Giáo trình có 'đường lưỡi bò': Thừa nhận sốc

Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ thừa nhận đơn vị tự ý sử dụng giáo trình có 'đường lưỡi bò' khi chưa được thẩm định theo quy định.

Ngày 4/11/2019, Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an Hà Nội đã làm việc với lãnh đạo trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để làm rõ việc giáo trình Khoa Trung - Nhật có chứa bản đồ in hình "đường lưỡi bò" của Trung Quốc.

Một số giáo trình liên quan đến sự việc đã được lực lượng Công an TP. Hà Nội lập biên bản, mang về phục vụ cho quá trình điều tra.

Trả lời thêm về sự việc, ông Vũ Văn Hóa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ cho biết, cuốn giáo trình này của Khoa Trung - Nhật được phía đối tác phía Trung Quốc tặng.

Theo quy định, với những tài liệu các khoa mua bên ngoài mang về làm giáo trình thì phải được hội đồng khoa học của trường thẩm định, sau đó hội đồng khoa học của trường sẽ quyết định cho phép được sử dụng để giảng dạy trong trường hay không.

Tuy nhiên, với cuốn giáo trình chứa hình "đường lưỡi bò" đơn vị Khoa Trung - Nhật của trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tự ý bỏ qua bước này, để cho hội đồng khoa học của khoa tự đánh giá, sau đó photocopy và bán cho sinh viên (với giá 30.000 đồng/cuốn). Tổng số tài liệu cả 2 đầu sách đã được trường photocopy 716 cuốn.

Cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò" mà Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng.

Cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò" mà Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội sử dụng.

Trước đó, khi nói về trách nhiệm trong việc để cuốn giáo trình có "đường lưỡi bò" xuất hiện trong trường, ông Hóa cho rằng, trách nhiệm này thuộc về phía cơ quan nhà nước.

"Tôi cho rằng cần có cơ quan kiểm soát sách giáo khoa, giáo trình mua từ nước ngoài. Cái này phải thuộc về nhà nước chứ không phải của trường. Chúng tôi không soạn giáo trình này và có soạn cũng không đưa vào bản đồ như vậy", ông Hóa nói.

Còn ông Hà Đức Trụ, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay: "Trách nhiệm thuộc về Ban Chủ nhiệm Khoa Tiếng Trung - Nhật".

Trong khi đó, ông Bùi Văn Thanh, Trưởng khoa Trung - Nhật lý giải: Cuốn giáo trình này do Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh phát hành, được khoa đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2019-2020.

Ông Thanh cho hay, khi tiếp cận với giáo trình này, các giảng viên thấy hay, ngữ pháp và cách đặt câu logic hơn những cuốn giáo trình cũ ở khoa. Vì vậy, Khoa Trung - Nhật quyết định thành lập hội đồng khoa học xem xét, đánh giá để đưa vào sử dụng.

"Khi thành lập hội đồng, tôi có lưu ý điểm quan trọng đầu tiên là nội dung sách không được đi ngược đường lối chính trị, không vi phạm các vấn đề liên quan đến chủ quyền biển đảo.

Quả thực, nội dung sách không vi phạm điều này, vấn đề biển đảo không được lồng ghép trong bất kỳ câu từ nào. Riêng bản đồ minh họa khá nhỏ là có bất ổn mà chúng tôi không phát hiện ra", ông Thanh nói.

Tuy nhiên, GS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội cho rằng, với những ngành học sử dụng giáo trình của nước ngoài, nhà trường phải là đơn vị trực tiếp thẩm định.

Cụ thể, tài liệu muốn trở thành giáo trình của một môn học trước tiên Hội đồng khoa học của khoa/ ngành ấy phải thậm định trước. Sau đó đến cấp trường, nhà trường sẽ giao cho ít nhất hai chuyên gia độc lập để thẩm định. Tiếp theo sẽ trình ra Hội đồng khoa học đào tạo của nhà trường. Như vậy, một cuốn sách muốn đưa vào thành giáo trình phải trải qua ít nhất 3 cấp.

“Việc để lọt hình ảnh đường lưỡi bò vào trong giáo trình trách nhiệm chắc chắn thuộc về nhà trường. Bởi thực tế nhà nước chỉ đưa ra chủ trương, chính sách chứ không can thiệp quá sâu vào hoạt động trường. Trường nói rằng đây là trách nhiệm của nhà nước là đang chối bỏ trách nhiệm của mình” - GS.TS Phạm Quang Minh nhấn mạnh.

Ông Ngô Tự Lập - Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng nhìn nhận, để hình ảnh "đường lưỡi bò" len lỏi vào giáo trình, trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường.

“Đơn vị nào lựa chọn thì đơn vị ấy phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, để sách lọt qua có thể do đơn vị phê duyệt cuốn sách trở thành giáo trình ấy còn hời hợt trong khâu thẩm định, trong khi khâu này vốn phải được thực hiện chặt chẽ và nghiêm ngặt” - ông Lập nói.

Ngọc Mai (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/giao-trinh-co-duong-luoi-bo-thua-nhan-soc-3390734/