Nội đội nắng đi tìm tương lai

Trên cơ sở đó đề xuất cơ quan chuyên môn cấp trên cho ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo cũng như có cơ chế, chính sách phù hợp với những trường hợp này.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo phòng Nội vụ phối hợp với Phòng giáo dục tổ chức buổi làm việc nhằm thông báo, trao đổi và ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của giáo viên.

Qua đó, lãnh đạo hai đơn vị đã đưa ra thông báo việc đăng ký chỉ tiêu xét tuyển đối với tất cả giáo viên đã có hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước (bao gồm cả những giáo viên bộ môn bậc tiểu học có vướng mắc về trình độ chuyên môn) trong khi chờ ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn cấp trên.

Nếu như không có cơ chế, chính sách linh động thì giáo viên có vướng mắc về trình độ chuyên môn cân nhắc việc nộp hồ sơ xét tuyển.

Nếu như được xem xét tạo điều kiện thì giáo viên sẽ đủ điều kiện tham dự vòng 2 theo phương án”, ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột cho hay.

“Không để giáo viên nào bị sót lại”

Cũng theo ông Hưng, với quan điểm “không để một giáo viên nào bị sót lại” vì vướng mắc quy định điều kiện về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách.

Tại buổi làm việc với các giáo viên hợp đồng mới đây, đại diện cho Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã động viên các giáo viên yên tâm công tác và sẽ không bị chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp không đủ điều kiện tham dự vòng 2 của kỳ xét tuyển.

Giáo viên hợp đồng cũng có “con đẻ” và “con nuôi”

“Hiện Ủy ban nhân dân thành phố tổng hợp danh sách 46 trường hợp giáo viên đã có hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 31/12/2015 trở về trước có vướng mắc về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách để Sở Nội vụ có cơ sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên hợp đồng có vướng mắc về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách, ngày 17/8, Sở Nội vụ đã đề nghị các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện việc hợp đồng lao động giáo viên cho đến khi có ý kiến hướng dẫn của Bộ Nội vụ”, đại diện Ủy ban thành phố cho hay.

Trong công văn mới đây gửi một số giáo viên hợp đồng, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Mê Thuột, ghi nhận tâm huyết, thành tích mà đội ngũ các thầy cô giáo hợp đồng từ năm 2015 trở về trước đã đóng góp cho ngành giáo dục địa phương trong suốt một thời gian dài.

Địa phương cũng chia sẻ những khó khăn của các giáo viên có vướng mắc điều kiện về trình độ chuyên môn trong kỳ xét tuyển đặc cách, đồng thời đề nghị các thầy cô yên tâm công tác, khi có chủ trương, ý kiến hướng dẫn của Sở Nội vụ, tỉnh và Bộ Nội vụ thì sẽ thông báo cụ thể.

(Còn nữa)

MINH THẢO - AN NGUYÊN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giao-vien-hop-dong-buon-me-thuot-keu-cuu-co-quan-chuc-nang-noi-gi-post212238.gd