Giáo viên bạo hành học sinh: Vì đâu nên nỗi?

Khẳng định những sự việc xảy ra chỉ là cá biệt, song các ý kiến cũng bày tỏ lo lắng, lý giải về lối ứng xử này của một số giáo viên.

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, một trong những vấn đề của ngành giáo dục khiến nhiều đại biểu lo lắng là tình trạng trẻ em bị bạo hành bởi chính giáo viên của mình.

Nỗi lo ấy là có cơ sở và thời gian qua, một trong những vụ việc gây bức xúc trong dư luận là việc nhiều phụ huynh tố cô giáo tại trường mầm non Dữu Lâu (Việt Trì, Phú Thọ) dùng kim đâm vào nhiều tay trẻ để trừng phạt.

Trao đổi trên báo chí, lãnh đạo trường nầm non Dữu Lâu xác nhận có trường hợp này xảy ra và cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.

Một sự việc khác gây phẫn nộ gần đây là 17 phụ huynh tố một cô giáo chủ nhiệm lớp 2, trường Tiểu học Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) có hành động giật tóc, lấy thước kẻ nhôm đánh vào đầu, đạp vào bụng, xé vở học sinh... Nhà trường đã báo cáo cấp trên, nhờ cơ quan công an vào cuộc xác minh, làm rõ, đồng thời phân công giáo viên khác chủ nhiệm lớp học trong thời gian tạm đình chỉ công tác cô giáo trên.

Trao đổi với Đất Việt, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) khẳng định, các sự việc giáo viên bạo hành trẻ chỉ là những trường hợp cá biệt và cần phải xem lại những giáo viên đó ở vùng nào, chất lượng tuyển đầu vào ra sao...

Tuy nhiên, ông Vinh cũng cho rằng, những người có bản tính hung bạo tốt nhất không nên vào ngành sư phạm và các cơ sở giáo dục không nên chọn những người như vậy.

"Không thể nói rằng giáo viên chịu nhiều sức ép nên hành xử như vậy. Sứ mệnh của người thầy là giáo dục con người, khi bạo lực với trẻ thì trẻ cũng sẽ bạo lực với người khác, đó là quy luật.

Các trẻ xuất thân từ gia đình có nguồn gốc kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục khác nhau, không thể bắt đứa trẻ nào cũng ngoan ngoãn, nói gì cũng phải nghe. Đã là người có nghiệp vụ sư phạm thì phải biết kiềm chế nóng giận, còn nếu không kiềm chế được thì không nên vào ngành sư phạm", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp nói.

Hình cắt từ clip phụ huynh ghi lại tình huống nghi ngờ cô giáo ở trường Tiểu học Trung Văn đang có hành vi lạ với học sinh

Hình cắt từ clip phụ huynh ghi lại tình huống nghi ngờ cô giáo ở trường Tiểu học Trung Văn đang có hành vi lạ với học sinh

Trong khi đó, nhìn một cách sâu xa, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM và cũng làm nghề "gõ đầu trẻ" cho biết, ngày xưa, người thầy được tôn vinh, kính trọng, xét về vị trí người thầy chỉ đứng sau vua (quân - sư - phụ). Thế nhưng, ngày ngay, dù vẫn luôn nhắc nhở phải tôn trọng, kính nể người thầy song điều ấy dường như đã phai nhạt đi ít nhiều.

"Nếu người thầy không tìm cách để kiếm thêm tiền thì với đồng lương vài ba triệu/tháng làm sao có thể duy trì được cuộc sống cho bản thân và gia đình của người thầy? Cho nên, người thầy phải tìm mọi cách để mưu sinh và khi dạy học, nói học trò không nghe thì thầy đánh.

Người ta từng nói tình thương của người thầy đối với học trò như tình thương của người cha, người mẹ, thậm chí trên cả cha mẹ là người thầy có sứ mệnh bồi dưỡng thế hệ tương lai cho đất nước, thế hệ ấy phải giỏi hơn thế hệ trước thì mới phát triển được. Thế nhưng khi người thầy còn vật lộn mưu sinh, lương không đủ nuôi sống bản thân và gia đình thì tình thương ấy liệu có còn?

Xã hội không thương các thầy, các cô mà lại đòi hỏi các thầy, các cô phải thương học trò là không logic, trừ những người thầy có tâm, được gia đình dạy dỗ và truyền thống của gia đình đã thành nếp sống của họ thì mới có được cái tâm trong sáng và thương học trò như con như cháu", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ rõ.

Nhìn vào mối quan hệ thầy-trò hiện tại, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chua chát nhận xét, người thầy giờ đây tự coi mình chỉ là người làm thuê, sự tôn trọng vị trí của người thầy phần nào bị thị trường hóa, chuyện dạy trò dường như trở thành một dịch vụ, thuận mua vừa bán.

"Khi mua bán không thuận thì lập tức tâm lý chống đối xảy ra, thầy cô trong lớp là người có quyền. Nhưng như đã nói, xã hội không thương các thầy cô thì làm sao có thể đòi hỏi thầy cô phải tận tâm, tận lực với học trò? Đó là một khía cạnh của mâu thuẫn nội bộ xã hội", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh chỉ ra một hiện thực buồn.

Khẳng định, hành động bạo hành trẻ là thái độ ứng xử tức thời không đúng, không có tình thầy trò và thiếu tình người, vị chuyên gia cho rằng, muốn có một nền giáo dục lành mạnh, ngay ngắn thì phải để cho người thầy sống được bằng nghề của mình, bằng đồng lương, đãi ngộ. "Sống được" ở đây, theo PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, không phải là giàu, mà là đủ miếng ăn hàng ngày và có chút dự trữ phòng khi ốm đau.

"Khi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên từ mẫu giáo đến đại học chưa phù hợp, người thầy không sống được bằng đồng lương của mình thì không thể đòi hỏi người thầy phải tận tâm, tận lực với nghề, với trò", ông kết luận.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-vien-bao-hanh-hoc-sinh-vi-dau-nen-noi-3394148/