Giáo viên chủ động triển khai chương trình phổ thông mới

Chương trình GDPT mới đã 'giao quyền' nhiều hơn cho giáo viên trong chủ động tổ chức lớp học. Vì vậy, cần thời gian đánh giá, phụ huynh không nên lo lắng tạo thêm áp lực cho giáo viên.

Xung quanh phản ánh của phụ huynh về thiết kế môn Tiếng Việt của chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1, cô Nguyễn Anh Thụy, Khối trưởng khối 1, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) cho biết, chương trình GDPT mới khác biệt lớn so với chương trình cũ là không giới thiệu lần lượt 28 chữ cái rồi mới yêu cầu học sinh ghép vần mà trong từng bài học, sau giới thiệu âm mới sẽ hướng dẫn học sinh ghép vần.

Theo cô Nguyễn Thị Thu Vân, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), ở giai đoạn đầu làm quen môn tiếng Việt, học sinh học 2 âm mới/bài, sau sẽ tăng lên 3-4 âm/bài. Phần lớn giáo viên cho biết, dung lượng kiến thức chương trình GDPT mới không nặng hơn chương trình cũ, nhưng do thực hiện tích hợp kiến thức môn học với thực tế cuộc sống (bài học thiết kế theo chủ đề, liên hệ sự vật, hiện tượng trong cuộc sống) khiến một số giáo viên lúng túng.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 giải thích, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên học sinh các cấp không có 1-2 tuần lễ tập trung trước ngày khai giảng. Giáo viên phải dạy cùng lúc cách ngồi học, thao tác cầm bút và nhận diện mặt chữ nên có phần “đuối” hơn. Chưa kể, có học sinh đã làm quen mặt chữ, có em lần đầu tiếp xúc, giáo viên cùng lúc dạy cho nhiều trình độ khác nhau là thực tế nhiều năm qua chứ không riêng năm học này. Chương trình GDPT mới đã “giao quyền” nhiều hơn cho giáo viên trong chủ động tổ chức lớp học. Vì vậy, cần thời gian đánh giá, phụ huynh không nên lo lắng tạo thêm áp lực cho giáo viên.

MINH QUÂN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/giao-vien-chu-dong-trien-khai-chuong-trinh-pho-thong-moi-688785.html