Giáo viên đang phải chịu quá nhiều áp lực

Hồ sơ sổ sách, các cuộc thi và phong trào thi đua của trường, của ngành Giáo dục, bệnh thành tích trong giáo dục, biên chế... đang tạo ra những áp lực lớn cho giáo viên.

Nhiều giáo viên vì không chịu được áp lực mà ra khỏi ngành Giáo dục. Ảnh internet.

Tại Hội thảo khoa học “Áp lực lao động nghề nghiệp của giáo viên phổ thông hiện nay thực trạng – nguyên nhân – giải pháp” do Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục (Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) tổ chức ngày 16/11, nhiều giáo viên chia sẻ, đã có những giáo viên vì không chịu được áp lực mà ra khỏi ngành, còn có những giáo viên vì không có biên chế đã bị chấm dứt hợp đồng lao động.

Chia sẻ những áp lực với giáo viên, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho biết: “Hiện giáo viên luôn lo lắng cho số phận của mình sẽ ra sao, sẽ đi về đâu… Sự kiện giáo viên mất việc ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk), Thanh Oai (Hà Nội) là những trăn trở lớn đối với nhiều giáo viên”.

Ông Bảo còn cho biết, giáo viên phải chịu áp lực trước dư luận, như học sinh đánh nhau ngoài trường xã hội cũng đổ lỗi cho giáo viên, cho giáo dục trong khi các em chỉ có khoảng từ 4 đến 6 tiếng tại nhà trường, còn lại là ở về gia đình, xã hội.

TS Nguyễn Thị Quế Anh, Học viện Chính trị khu vực I lại cho rằng, nghề giáo viên thời nay chứa đựng quá nhiều nguy hiểm, khi mà mỗi ngày giáo viên đến lớp lại mang theo một tâm trạng lo sợ. “Giáo viên phải chịu mọi áp lực từ cơ chế quản lý nhà nước, trong dạy và học, trong các mối quan hệ… Những chỉ tiêu khủng khiếp về bệnh thành tích, về chỉ tiêu như 100% lên lớp thẳng, chất lượng bộ môn 99%, duy trì sĩ số 98%... Song mức lương tối thiểu lại chưa đủ nuôi bản thân và gia đình”, TS Quế Anh cho biết..

Không chỉ có vậy, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam còn đánh giá, chưa bao giờ ngành giáo dục bất an như hiện nay từ việc biên chế, tiêu cực, thiếu giáo viên. “Giáo dục Việt Nam trong 5 năm gần đây đã có một đường lối phát triển giáo dục quốc gia hết sức đúng đắn, sáng suốt, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là lĩnh vực ưu tiên để phát triển, để đầu tư. Nhưng thực tế cho đến nay, trường không đủ chỗ cho trẻ em theo học, thiết bị, môi trường giáo dục không được phát triển tương xứng. Tiêu cực ngành Giáo dục không ngày nào không được các cơ quan truyền thông đề cập. Đặc biệt nghề dạy học chưa bao giờ lại là nghề bấp bênh nhất từ trước đến nay, từ biên chế, tiêu cực, thiếu giáo viên...”, TS Lâm bày tỏ.

Tại hội thảo các giáo viên cũng chia sẻ, hiện nay họ còn đang phải chịu áp lực từ hồ sơ sổ sách do phòng Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đề ra; những áp lực từ các cuộc thi và phong trào thi đua của trường, của ngành và áp lực từ bệnh thành tích trong giáo dục. “Áp lực từ bệnh thành tích là nỗi sợ và ám ảnh của đại đa số giáo viên.

Giáo viên nào không chạy theo guồng máy thành tích thì bị coi là giáo viên cá biệt, có biểu hiện chống đối. Trên ép xuống, dưới ép lên, xã hội ép vào, học sinh một bên, nhà trường một bên… cả thệ thống giáo dục phổ thông tựa như một đường đua mà đích đến là đủ thứ danh hiện gắn liền với cá nhân, tập thể. Vì thế giáo viên phải chạy theo bệnh thành tích, dù vẫn biết bệnh thành tích là nguyên nhân dẫn đến thầy không thầy, trò không ra trò, thậm chí phải đồng lõa với cái xấu trong nghề làm thầy”, cô Phạm Kim Anh, giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết.

Từ những áp lực trên, TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất giải pháp: Giáo viên, nhà giáo chủ động vượt qua áp lực nghề nghiệp này, không còn cách nào khác phải giúp họ vượt qua chính mình, dám đương đầu với nghịch cảnh, tìm niềm vui, hạnh phúc trong quá trình sáng tạo nghề nghiệp... Các nhà trường, nhà giáo cần chú trọng phát huy nội lực, tìm niềm vui, hạnh phúc trong sáng tạo nghề nghiệp. Điều quan trọng nữa là giáo dục cần sự quan tâm của cả xã hội, giáo dục đâu chỉ là câu chuyện của nhà trường.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/giao-vien-dang-phai-chiu-qua-nhieu-ap-luc.aspx