Giáo viên dạy các môn chuyên ngành bằng Tiếng Anh: Cung không đủ cầu

Bắt đầu từ năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT và Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đã chỉ đạo các trường THPT trong cả nước triển khai thí điểm dạy các môn Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học bằng tiếng Anh.

Mục tiêu của việc thí điểm trên nhằm giúp các trường, các địa phương có thời gian và điều kiện để tạo nguồn giáo viên. Tuy nhiên, 5 năm đã trôi qua, đến nay công tác tạo nguồn đội ngũ tại các địa phương vẫn chưa đạt.

Thiếu GV để triển khai thí điểm, các trường vẫn “tự bơi”

Mục đích của việc thí điểm dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh là nhằm nâng cao khả năng ngoại ngữ cho học sinh, giúp các em có thể giao tiếp, nghiên cứu tài liệu một cách tốt hơn, giáo viên (GV) có thể lĩnh hội nhiều hơn những kỹ năng sư phạm trong quá trình đổi mới và hội nhập.

Thực tế, ngay sau khi yêu cầu các trường trên cả nước thí điểm triển khai, Bộ GD&ĐT đã tích cực phối hợp với các địa phương, các nhà trường đẩy mạnh công tác bồi dưỡng cho GV, giúp họ có thể đáp ứng được yêu cầu mới của công tác giảng dạy. Tuy nhiên, sau 5 năm nhìn lại, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu, khiến việc mở rộng gặp khó.

TPHCM là địa phương có điều kiện kinh tế và có số trường chuyên, chất lượng cao lớn nhất cả nước. Nhưng tính đến thời điểm này, số lượng trường THPT thực hiện thí điểm dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh tại TPHCM vẫn khá khiêm tốn. Những trường đang thực hiện chủ yếu là những trường chuyên, trường theo đuổi mô hình chất lượng cao.

Đặc biệt, công tác tạo nguồn đội ngũ, đáp ứng chuẩn và yêu cầu giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh gần như để cho các trường có thí điểm “tự bơi”, khiến việc mở rộng quy mô khó khăn vì các trường không thể tìm ra GV.

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM thừa nhận đến nay việc xây dựng đề án đào tạo đội ngũ GV dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh vẫn đang bỏ ngỏ (chưa có đề án đào tạo) khiến nguồn cung GV đảm bảo các tiêu chí cho các trường rất hiếm. Sở GD&ĐT ngoài công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng theo đợt thì không hề hỗ trợ các trường thêm được điều gì khiến cho các trường cứ “tự liệu cơm - gắp mắm”, thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Từng là đơn vị thực hiện thí điểm việc dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh đầu tiên của thành phố nhưng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đành tạm dừng việc này trong năm nay vì đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu. Cô Vũ Thị Ngọc Dung- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước kia trường có thí điểm thực hiện ở khối lớp 10 với nhân lực chủ yếu được trường kết nối và hợp tác với một trung tâm ngoại ngữ bên ngoài thực hiện với ba môn Toán, Lý, Hóa. Tuy nhiên, năm học vừa rồi trường đành phải tạm dừng triển khai vì học sinh theo học ngày càng ít, trường thì không đủ tài chính để trả lương cho các GV thỉnh giảng nên đành dừng.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc - nguyên hiệu trưởng Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cũng nhìn nhận việc triển khai thí điểm dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh 2 năm qua đều do trường tự xoay sở. Cô cho biết: trường Gia Định đến thời điểm năm học 2016-2017 đã có 2 GV cơ hữu dạy Toán, Hóa bằng tiếng Anh rất tốt. Riêng GV dạy môn Vật lý và Sinh học thì trường hợp đồng thuê người ở ngoài giảng dạy.

Hai GV này đều có trình độ TS, giỏi chuyên môn và đang giảng dạy tại các trường đại học. “Cũng may là các GV đều đồng ý với mức đãi ngộ do trường đặt ra. Chứ nếu cào bằng theo mức đãi ngộ của các trường ngoài công lập, trường quốc tế, chúng tôi rất khó để đáp ứng. Trường Gia Định nằm trong khu vực lao động nghèo, học sinh cũng không có khả năng đóng góp cao nên nếu mức đòi hỏi cao quá trường không đáp ứng được thì “khoảng trống” GV là điều chắc chắn xảy ra”- cô Cúc chỉ rõ.

Bao giờ mới có nguồn GV chuyên nghiệp?

Khó khăn về đội ngũ GV trong việc triển khai, giảng dạy là vậy. Nhưng theo nhiều hiệu trưởng các trường dù thiếu nhưng không phải muốn tuyển là được. Bởi lẽ, đội ngũ này cần những tiêu chuẩn rất cao, trong khi mức lương được chi trả lại quá khiêm tốn. Hiện tại TPHCM, nhu cầu tìm kiếm GV giỏi chuyên môn, có khả năng giảng dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh là cuộc cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các trường.

