Giáo viên dành 3-5 phút tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở đội mũ bảo hiểm

Hàng ngày, trước khi học sinh tan trường giáo viên sẽ dành khoảng 3-5 phút để nhắc nhở, khuyến cáo các em đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nội dung tập trung vào các lỗi vi phạm thường gặp, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông.

Tình trạng học sinh gây mất an toàn giao thông xảy ra không chỉ ở các thành phố lớn mà còn cả ở các tỉnh thành, khu vực nông thôn… khiến nhiều người nghi ngại. Không khó để thấy trước cổng trường học sau giờ tan học là hàng dài các em học sinh đi xe gắn máy, chở 2 chở 3, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược đường, ngược chiều… Những hiện tượng này do các em gây ra đã gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và ngay bản thân các em.

Riêng ở Hà Nội, mặc dù Ngành Giáo dục đào tạo đã có những yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông nhưng ý thức chấp hành của phụ huynh và học sinh chưa cao. Nhiều học sinh THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên sử dụng xe đạp điện, xe máy không đội mũ bảo hiểm, hoặc sử dụng xe gắn máy khi chưa đủ điều kiện, học sinh tiểu học và THCS vẫn không đội mũ bảo hiểm khi được phụ huynh chở đi học bằng xe máy…

Các em học sinh vẫn "vô tư" vi phạm an toàn khi tham gia giao thông (ảnh: Hanoimoi)

Các em học sinh vẫn "vô tư" vi phạm an toàn khi tham gia giao thông (ảnh: Hanoimoi)

Trước thực trạng này, mới đây Sở GDĐT Hà Nội đã ra công văn tăng cường công tác bảo đảm an ninh trường học, an toàn giao thông trong năm học này. Sở đề nghị các phòng GDĐT quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện 3 nội dung chính với các hoạt động cụ thể, trong đó chú trọng nội dung về an toàn giao thông.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, thường xuyên dành 3-5 phút hàng ngày các tiết học cuối trước khi học sinh tan trường để nhắc nhở, khuyến cáo việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nội dung tập trung vào các lỗi vi phạm thường gặp, nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn, ùn tắc giao thông. Phổ biến các kỹ năng tham gia giao thông an toàn, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông.

Hiệu trưởng các nhà trường cần chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát các phương tiện đưa đón, học sinh đi học bảo đảm an toàn cho học sinh nhà trường, báo cáo cơ quan quản lý trực tiếp để phối hợp giải quyết khi vượt quá thẩm quyền.

Sở cũng cân nhắc thiết lập công khai đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường.

Quỳnh Nga

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/giao-vien-danh-3-5-phut-tiet-hoc-cuoi-truoc-khi-hoc-sinh-tan-truong-de-nhac-nho-doi-mu-bao-hiem-20181109171027884.htm