Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư: Không chỉ do thu nhập

Giáo viên giỏi chạy từ trường công sang tư, không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và điều kiện làm việc để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.

Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại một trường ĐH tư thục ở TP.HCM - Ảnh: ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Người giỏi chuyển từ công sang tư, theo nhiều người, là xu hướng tất yếu không chỉ vì thu nhập khu vực tư cao hơn mà còn do cơ chế và những điều kiện làm việc tạo cơ hội để các giáo viên khai thác hết năng lực của mình.

Mượn phòng dạy học cần tới 5 - 6 chữ ký

Thạc sĩ Châu Thế Hữu dạy tại Khoa Quản trị kinh doanh quốc tế của Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chia sẻ về lý do rời một trường ĐH công lập có tiếng để đến một trường tư thục làm việc: “Mỗi nơi đều có những lợi thế và khó khăn riêng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy môi trường ĐH công có khá nhiều điều gò bó và thiếu linh hoạt, nếu cứ liên tục và kéo dài chắc chắn sẽ gây mệt mỏi. Nhất là những người trẻ mong muốn được cống hiến. Dường như trường công lập có một quy trình làm việc khá máy móc và không thể khác được. Đơn giản nhất, khi tôi mượn phòng để dạy học, tôi phải làm tờ trình xin mượn, rồi phải cần 6 - 7 chứ ký, từ trưởng bộ môn, trưởng ban lãnh đạo, ban đại diện thiết bị đến bảo vệ giữ chìa khóa. Sau đó, trình lên ban giám đốc ký. May mắn thuận lợi thì trong buổi chiều là xong, có người mất vài ngày vì người cần ký không có ở trường, hoặc nếu sai một chi tiết phải làm lại và xin chữ ký lại từ đầu. Cũng là mượn phòng, ở trường tư, tôi chỉ cần đến phòng giám thị đăng ký, báo thời gian, không cần làm đơn, không cần xin chữ ký…”.

Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi... Tuy nhiên nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn

Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn

Thạc sĩ Hữu thông tin thêm, vì cơ sở TP.HCM của trường ĐH cũ không có khoa tiếng Anh mà chỉ được gọi là bộ môn nên công việc gì liên quan đến chương trình học, kiểm tra đánh giá sinh viên… bộ môn cũng phải làm tờ trình chuyển ra cơ sở chính ở Hà Nội, sau đó ban giám hiệu chuyển xuống khoa chuyên môn… “Có khi phải mất cả năm mới có kết quả, rất mệt mỏi và mất thời gian. Không thể nào khác được vì đó được xem là quy trình bắt buộc. Tôi nghĩ nếu cơ chế trường công thông thoáng hơn, bớt đi thủ tục hơn, thì những người trẻ có năng lực, nhất là những người đi học ở nước ngoài về, mới cảm thấy có môi trường tốt để làm việc và gắn bó lâu dài”, thạc sĩ Hữu nhìn nhận.

Cơ hội thăng tiến

Trường ĐH Công nghệ TP.HCM thời gian qua thu hút không ít cán bộ, giảng viên từng làm việc cho các trường công lập. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho rằng: “Cán bộ, giảng viên trẻ có những suy nghĩ rất khác so với thế hệ lớn tuổi. Họ có khả năng thay đổi môi trường làm việc và đáp ứng môi trường mới khá nhanh, không gặp khó khăn lớn. Nhiều nghiên cứu sinh từ nước ngoài về thích vào trường tư thục do cơ chế tự chủ. Mặc dù các trường công lập cũng đang dần tự chủ tài chính, nhưng vẫn còn những rào cản khác không thể thông thoáng bằng trường tư thục”.

Theo tiến sĩ Quốc Anh, ở trường tư thục, hiệu trưởng là người chịu trách nhiệm cuối cùng. Nếu những đề xuất của cán bộ, giảng viên hợp lý và vì mục tiêu chung của trường, thì sẽ rất nhanh được thông qua, không cần phải trình lên các cấp cao hơn như trường công lập. Những vấn đề liên quan đến thu chi, miễn sử dụng đồng tiền hiệu quả thì đều được duyệt nhanh chóng.

Vấn đề thăng tiến cũng là một yếu tố thu hút cán bộ, giảng viên trẻ. Thạc sĩ Châu Thế Hữu nhận định: “Tôi nhận thấy trường tư thục không lấy quy trình ra để cất nhắc người giỏi. Miễn là bạn có năng lực, nhiệt tình, hết mình cống hiến cho trường, thì dù bạn rất trẻ, trường tư cũng bổ nhiệm bạn ở vị trí cao, không quan trọng thâm niên hay các điều kiện khác. Trong khi đó, tại các trường công, người giỏi, trẻ tuổi chắc chắn vẫn phải trải qua một quy trình nhất định, mới có thể được thăng tiến”.

