Giáo viên bạo hành học sinh - Thực trạng đáng báo động của ngành giáo dục

Nếu như khoảng thời gian này năm ngoái, cả nước chấn động với thông tin giáo viên bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng ở Hải Phòng, thì từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt những vụ bạo hành học sinh vẫn tiếp diễn và cũng là tiếng chuông báo động cho sự xuống cấp của ngành giáo dục.

Những vụ bạo hành học sinh gây chấn động đầu năm 2019

Cô giáo đánh học sinh trong giờ thi ở Hải Phòng

Trước đó, sáng 8/5, tại trường tiểu học Quán Toan (Hải Phòng), trong giờ kiểm tra của lớp 2A7, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang (32 tuổi, giáo viên lớp 2A8) khi thực hiện nhiệm vụ giám sát đã có hành vi đánh nhiều học sinh. Em Hoàng Gia Đức bị đánh nhiều lần khiến mặt em tấy đỏ, cẳng chân nhiều vết bầm. Bên cạnh đó, cô Phạm Thị Vân (chủ nhiệm lớp 2A7) cũng tham gia đánh học sinh cùng cô Trang, vi phạm quy chế chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nhà giáo.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hải Phòng và UBND quận Hồng Bàng, sáng 21/5, trường tiểu học Quán Toan, Hội đồng kỷ luật nhà trường đã tiến hành họp và ra hình thức xử lý kỷ luật với cô giáo Trang là buộc thôi việc. Còn với cô giáo Vân là hình thức kỷ luật là khiển trách.

Cô giáo Trang bị buộc thôi việc sau khi sự việc bị phanh phui

Cô giáo Trang bị buộc thôi việc sau khi sự việc bị phanh phui

Cô giáo dùng thước đánh học sinh lớp 2 bầm lưng

Chiều ngày 7/3, do thấy học sinh là em N.Đ.P làm bài tập không đúng, Cô giáo Phan Thị Xinh (giáo viên chủ nhiệm lớp 2C) đã dùng thước kẻ đánh vào vùng lưng em P., gây ra một số vết bầm tím.

Gia đình anh Nguyễn Đình Công (bố cháu P.) cũng cho biết cháu P. nhiều lần bị cô giáo đánh và cấu véo khiến cháu thâm tím người, sứt tai cũng vì không làm được bài tập.

Chiều 28/3, bà Đặng Thị Minh - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão, TP Hải Phòng cho biết chính quyền địa phương và Ban giám hiệu Trường Tiểu học An Thắng, xã An Thắng, huyện An Lão, vừa có hình thức xử lý đối với nữ giáo viên Phan Thị Xinh là đình chỉ công tác giảng dạy 1 tháng và xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng.

Cháu bé bị cô giáo đánh bầm lưng

Bắt học sinh tự tát 50 cái vì mất trật tự

Trước đó, nhiều phụ huynh có con học lớp 4B, Trường Tiểu học Trung Thành (TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) làm đơn đề nghị Ban giám hiệu nhà trường xác minh làm rõ thông tin cô giáo N.T. T - chủ nhiệm lớp bắt phạt hàng loạt học sinh vi phạm tự tát 50 cái vào mặt.

Bà Phạm Quỳnh Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Thành cho biết, tại buổi làm việc giữa Ban Giám hiệu, phụ huynh học sinh và cô giáo N.T.T, cô T. phủ nhận sự việc. Hiện các lớp học sinh không có camera ghi hình nên việc xác minh cô giáo có phạt học sinh hay không là rất khó.

“Để ổn định tâm lý cho học sinh, phụ huynh, từ ngày 14/1, Ban Giám hiệu quyết định không phân công cô T. làm chủ nhiệm lớp 4B nữa” - Bà Trang cho biết.

Trường Tiểu học Trung Thành - Nơi xảy ra vụ việc

Học sinh lớp 1 bị cô giáo tát chảy máu tai

Vào giờ kiểm tra viết hôm 28/12/2018, một học sinh lớp 1 trường Tiểu học cơ sở số 1 Hồng Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) đã làm luôn hai đề A và B, trong khi quy định chỉ làm một trong hai đề. Em bị giáo viên chủ nhiệm 40 tuổi xách tai, tát hai cái vào má. Hôm sau, em phải đến bệnh viện theo dõi sức khỏe, được xác định bị chấn động sọ não. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn, em được gia đình đưa về nhà theo dõi.

