Giáo viên dự đoán phổ điểm môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân

Các thầy cô cho rằng, tuy bài thi tổ hợp Khoa học xã hội giảm độ khó so với năm trước, nhưng để đạt điểm tuyệt đối là rất khó, phổ điểm chung từ 6 đến 8.

Sáng 10/9, gần 900.000 thí sinh cả nước vừa kết thúc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Đây là lần đầu tiên 2 tổ hợp thi này cùng tổ chức thi trong một buổi, thí sinh chỉ chọn một trong hai tổ hợp.

Dễ dàng đạt 6-7 điểm Địa

Cô Lê Phượng Loan, giáo viên Địa Lý, trường THPT Vinschool, Hà Nội đánh giá, đề thi bám sát kiến thức trọng tâm của lớp 12. Đề không xuất hiện các phần kiến thức, kỹ năng liên quan đến lớp 11. Các kỹ năng chuyên biệt được kiểm tra toàn diện, với hệ thống nhiều câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, đọc và phân tích biểu đồ, bảng số liệu. Cấu trúc đề tương đối trùng khớp với đề minh họa.

Với đề này, việc đạt được điểm 6-7 khá dễ, nhưng để đạt được điểm 9, 10 thì học sinh phải có khả năng tư duy phân tích mối quan hệ nhân - quả và tổng hợp kiến thức tốt.

So với năm ngoái đề thi năm nay không khó hơn, số câu hỏi nhận biết và thônghiểu có tăng, phù hợp với tình hình thực tế học sinh có thời gian học online và ôn tập gián đoạn do ảnh hưởng của Covid-19. Đề có 14 câu hỏi sử dụng Atlat, 2 câu liên quan đến sử dụng bảng số liệu (1 câunhận xét, 1 câu nhận diện biểu đồ), 2 câu biểu đồ (1 câu nhận xét, 1 câu nhận diệnbiểu đồ).

Nhiều câu hỏi lý thuyết khác học sinh vẫn có khả năng sử dụng Atlat và kiến thức thực tiễn để trả lời. Điều đó theo tôi có thể giúp học sinh giảm được việc ghi nhớ đơn thuần mà phải học hiểu, liên hệ thực tế và rèn luyện các kỹ năng chuyên biệt.

Các câu hỏi để phân hóa được năng lực học sinh tập trung từ câu 72 đến 80, đòi hỏi học sinh phải có năng lực tư duy tổng hợp và phân tích tốt. Đề thi không có câu hỏi đánh đố, lắt léo. Việc ra đề thi khá tường minh nhưng vẫn có khả năng phân hóa, giúp cho việc xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học thuận lợi.

Thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: H.C)

Thí sinh tham dự thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: H.C)

Khó đạt điểm tối đa môn Sử

ThS. Đặng Ngọc Tú, giáo viên Lịch sử, Tổ trưởng tổ Khoa học xã hội (trường THPT Kim Liên), đề thi năm nay bám sát đề minh họa của Bộ GDĐT công bố trước đó. Nội dung đảm bảo kiến thức cơ bản, đi từ dễ đến khó, đủ 4 mức độ, theo trình tự sắp xếp câu hỏi trong đề.

Tuy nhiên, bố cục kiến thức không sắp xếp theo trình tự kiến thức của sách giáo khoa là yếu tố khiến học sinh cần tập trung tư duy và đọc rất kỹ đề khi làm bài. Các câu hỏi và phương án trả lời tường minh, rõ ràng, không đánh đố học sinh.

Với mã đề 321, câu hỏi số 9 khó hơn các câu cùng loại câu hỏi nhận biết. Từ câu 33 đến câu 40 là những câu hỏi vận dụng và vận dụng cao để phân loại học sinh khá, giỏi nhưng đối với những học sinh nắm vững kiến thức, hiểu bản chất của các sự kiện lịch sử thì không quá khó để ăn điểm.

Trong đề thi, nội dung các câu hỏi chủ yếu nằm trong phần kiến thức lớp 12, được phân bố đúng theo tỷ lệ của số tiết quy định và bám sát nội dung kiến thức giảm tảido ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Phần kiến thức lịch sử thế giới chiếm khoảng 30% số câu hỏi, phổ quát toàn bộ nội dung phần lịch sử thế giới lớp 12, có liên hệ với phần của lớp 11. Phần vận dụng và vận dụng cao tập trung chủ yếu trong giai đoạn lịch sử Việt Nam từ năm 1919 - 1954. Dự đoán, phổ điểm chủ yếu đạt điểm trung bình, sẽ không có nhiều điểm tối đa.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: H.C)

Đề Giáo dục công dân dễ có điểm 8

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền (giáo viên trường THPT Hoàng Cầu) nhận xét, đề bám sát với ma trận đề thi minh họa lần 2 năm 2020 của Bộ GD&ĐT công bố.

Câu hỏi vận dụng chiếm 25% (10 câu cuối) phân hóa được học sinh ở điểm 9- 10. Với 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 gồm 84, 92, 93, 90 ở mức độ nhận biết, học sinh có thể dễ dàng lấy được điểm ở những câu này.

40 hỏi bao quát được kiến thức cơ bản trong chương trình ôn luyện theo đúng nôịdung tinh giản mới của năm 2020 phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19. Có nhiều câu vận dụng hay, bám sát vấn đề thực tiễn và đời sống, giúp học sinh có thêm kĩ năng và hiểu biết để giải quyết những tình huống phát sinh trong đời sống hằng ngày cho chính minh và những người xung quanh.

Ví dụ như câu 113 (vấn đề phòng chống cháy nổ); câu 118 (về tiếp sức mùa thi); câu 111 (xuất phát từ sự việc có thật được báo chí phản ánh về nêu gương học sinh lớp 7 chủ động dọn rác tại miệng cống thoát nước).

Với đề thi này, những học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản theo chương trình trên lớp có thể dễ dàng đạt được điểm 8. Câu 116 (mã đề 320) là một câu hỏi hay, mang tính giáo dục và tuyên truyền về ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Trong trường hợp cụ thể của câu hỏi, học sinh không chỉ xác định được hành vi vi phạm của chủ thể trong câu hỏi, mà còn giáo dục học sinh ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật thông qua quyền tố cáo của mỗi công dân.

Hà Cường

Nguồn VTC: https://vtc.vn/giao-vien-du-doan-pho-diem-mon-lich-su-dia-ly-giao-duc-cong-dan-ar562906.html