Giao tranh Ác-mê-ni-a – A-déc-bai-gian: 'Đốm lửa' nhỏ, nguy cơ lớn

Sau 22 năm tạm lắng dịu, mặc dù chưa thể ký Hiệp định hòa bình, song 'điểm nóng' Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc, vùng đất tranh chấp giữa A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a, bỗng bùng phát chiến sự dữ dội vào cuối tuần qua. Cuộc giao tranh chỉ như một 'đốm lửa' so với các 'chảo lửa' khác trên thế giới nhưng ẩn chứa nguy cơ bất ổn không hề nhỏ cho cả khu vực Trung Á, Trung Đông và khu vực Cáp-ca-dơ.

Bản đồ khu vực hai nước Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian (màu đỏ là khu vực tranh chấp Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc). Ảnh: Reuters

Xung đột được báo trước

Bắt đầu từ đêm 1-4, các trận giao tranh mới giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian vẫn tiếp diễn trong những ngày tiếp theo. Phía Ác-mê-ni-a khẳng định, lực lượng A-déc-bai-gian đã mở cuộc tấn công ồ ạt ở biên giới Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc, huy động xe tăng, đại pháo và phi cơ trực thăng. Nhưng phía A-déc-bai-gian lại bác bỏ thông tin này và khẳng định chỉ đáp trả một cuộc tấn công từ phía Ác-mê-ni-a.

Xung đột giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian không phải là vô cớ. Nằm giữa Biển Đen và Biển Ca-xpi, Ác-mê-ni-a có diện tích 29.800 km2 và dân số gần 3 triệu người. Ác-mê-ni-a có biên giới phía bắc và đông với Gru-di-a và A-déc-bai-gian, phía nam và phía tây với I-ran và Thổ Nhĩ Kỳ. Dù về địa lý nằm ở Tây Á, về chính trị và văn hóa Ác-mê-ni-a lại gần gũi với châu Âu. Về lịch sử, Ác-mê-ni-a từng là ngã tư đường giữa châu Âu và Tây Nam Á, và vì thế được coi là một quốc gia liên lục địa.

Ngay từ thời tiền sử, tại Ác-mê-ni-a đã có người sinh sống, và thậm chí có thuyết cho rằng đây chính là vườn Địa đàng trong Kinh thánh. Vị trí chiến lược của Ác-mê-ni-a giữa hai lục địa khiến cho nước này trở thành mục tiêu cho các cuộc xâm lược của rất nhiều dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử.

Còn Cộng hòa A-déc-bai-gian là một quốc gia vùng Cáp-ca-dơ. Nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á, nước này giáp với Biển Ca-xpi ở phía đông, Nga ở phía bắc, Gru-di-a ở phía tây bắc, Ác-mê-ni-a ở phía tây và I-ran ở phía nam. A-déc-bai-gian có diện tích 86.600 km², dân số hơn 9 triệu người.

Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc là vùng đất nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của A-déc-bai-gian, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Ác-mê-ni-a nên muốn sáp nhập vào Ác-mê-ni-a. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh cao là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994.

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được năm 1994 và nhiều cuộc đàm phán hòa bình sau đó với sự trung gian của Nhóm Min-xcơ thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) do Nga, Mỹ và Pháp làm đồng chủ tịch, xung đột vẫn xảy ra tại đây.

Giao tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 30.000 người và khiến hàng nghìn dân thường vô tội, chủ yếu là người A-déc-bai-gian, phải chạy lánh nạn. Cũng kể từ năm 2008, A-déc-bai-gian và Ác-mê-ni-a đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết vấn đề này, song chưa tìm được giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra. Hiện hai nước được ngăn cách bởi một vùng phi quân sự, nhưng bên nào cũng tố cáo đối phương vi phạm vùng phi quân sự.

Với những căn nguyên như vậy, việc giao tranh bùng phát giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc những ngày vừa qua không phải là điều quá bất ngờ. Gốc rễ của vấn đề vẫn là cách tiếp cận khác nhau của hai phía. Ác-mê-ni-a muốn duy trì nguyên trạng, trong khi A-déc-bai-gian luôn cảm thấy mình là kẻ thua cuộc, khi quy chế đối với vùng lãnh thổ Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc chưa được xác lập một cách rõ ràng. Giới phân tích nhìn nhận, cả Ba-cu và Ê-rê-van đều không trông đợi vào một giải pháp quân sự, vì đó là sự lựa chọn mang tính “cùng thua”.

Lực lượng vũ trang khu vực Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc. Ảnh: Sputnik

Nguy cơ lớn cho khu vực

Câu hỏi đặt ra tại sao hai bên lại đòi chiếm lại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc vào thời điểm này? Hay cuộc giao tranh này chỉ là một mặt trận mới trong cuộc đọ sức giữa hai cường quốc khu vực là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga?

Nhiều người cho rằng, đó là cách (nhiều khả năng là A-déc-bai-gian, bên được cho nổ súng trước) nhắc nhở cộng đồng quốc tế về trách nhiệm đối với một “điểm nóng” chưa được xử lý rất điểm. Bởi trên thực tế, Nhóm Min-xcơ đã không có được nỗ lực ngoại giao đáng kể nào trước sứ mệnh tạo lập khung pháp lý cũng như giải pháp chấm dứt đối đầu tại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc.

Giao tranh ở Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc càng tăng nhiệt có thể khiến khu vực này rơi vào một cuộc chiến quy mô lớn. Trước mắt, căng thẳng đang được đẩy lên một bậc khi A-déc-bai-gian tuyên bố sẽ giải quyết bằng quân sự. Với A-déc-bai-gian, quyết tâm giành lại Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc đã âm ỉ trong hơn một thập kỷ qua, đặc biệt khi nước này tăng mạnh chi tiêu quốc phòng nhờ nguồn thu cực lớn từ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Tốc độ tăng ngân sách quốc phòng của A-déc-bai-gian nhanh đến chóng mặt, từ mức 175 triệu USD khi Tổng thống In-ham A-li-y-ép lên nắm quyền vào năm 2004 lên mức 3,1 tỷ USD vào năm 2011.

Nếu thực sự Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc phải giải quyết bằng biện pháp quân sự, “đốm lửa” nhỏ sẽ dễ dàng bùng lên thành “đám cháy” lớn. Các nước lớn khác sẽ vào cuộc khiến khu vực này rơi vào những biến cố khó lường. Và nguy hiểm hơn cả là nguy cơ biến nơi đây thành mảnh đất màu mỡ cho những nhóm cực đoan khủng bố mà tiêu biểu là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Một số nhà phân tích cho rằng, giải quyết “điểm nóng” Na-go-rơ-nưi Ca-ra-bắc chỉ có thể trông cậy vào sự trung gian hòa giải của cộng đồng quốc tế, trong đó Nga được xem là quốc gia có ảnh hưởng nhiều nhất. Ác-mê-ni-a lệ thuộc nhiều vào nước Nga cả về mặt kinh tế lẫn quân sự. Còn đối với A-déc-bai-gian, thì Mát-xcơ-va là một nguồn cung cấp vũ khí quý giá. Rất có thể, dưới áp lực của Nga, hòa bình tại khu vực này sẽ sớm được vãn hồi.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/giao-tranh-ac-me-ni-a-a-dec-bai-gian-dom-lua-nho-nguy-co-lon/