Chiều 7/1, ông Nguyễn Văn Vững - Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo huyện Lệ Thủy khẳng định nhà chức trách sẽ xử lý nghiêm và Hiệu trưởng trường là bà Nguyễn Thị Cẩm cũng xác nhận việc làm của cô giáo đã vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành. Trường đã họp kiểm điểm, phê bình trước chi bộ và Hội đồng sư phạm với giáo viên này.

Kết quả chụp CT của cháu bé

giáo bắt học sinh tát bạn 231 cái

Vào chiều 19/11, khi phát hiện em Hoàng L.N., học sinh lớp 6.2, Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục, cô giáo chủ nhiệm của lớp này là Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát liên tiếp vào má em N. Sự việc đã khiến học sinh này phải nhập viện điều trị khi phải nhận hết thảy 231 cái.

Cô giáo Thủy cho biết, cô đã tiếp nhận làm chủ nhiệm của lớp 6.2 vào đầu năm học vừa qua. Đây là lớp học không có thành tích tốt về cả học tập lẫn thi đua. Theo quy định của nhà trường, học sinh lớp nào nói tục thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng. Để khắc phục tình trạng này, cô giáo Thủy đã đặt ra quy định, nếu học sinh nào vi phạm sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc nhẹ sẽ phạt tát ngược lại 10 cái.

Cô giáo Thủy bị lên án trong vụ việc

Tiếng chuông báo động của ngành giáo dục

Một câu hỏi đặt ra là vì sao mỗi lần báo chí đưa tin về một vụ việc bạo hành học sinh như thế thì mức xử lý đưa ra chỉ có phạt và cũng chẳng hề có mẫu số chung nào cho hình thức này? Phạt các giáo viên để rồi tình trạng này vẫn tiếp diễn và liên tiếp có những phản ánh về hành vi bạo lực của những người đang đóng vai trò ươm mầm trí tuệ.

Tại sao phải đợi đến lúc xảy ra chuyện thì mới lo đi tìm phương án xử lý mà không có sự chuẩn bị từ trước cho những chuyện tưởng chừng như không hiếm ở một xã hội như Việt Nam? Tại sao không có những biện pháp xử lý mạnh tay và tốt hơn là những hình thức kiểm điểm, xin lỗi, đình chỉ công tác, hiếm lắm thì mới có những vụ việc mà giáo viên bị buộc thôi việc? Bởi tâm lý “mất bò mới lo làm chuồng” trong khi đạo đức phải chăng đã là một trong những yêu cầu quyết định một người để trở thành giáo viên bên cạnh kỹ năng và chuyên môn tốt?

Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn nếu chưa có phương án xử lý triệt để

Thế nhưng, nói đi thì cũng phải nói lại, thực trạng bạo hành học sinh của các giáo viên một lần xuất phát điểm cũng vì nóng giận trước nhiều thái độ vô lễ của các em và áp lực thành tích quá năng. Điểm qua những vụ việc trên, không khó để có thể nhận ra bên cạnh những hành vi vũ lực do bản tính thì cũng không ít trường hợp chính các em học sinh đã có thái độ thách thức thầy cô, thậm chí là văng tục chửi thề, vi phạm nghiêm trọng đạo đức học sinh. Và khi những người đứng trên bục giảng cảm thấy lời nói của mình không còn được tôn trọng, một số ức chế đã có những ứng xử không hay, còn số còn lại chỉ đành ngậm ngùi, im lặng rồi mặc kệ. Tuy nhiên, họ mặc kệ thì giáo dục sẽ đi về đâu?

Đây sẽ còn là một câu hỏi thách thức ngành giáo dục khi chưa tìm được phương án cải thiện và chấm dứt tình trạng bạo hành. Bên cạnh công tác giáo dục của nhà trường, các cô giáo cần có ý thức “thay đổi bản thân” trong tình huống giáo dục học sinh có cá tính đặc biệt, phải rèn luyện thêm tính nhẫn nại và cái tâm chân thành với nghề giáo thì các bậc phụ huynh cũng cần tham gia chia sẻ và dạy dỗ con em mình học thêm điều hay lẽ phải, chứ không phải đưa con đi học thì trách nhiệm đó hoàn toàn thuộc về nhà trường.

Hữu Long

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/giao-vien-bao-hanh-hoc-sinh-thuc-trang-dang-bao-dong-cua-nganh-giao-duc-3632/