Giáo viên 'cắm bản' lặn lội rừng sâu tìm trò

Chuyện giáo viên phải vào tận bản để vận động và đón trò đến trường là việc quá đỗi quen thuộc với những giáo viên cắm bản ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình.

Dịp này, khi vào vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi còn chứng kiến nhiều câu chuyện “hy hữu” khi giáo viên phải vượt hơn ngàn cây số vào miền Nam để vận động học sinh trở về học là một nỗ lực đáng khâm phục của những giáo viên cắm bản tại Lâm Hóa.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Lâm Hóa thuộc địa bàn xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) hiện có 34 giáo viên, với 213 học sinh được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày.

Đặc biệt, trong số 213 học sinh thì hiện nay ở đây có 120 học sinh là đồng bào người Mã Liềng. Với tâm huyết với nghề, tình yêu thương dành cho những đứa trẻ nơi miền sơn cước của tỉnh Quảng Bình, mong muốn con chữ đến với bản nghèo, dân trí được nâng cao nên những giáo viên cắm bản tại Lâm Hóa đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.

Tâm sự về những khó khăn trong hơn chục năm công tác tại trường, thầy Trần Văn Dương giáo viên dạy cấp 2 lại nhớ về kỷ niệm của những lần đi vận động và đón trò từ bản tới trường sau những ngày nghỉ lễ và hè.

Học sinh của trường được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày

Học sinh của trường được hỗ trợ chế độ bán trú với 3 bữa ăn/ ngày

Việc nghe thì dễ nhưng muôn vàn khó khăn. Sau khi phải băng rừng, lội suối, vượt qua những ngọn núi cao, địa hình hiểm trở, khi đến bản các thầy lại phải chia nhau đến từng nhà vận động các trò và cha mẹ để đưa trò trở về trường. Khó khăn vẫn chưa dừng lại ở đó, khi đến bản có những trò đang làm việc trên rẫy, một số khác thì lại trốn vào rừng, rồi họ còn gặp sự cản trở, không đồng thuận của phụ huynh.

Theo kinh nghiệm của những giáo viên, thời gian phù hợp nhất để gặp trò của mình là lúc chiều muộn, thời điểm dễ gặp phụ huynh và lúc trời tối học

trò cũng khó trốn vào rừng. Để dễ bề vận động họ thường mời theo trưởng bản hoặc cán bộ xã cùng hỗ trợ.

Mấy năm trước các thầy phải gói cơm, đùm gạo băng rừng vào tận rẫy của bà con để vận động trò ra lớp. Có những trường hợp các thầy đi tới 5 đến 7 lần mà cũng không chịu đến lớp, thầy Dương chia sẻ.

Trong những lần tới bản cũng lắm chuyện bi hài “cười ra nước mắt” như việc từ chối nhậu dân bản lại nghĩ là "khinh người", nhưng nếu uống họ sẽ chuốc cho các thầy say, rồi lại xin tiền mua thêm rượu.

Rồi câu chuyện “hy hữu” mà những giáo viên nơi đây nhớ mãi đó là lần “thân chinh” vượt hơn ngàn cây số, để đưa 5 học trò bỏ dở học, trốn vào miền Nam làm thuê về lại trường.

Giáo viên cùng cán bộ địa phương thường xuyên tới nhà để vận động học sinh tới lớp

Chuyện là, sau kỳ nghỉ Tết, 5 em học sinh cấp 2 không thấy đến lớp. Thầy cô lên bản hỏi thì được biết các em đã vào miền Nam. Khi được hỏi nguyên nhân, những phụ huynh của 5 học trò này nói với giáo viên rằng: "Nó bỏ học vào Nam mần ăn, kiếm tiền nuôi cái bụng nó rồi. Thầy đừng tìm nó nữa mà mệt".

Khi hay tin, với suy nghĩ không để cho học trò phải dừng việc học, thầy cô tìm cách liên lạc qua người quen, để tìm địa chỉ của học sinh, sau đó cùng chính quyền địa phương cử người vào miền Nam đón trò.

"Mất gần 3 ngày, với sự giúp đỡ tận tình của chính quyền địa phương mới tìm được 4 em. Anh cán bộ công an xã phụ trách dẫn 4 em về, còn tui ở lại 5 ngày, lùng sục mãi ở các khu công nghiệp mới tìm được em Cao Văn Bình và đưa về" thầy Dương cho biết.

Lại một mùa tựu trường sắp đến, thầy cô cắm bản tại Lâm Hóa lại chia nhau đến bản đón học sinh, vì sắp đến ngày khai giảng nhưng còn 5 em học sinh người Mã Liềng ở lại rẫy không chịu về trường.

Cũng dễ hiểu cho những hành động của học trò và dân bản nơi đây, vì với dân trí thấp, hoàn cảnh đói nghèo thì ưu tiên hàng đầu của họ là kiếm miếng ăn hằng ngày. Họ vẫn chưa hiểu hết được những lợi ích lâu dài của việc học.

Khi chia tay Lâm Hóa, chúng tôi tin tưởng rằng với sự cố gắng của những giáo viên cắm bản đang ngày càng được ghi nhận và sẽ gặt hái thành quả một ngày không xa khi người dân nơi đây ai cũng được học cái chữ để giúp dân bản no đủ hơn.

Trần Hùng – Tuấn Anh. Lớp 57 Báo chí, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Vinh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/quang-binh-giao-vien-cam-ban-vao-rung-sau-tim-tro-157019.html