Giáo viên, bác sĩ đã thiếu càng thiếu do cắt giảm biên chế cơ học

Phát biểu tại hội trường sáng 29/10, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang) đã đề cập đến một số khó khăn của ngành Giáo dục và Y tế.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang)

Trong đó, bên cạnh việc cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, đại biểu cho rằng, y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh, giáo viên trực tiếp giảng dạy đã thiếu nay càng thiếu trầm trọng do cắt giảm biên chế cơ học, bất hợp lý. Đồng thời đề nghị 2 lĩnh vực này cần được quan tâm hơn nữa.

Liên quan đến vấn đề dự toán ngân sách nhà nước – chủ đề buổi thảo luận – Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm phân bổ đủ vốn cho các dự án đang triển khai để tránh lãng phí nguồn lực do kéo dài thời gian thi công. Có chủ trương hướng dẫn sử dụng 10% vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn để các địa phương sớm triển khai thực hiện.

Kiến nghị điều chỉnh phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư với các dự án nhóm B và C nhằm chủ động cho việc triển khai thực hiện. Đối với các nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ, bao gồm cả vốn chương trình mục tiêu quốc gia, kiến nghị điều chỉnh phân cấp cho địa phương thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được Trung ương phân bổ.

Để đảm bảo cân đối ngân sách các tỉnh, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về giao dự toán thu nội địa, loại trừ ghi thu, ghi chi quy định tại khoản 3, khoản 5, Điều 6 Thông tư số 77 năm 2014 của Bộ Tài chính, hướng dẫn một số điều thực hiện Nghị định số 46 ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Thực hiện quy định trên hàng năm, ngân sách các tỉnh thực hiện ghi thu, ghi chi đồng thời số bồi thường giải phóng mặt bằng được trừ vào tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách các tỉnh là rất lớn.

Đại biểu ví dụ, tại tỉnh Hậu Giang, ghi thu, ghi chi đồng thời vào thuê đất trong năm 2016 là 72 tỷ đồng, 2017 là 82 tỷ đồng. Dự kiến 2018 là khoảng 553 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền thuê đất được thể hiện vào thu ngân sách hàng năm qua hình thức ghi thu, ghi chi không thể bố trí cân đối được, vì thực tế đây là tiền thuê đất người tự nguyện tặng cho để giải phóng mặt bằng, do các tỉnh không có nguồn lực và không có đất sạch để giao cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi Trung ương giao dự toán thu nội địa và cân đối ngân sách các tỉnh thì số tiền ghi thu, ghi chi nêu trên không được loại trừ, dẫn đến tỉnh mất cân đối rất lớn.

"Để tháo giảm bớt khó khăn cho địa phương, trong cân đối ngân sách, kiến nghị Chính phủ thống nhất loại trừ nguồn kinh phí ghi thu, ghi chi nêu trên, làm cơ sở giao dự toán thu tiền thuê đất 2019, đảm bảo cân đối ngân sách các tỉnh, trong đó có tỉnh Hậu Giang" - đại biểu Nguyễn Thanh Thủy kiến nghị.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/giao-vien-bac-si-da-thieu-cang-thieu-do-cat-giam-bien-che-co-hoc-3960386-v.html