Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư

Nếu trước đây khái niệm 'chảy máu chất xám' được dùng để chỉ việc du học sinh không trở về nước thì nay đang khá phổ biến với hiện tượng lao động giỏi có xu hướng bỏ trường công sang trường tư ngay trong nước.

Nhiều giáo viên trẻ chọn trường tư để giảng dạy - Ảnh: Trọng Hoàng

Khi “hạt giống vàng” cũng nhảy việc

Từ địa phương khác chuyển đến làm giáo viên (GV) trường công lập tại Q.1, TP.HCM là mơ ước không nhỏ đối với nhiều GV. Thế nên phải mất gần một năm suy nghĩ, cân nhắc và đắn đo, thầy giáo H.L.T, GV ngữ văn cấp THCS mới quyết định “nhảy việc” từ trường công lập sang trường tư thục. Sau khi thực hiện các thủ tục theo quy định với nhà trường, thầy T. chuyển đi trong im lặng mà không dám chia tay với học trò. Ngày khai giảng, đến trường mới biết thầy mình không còn dạy, không ít học sinh của trường THCS tại Q.1 ấy đã nhắn tin “hờn trách”.

Sở dĩ học trò luyến tiếc bởi thầy T. là một GV trẻ, cá tính và dám đổi mới, dám dấn thân, không ngừng sáng tạo. Chính thầy là người cùng với học sinh đứng ra thực hiện những dự án học văn một cách nhân văn, “thoát” ra khỏi sách vở, học bằng những trải nghiệm thực tế như: Chuyện đời quanh em, Tiếng gọi từ biển. Cũng từ những dự án có tiếng vang này, GV của TP.HCM cùng một số tỉnh, thành khác đã áp dụng mô hình học tập của thầy H.L.T để giúp học trò học tập tích cực. Không chỉ được ví là người “truyền lửa” cho nhiều đồng nghiệp mà trường nơi thầy T. công tác xem thầy là “hạt giống vàng”.

Trước khi theo học thạc sĩ chuyên ngành hóa học ở Úc, cô V.V.V giảng dạy tại một trường THPT có tiếng của Q.10. Ngay khi tốt nghiệp trở về nước, với suy nghĩ dạy trường công để ổn định công việc, có điều kiện chăm lo cho gia đình, 2 năm trước cô V. nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng vào một trường THPT chuyên tại TP.HCM. Cô V. trúng tuyển với số điểm khá cao và được hội đồng tuyển dụng đánh giá tốt sau khi thực hiện những bài phỏng vấn, tiết dạy thử nghiệm. Thời điểm đó, không ít thành viên hội đồng tuyển dụng dự đoán GV mới của trường chuyên nổi tiếng cả nước sẽ tiến nhanh trong sự nghiệp của mình. Thế nhưng, cuối cùng cô V. “nói lời chia tay” ngay trước thềm năm học mới vì có những dự định cho tương lai. Lý do, theo cô V., “dù trường công ổn định nhưng lại không đảm bảo những điều kiện khác”.

“Chảy máu ngày càng nặng”

Phát biểu tại buổi làm việc của cán bộ chủ chốt ĐH Quốc gia TP.HCM với đoàn công tác Ban Kinh tế T.Ư ngày 10.10 vừa qua, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH này, cho biết có hiện tượng rất đáng quan ngại là “chảy máu” chất xám ngày càng nặng từ trường công sang tư. Ông Đạt cho biết, ĐH Quốc gia TP.HCM cũng rơi vào tình trạng này. Đáng nói, hiện tượng này không chỉ xảy ra với người đã nghỉ hưu mà ngay trong lực lượng lao động trẻ.

“Tôi nghĩ một phần là do thiếu nguồn lực ở trường tư và nếu nguồn lực này không tốt hơn, tình trạng “chảy máu chất xám” sẽ trầm trọng hơn. Sẽ rất tiếc nếu trường công không giữ được lực lượng này”, ông Đạt chia sẻ.

Tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trong khoảng 8 năm ông làm quản lý, có khoảng vài chục cán bộ giảng viên của trường chuyển sang các trường tư. Trong đó không ít người trước khi đi đang là giảng viên và khi chuyển sang trường tư đều được giữ chức vụ trưởng bộ môn, trưởng khoa và nhiều người trong ban giám hiệu.

Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM cho biết trong một nhiệm kỳ 5 năm có 5 người xin nghỉ để chuyển sang làm tại các trường khác. Chưa kể số người xin học bổng du học rồi tìm cách ở lại nước ngoài. Đây chủ yếu là cán bộ giảng viên các ngành khoa học tự nhiên, những người có trình độ cao và năng lực thực sự.

Chiến dịch “săn người” của trường tư

Hiện nay, những trường tư, đặc biệt những trường có điều kiện về tài chính, đã tạo nhiều chính sách để thu hút và “săn” GV, quản lý các trường có uy tín về chuyên môn và trình độ.

Năm học trước, những người trong ngành giáo dục tại TP.HCM không khỏi bất ngờ và “sốc” trước việc 3 hiệu phó và 4 GV của những trường tiểu học, THCS có tiếng tại TP chuyển sang làm ở các trường tư. Trong số đó có người đã đoạt giải nhất GV sáng tạo, được vinh danh tại Diễn đàn Giáo dục toàn cầu tổ chức tại Mỹ và là người truyền cảm hứng cho GV trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, hướng học sinh đến với kỹ năng toàn cầu. Còn trong năm học này, một hiệu trưởng THCS năng động, có nhiều ý tưởng đổi mới, sáng tạo của quận nội thành đã được một số trường tư mời về làm việc. Tuy nhiên ý định này chưa kịp thực hiện vì những người phụ trách công tác tổ chức cán bộ của địa phương đó đã có những buổi trao đổi, làm công tác tư tưởng để “giữ chân” GV.

Còn hiệu trưởng của một trường THCS có GV “nhảy việc” nói: “Thầy cô ra trường đã hơn 10 năm, dạy cả 2 buổi, tăng tiết suốt tuần mà tổng thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi các trường tư có chế độ đãi ngộ với thu nhập gấp 4 lần và điều kiện cơ sở vật chất khác hoàn toàn nên khó mà níu giữ, vì rõ ràng mình không thể đáp ứng những điều kiện như vậy”.

Ý Kiến

Trường công lập không thể nuôi sống, đáp ứng nhu cầu

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dạy trường công hay tư. Việc dạy ở trường công hay tư đều không ảnh hưởng gì đến uy tín, năng lực chuyên môn... Muốn làm tốt nghề thì phải nuôi sống bản thân trước đã. Do vậy, khi trường công lập không thể nuôi sống và đáp ứng nhu cầu bản thân, gia đình, không thể tạo mọi điều kiện có thể để tôi phát triển bản thân... thì tôi quyết định đến với một trường tư thục mang định hướng quốc tế”.

Giáo viên H.L.T (TP.HCM)

Lương quá thấp không đảm bảo cuộc sống

“Tôi chuyển từ trường công sang làm ở một trường quốc tế sau 4 năm vì thu nhập ở trường công không đủ trang trải cuộc sống. Khi có bằng thạc sĩ, thu nhập cũng chỉ 4,1 triệu đồng/tháng, nếu chịu khó coi thi cật lực thì có thể kiếm thêm trên 2 triệu đồng/học kỳ. Lương quá thấp không đảm bảo được cuộc sống”.

Một cựu giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM

(còn tiếp)

Bích Thanh - Hà Ánh

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-gioi-chay-tu-truong-cong-sang-tu-1021185.html