Tiến sĩ Võ Nguyên Sơn, tiến sĩ ở nước ngoài từng làm việc tại một trường công lập, nay đã chuyển sang một trường tư thục, nhận định: "Trường công hiện đang thừa hưởng nhiều ưu thế mang tính nền tảng hơn để thu hút người giỏi như thương hiệu, cơ sở vật chất được nhà nước đầu tư, uy tín của đội ngũ giảng viên... Tuy nhiên, nói đến việc tạo một môi trường làm việc tốt thì không hề đơn giản. Nhiều trường tư đang làm tốt hơn trong việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn".

Thu nhập tốt hơn

Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, nhìn nhận: “Trong những năm gần đây, sự thay đổi của xã hội về quan niệm công tư, các chính sách của nhà nước hạn chế phân biệt công tư, và các chính sách ở trường tư không khác, thậm chí còn năng động hơn khối công lập nên tạo điều kiện để nguồn nhân lực giỏi lựa chọn nơi làm việc phát huy năng lực của bản thân. Đối với nhân lực giỏi, có trình độ chuyên môn cao, trường thường trả mức thu nhập đủ để các bạn sống tốt. Ngoài ra, trường tạo điều kiện về công việc để lực lượng này ổn định cuộc sống, yên tâm công tác tại trường”.

Theo tiến sĩ Hải, trường xây dựng cơ chế, chính sách tiền lương tương ứng với nhiệm vụ và năng suất làm việc hằng năm. Mỗi cán bộ của trường sẽ có bảng mô tả công việc riêng, lãnh đạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, kể cả hỗ trợ kinh phí trong những chuyến công tác trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, mỗi cán bộ sẽ được chủ động chọn nhiệm vụ để thực hiện phù hợp với năng lực và sở thích của cá nhân, đánh giá và tạo điều kiện để hoàn thành trong năm tiếp theo.

Nhiều giảng viên đang làm việc tại trường tư thục cho biết, thu nhập là một trong những yếu tố thu hút giảng viên, người tài đến trường tư. Nếu trường công trả mỗi tiết dạy từ 60.000 - 100.000 đồng, trường tự chủ có thể cao hơn chút, thì trường tư là 150.000 - 200.000 tùy học hàm học vị. Ngoài ra, mức thu nhập còn căn cứ vào năng lực. Một người nổi trội vẫn có thể được trả lương cao hơn mức quy định, nhất là những vị trí đang thiếu thì thường các trường tư trả lương rất cao để thu hút.

Ý kiến

Môi trường làm việc tốt hơn

Đãi ngộ ở đây không có nghĩa đơn thuần là trả lương mà còn môi trường làm việc và cơ hội phát triển, thăng tiến. Có những người khi xin nghỉ trình bày thẳng vì được trường tư thục đề nghị làm lãnh đạo với tài chính tốt hơn nên xin đi để khi về hưu có thu nhập cao hơn.

PGS-TS Trần Thiên Phúc
(Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)

Để tiếp tục giữ vị trí quản lý

Có những người đi vì thu nhập nhưng có người vì cơ chế. Theo quy định hiện hành, một người chỉ được giữ chức vụ trưởng khoa tối đa 2 nhiệm kỳ (10 năm) trong một trường. Nếu không được đề bạt chức vụ cao hơn hoặc luân chuyển sang vị trí quản lý khác, người này phải làm giảng viên. Nên có những người tìm cách chuyển sang trường tư thục để được tiếp tục giữ vị trí quản lý trưởng một khoa chuyên môn mình từng phụ trách khi ở trường công.

(Nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TP.HCM)

Sẽ không còn phân biệt công tư

Quan niệm trường công và tư sẽ dần tiến đến gần nhau và rồi sẽ không còn khoảng cách. Nguồn nhân lực vì thế sẽ là một sự cạnh tranh sòng phẳng với các trường. Đối với các giảng viên, việc lựa chọn nơi làm việc có điều kiện tốt, chế độ đãi ngộ cao là hoàn toàn chính đáng và cần được tôn trọng.

(Trưởng phòng tổ chức hành chính một trường ĐH công lập tại TP.HCM)

Cơ hội phát huy sự sáng tạo

Cơ sở vật chất, trang thiết bị của trường tư sẽ thuận lợi cho giáo viên phát huy năng lực, sáng tạo. Đó là chưa kể, có một bộ phận không nhỏ lãnh đạo trường công có lối tư duy cũ kỹ, không chịu và không tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới, chỉ lo làm đúng theo quy định khiến giáo viên mất dần những động lực với nghề.

(Hiệu trưởng một trường THCS công lập tại TP.HCM)

Hà Ánh - Bích Thanh (ghi)

Mỹ Quyên

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/giao-vien-gioi-chay-tu-truong-cong-sang-tu-khong-chi-do-thu-nhap-1021566.html