Giao tiếp tích cực - Chìa khóa hạnh phúc

Gia đình có hòa thuận, kết nối được nguồn năng lượng yêu thương hay không phụ thuộc vào việc mọi thành viên, mọi lứa tuổi trong nhà đều phải coi trọng và biết cách giao tiếp tích cực với nhau.

Nghệ thuật sống hòa đồng giúp sợi dây gắn kết hạnh phúc gia đình bền chặt

Nghệ thuật sống hòa đồng giúp sợi dây gắn kết hạnh phúc gia đình bền chặt

Không đề cao “tôi”, “ta”

Vợ chồng chị Mai Huê (ngõ 46 - phố Hào Nam - Hà Nội) được tiếng trong cả hai họ vì là cặp đôi tháo vát giỏi giang, thành đạt. Có địa vị xã hội, điều kiện tài chính dư giả, thế nhưng trong nhà chả mấy khi rộn rã tiếng cười. Ra ngoài xã hội, cả anh Việt và chị Huê đều là người năng động, khôn ngoan, sắc sảo nên được mọi người nể nang, thán phục.

Thế nhưng, bao nhiêu hoa hồng thì mang ra ngoài trưng bày, còn bao nhiêu gai nhọn thì họ lại đem cả về nhà bắt nhau chịu đựng. Chả ai chịu kém ai câu nào. Không chuyện nọ thì chuyện kia, “cái tôi, cái ta” của anh chị cứ ngày ngày phô diễn trước mặt hai đứa trẻ khiến chúng dù được ăn ngon mặc đẹp, học trường tốt mà lúc nào mặt mũi cũng khó đăm đăm, chả chuyện trò cởi mở với ai.

Đem nỗi khổ tâm đi gặp chuyên gia tâm lý tình yêu - hôn nhân - gia đình Vera Hà Anh - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý và đào tạo Vera), chị Mai Huê mới hiểu cặn kẽ được nguồn cơn nỗi ách tắc của gia đình mình.

Khóa học “Giao tiếp tích cực” đã giúp chị vỡ vạc ra những điều tưởng như đơn giản, thông thường nhưng lại cần thiết và vô cùng quan trọng trong mỗi gia đình. Cảm xúc tiêu cực chính là kẻ sát nhân tinh thần. Muốn giao tiếp tích cực thì những người trong cuộc phải học cách tôn trọng nhau, tôn trọng sự khác biệt về sở thích, tính cách và cách nhìn nhận sự vật xung quanh.

Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân dù sống với ai thì cũng phải dựa trên nền tảng tình yêu và tình bạn. Vợ chồng là bạn đời của nhau, chỉ tình yêu ban đầu thôi cũng sẽ khó duy trì được sự nồng đượm, đam mê lâu dài, vì sự say mê sẽ vơi nguội đi sau vài năm chung sống. Nếu xác định được đúng nghĩa của từ bạn đời thì mới xây dựng được quan hệ bền vững, vì cả hai sẽ có ý thức trong hành xử, trong đối nhân xử thế với các mối quan hệ xung quanh.

Học giao tiếp tích cực

Các chuyên gia tâm lý phân tích, giao tiếp tích cực khác các giao tiếp thông thường. Giao tiếp tích cực là biết làm chủ cảm xúc, không làm phát triển xung đột, hành xử bằng tôn trọng, yêu thương và thân thiện.

Giao tiếp thông thường dễ khiến người ta giải quyết mâu thuẫn bằng quan điểm sống nặng về chữ tôi chữ ta chứ không vì nhau. Sự đay nghiến trách móc cắt cứa lòng nhau khiến xung đột xảy ra và sự bạo hành về cảm xúc, bạo hành về tinh thần sẽ đầu độc bầu không khí gia đình, gây tổn thương âm ỉ và buộc các thành viên phải chịu đựng chứ không phải là cùng nhau tìm kiếm sự thú vị để thụ hưởng cuộc sống.

Chuyên gia Vera Hà Anh luôn khẳng định: Giao tiếp tích cực cần thể hiện giữa vợ chồng, giữa bố mẹ và mọi thành viên trong gia đình. Tình bạn của chúng ta với con cái là vô cùng quý giá. Sự giao tiếp phải thường xuyên, chủ động thì mới không bị thất bại. Bố mẹ nào cũng yêu thương con, lo lắng chăm bẵm cho con nhưng chính vì không biết giao tiếp tích cực với con mới dẫn đến không thể nói chuyện cùng con được.

Cuộc đời là tổng hợp của mọi sự khác biệt cho nên chúng ta không thể áp đặt người khác trong mọi mối quan hệ. Góc nhìn hạn hẹp chủ quan sẽ khiến ta bị hạn hẹp, khó nhìn thấu bản chất vấn đề, cái đúng cái sai. Người này không nhìn người kia qua hệ quy chiếu của mình mà cần thực lòng với nhau. Khi thực lòng lắng nghe thì người này sẽ thấu hiểu được nhu cầu của người kia, hiểu được hành vi, cách hành xử của họ.

Duyên Vũ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/giao-tiep-tich-cuc-chia-khoa-hanh-phuc-3941333-b.html