Ông Nguyễn Văn C, hiệu trưởng một trường dân lập tại quận Tân Bình cho biết: Trường có nhu cầu tuyển dụng 3 GV giảng dạy 3 môn Toán, Lý, Hóa nhưng tìm suốt nửa năm nay chưa có. Đến khi tìm được thì lại không thể cạnh tranh về mức lương với các trường quốc tế, trường có yếu tố nước ngoài, nên đành cay đắng nhìn GV giỏi, đáp ứng yêu cầu bỏ mình đi.

“Cái khó của việc tìm kiếm nguồn GV có thể giảng dạy song ngữ, giỏi chuyên môn không chỉ nằm ở mức lương đãi ngộ, mà còn ở cả chính sách đơn vị tuyển dụng đặt ra với họ. Họ bỏ thời gian, tiền bạc đi học nâng cao nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, thậm chí là học lên cả cao học, tất yếu họ phải đòi hỏi mức đãi ngộ tương xứng cùng một môi trường làm việc tốt. Vấn đề là phải giải quyết tận gốc rễ, chứ không phải làm theo kiểu vá víu như hiện nay. Sở GD&ĐT không hỗ trợ cho các trường thì các trường sư phạm phải là người đảm trách nhiệm vụ này, chứ cứ để các trường “tự bơi” thật không ổn”- ông C chia sẻ.

Là một trong những đơn vị đào tạo GV lớn của các tỉnh phía Nam, Trường Đại học Sư phạm TPHCM được kỳ vọng sẽ giúp TPHCM giải “bài toán” thiếu hụt GV dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh bằng một đội ngũ GV qua đào tạo bài bản cho các trường. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM thẳng thắn thừa nhận: Trường chưa đào tạo GV dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Lý do được PGS.TS Nguyễn Kim Hồng đưa ra chính là chi phí đào tạo cho đội ngũ này lớn, tiêu chuẩn đầu vào bắt buộc đối với đối tượng này (chuẩn IELTS 5.5) đã khiến nguồn tuyển khá khan hiếm… “Theo yêu cầu, một sinh viên, để có thể trở thành một GV dạy các môn chuyên ngành song ngữ thì chuẩn ngoại ngữ nền cần phải đạt mức IELTS 5.5. Khi có được nền tiếng Anh tốt như vậy thì sau thời gian đào tạo chuyên ngành các em mới đảm bảo được vốn kiến thức, kỹ năng để tự tin giảng dạy.

Nhằm tìm kiếm nguồn tuyển, cũng như thu hút thí sinh giỏi tiếng Anh theo nghề sư phạm, nhiều khoa trong trường từ mùa tuyển sinh năm ngoái đã thực hiện việc cộng điểm ưu tiên cho những thí sinh có bằng tiếng Anh đạt chuẩn IELTS 5.5 trở lên. Tuy nhiên nguồn tuyển vẫn khá ít”- PGS-TS Nguyễn Kim Hồng nói.

Sự bất cập không chỉ đến từ việc thiếu nguồn cung GV được đào tạo bài bản. Nó còn đến từ nhu cầu học khác nhau của học sinh từng quận, huyện. Có trường muốn dạy thí điểm các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh thì không có đối tượng theo học, trường có học sinh theo học thì lại không có GV.

Cô Đặng Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận) thẳng thắn chia sẻ: Trường chúng tôi có đội ngũ GV song ngữ các môn chuyên ngành khá tốt và đầy đủ. Nhưng học sinh học lại không có khiến cho GV đang trở thành “lính đánh thuê” cho không ít trường tại các quận, huyện khác. “Chúng tôi đang đợi xem lứa học sinh đầu vào sắp tới từ vài trường, đặc biệt là Trường THCS Cầu Kiệu (trường đang giảng dạy thí điểm các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh) vào trường xem thế nào. Đủ lớp và các em có nhu cầu học trường mới triển khai được”- cô Yến cho biết.

Nhìn vấn đề ở góc độ nhà quản lý, TS Huỳnh Công Minh - nguyên giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: để giải quyết dứt điểm thực trạng thiếu hụt GV dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh trầm trọng như hiện nay thì các trường đại học sư phạm phải vào cuộc.

Đã 5 năm mà các trường đại học sư phạm (mới có ĐHSP Hà Nội đào tạo) vẫn đứng ngoài cuộc là không thể được. “Các trường phổ thông thì có hạn lực nhất định, họ chỉ có thể tạo điều kiện, thời gian để GV bộ môn của mình (có nhu cầu) đi học, chứ họ không thể đầu tư tiền bạc một cách toàn diện, đào tạo một cách bài bản một GV như các trường sư phạm.

Các giải pháp mà các trường đang thực hiện hiện nay (thuê GV ở ngoài, tự tìm kiếm người phù hợp) chỉ là giải pháp tạm thời. Nó sẽ không thể là nền tảng, là cơ sở để chúng ta mong muốn một sự đột phá về chất lượng đào tạo, khả năng ngoại ngữ của học sinh một cách bền vững”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/giao-vien-day-cac-mon-chuyen-nganh-bang-tieng-anh-cung-khong-du-cau-3468171-b.html