Giáo viên hay người mẫu?

Một điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh- liên quan tới chiều cao của người dự tuyển đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều quan điểm cho rằng sư phạm là môi trường trồng người, và giáo viên không phải là người mẫu, vì thế cần sớm xem xét điều chỉnh lại quy định này.

Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh vừa mới công bố chỉ tiêu, tổ hợp xét tuyển dự kiến từng ngành trong năm 2019. Theo đó, trường có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên. Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên. Điều kiện này ngay khi công bố đã gây nhiều tranh luận trong dư luận xã hội.

Lý giải về vấn đề này, đại diện Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho hay, quy định về chiều cao như một trong những điều kiện thuộc về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ năm 2008. Thông tin này được nhà trường tiếp tục sử dụng trong năm nay để phục vụ cho việc tuyển sinh một thế hệ giáo viên mới, đủ sức khỏe, đủ khả năng thích nghi và có sức bền nghề nghiệp nhằm đón đầu những đòi hỏi của xã hội, những mong mỏi của phụ huynh về lớp nhà giáo hiện đại, có sức khỏe và có quyết tâm trong nghề nghiệp. Quy định của trường được căn cứ trên nhiều cơ sở khác nhau. Việc tham gia thể thao hay quy định có ít nhất 95% trường tiểu học đảm bảo có kỹ năng giáo dục thể chất, tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa cho thấy yêu cầu sức khỏe là cần thiết…

Trước phản ứng gay gắt từ dư luận, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) chia sẻ: Quy chế tuyển sinh cho phép các trường ĐH được yêu cầu sơ tuyển. Thí sinh phải đạt yêu cầu sơ tuyển của trường. Bộ GDĐT cũng khuyến khích trường quy định các yêu cầu, điều kiện riêng để hướng tới việc lựa chọn thí sinh giỏi, tâm huyết với nghề, có khả năng sư phạm..., nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Các quy định khác do trường xác định và chịu trách nhiệm giải trình để xây dựng chính sách chất lượng, khả năng có việc làm của sinh viên…Tuy nhiên, quy định đó phải đảm bảo quyền bình đẳng về cơ hội cho các thí sinh, không được thể hiện sự phân biệt đối xử và nên giải trình rõ để tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Còn với những người đã và đang đứng trên bục giảng, khi biết thông tin về điều kiện tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh thì đều bày tỏ sự không đồng tình. Nhiều phân tích có chung quan điểm: Việc loại bỏ học sinh vào ngành sư phạm dựa trên thể hình, ngoại hình chứ không phải trí tuệ là phản giáo dục. Người đi dạy quan trọng nhất là tri thức, kỹ năng giảng dạy; còn hình thức chỉ là thứ yếu. Trường sư phạm cần tuyển những người có lòng yêu nghề, có tri thức, có tâm hồn.

Thực tế cũng đã cho thấy, hiện thể trạng và tầm vóc của người Việt Nam vẫn còn thấp so với chuẩn thế giới và trong khu vực. Mới đây nhất, tại Hội thảo Quốc tế về Dinh dưỡng người Việt, những thông tin đưa ra cho thấy, chiều cao trung bình của người Việt thấp hơn so với chuẩn thế giới hơn 10 cm. Cụ thể, nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 164,4cm và của nữ thanh niên là 153,4 cm, thấp hơn so với chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới lần lượt là 13,1cm và 10,7 cm.

Và thực tế cũng đã minh chứng nhiều người tuy không cao lớn, nhưng thực sự có năng khiếu sư phạm và rất yêu nghề, yêu trẻ. Có lẽ đây mới là những yêu cầu quan trọng đối với ngành sư phạm, chứ không phải xét xem hình thức của họ cao bao nhiêu, có xinh hay không. Nếu một nền giáo dục thật sự bình đẳng và công bằng thì phải tạo mọi cơ hội cho tất cả những ai có đam mê và khả năng sự phạm có thể theo đuổi ước mơ của mình. Nếu nhất nhất áp dụng quy định nói trên trong tuyển sinh sư phạm, thì đó chẳng khác nào một sự kỳ thị và định kiến, quá coi trọng hình thức trong tuyển dụng giáo viên. Ấy là chưa kể việc tuyển sinh ngành sư phạm nhiều năm qua không đơn giản. Năm 2018 dù ngành GDĐT đổi mới tuyển sinh sư phạm để thực tìm người tài, song nhiều trường vẫn trầy trật tuyển sinh, nói gì đến việc áp dụng quy định về chiều cao thì e việc tuyển sinh lại càng khó.

Đổi mới đào tạo sư phạm, theo các chuyên gia cần nhìn nhận ở nhiều góc độ, và cần sớm được điều chỉnh. Đó là tinh tuyển chất lượng đầu vào, sắp xếp ổn thỏa đầu ra cho phù hợp với yêu cầu thực tế từng địa phương; câu chuyện lương nhà giáo; chấn chỉnh đạo đức người làm nghề…để môi trường sư phạm thực sự là nơi “trồng người” theo đúng nghĩa. Còn với giáo viên, ngoại hình cũng quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bởi cho dù giáo viên cao hay xinh – đạt chuẩn về hình thức, nhưng đạo đức, năng lực không đạt chuẩn; hoặc thiếu cái tâm của người làm nghề, thì hình thức cũng là điều vô nghĩa.

Minh Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/giao-duc/giao-vien-hay-nguoi-mau-tintuc429727