Giao thương trực tuyến quốc tế đầu tiên về sản phẩm nhãn Việt Nam

Ngày 13-8, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND các tỉnh Hưng Yên, tỉnh Sơn La cùng một số cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước tổ chức 'Hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020'.

Hội nghị đã thu hút sự tham gia của hơn 70 doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nông sản từ Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và trên 30 nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn đến từ 8 tỉnh, thành của Việt Nam là Bến Tre, Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Lạng Sơn và Sơn La.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì và phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, các sản phẩm nhãn Việt Nam đã được nhiều thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Châu Âu, Trung Đông... Trong đó, đáng chú ý, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ..., đáp ứng chuẩn các quy định của nước nhập khẩu như truy xuất nguồn gốc rõ ràng, sản xuất và xuất khẩu theo quy trình đáp ứng yêu cầu chất lượng, xác minh tình trạng kiểm dịch thực vật đáp ứng điều kiện nhập khẩu hoa quả tươi của nước nhập khẩu; trước khi xuất khẩu được xử lý theo các biện pháp phù hợp bảo đảm không có côn trùng.

“Điều này đồng nghĩa với việc trái nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, khẳng định được thương hiệu “trái cây Việt” và hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Còn ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng cho biết, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng quả nhãn, định hướng sản xuất an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, Sơn La và Hưng Yên đã ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước, sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), duy trì các chuỗi sản xuất quả an toàn, ứng dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP...

Các đại biểu tham dự hội nghị từ trên 100 điểm cầu trong nước và nước ngoài.

Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sản phẩm nhãn Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, ông Hồ Tỏa Cẩm, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam cho rằng, thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều dư địa để nông sản Việt Nam, trong đó có nhãn và sản phẩm nhãn tăng cường xuất khẩu sang thị trường này.

Cũng tại hội nghị, ông Moon Ki Bong, Chủ tịch Trung tâm Kinh doanh ASEAN tại Hàn Quốc gợi ý, để thâm nhập thành công thị trường Hàn Quốc, quả nhãn cần có độ tươi tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm… Ngoài ra, Việt Nam cũng nên sử dụng công nghệ sinh học để đa dạng hóa các sản phẩm có nguồn gốc từ nhãn, từ đó đáp ứng được phong phú nhu cầu tiêu dùng của người Hàn Quốc.

Ngay sau Phiên toàn thể, các nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam đã được kết nối giao thương trực tuyến với nhà nhập khẩu quốc tế theo hình thức giao thương chung và giao thương riêng theo phân nhóm mặt hàng và thị trường. Tại đây, các nhà vườn, doanh nghiệp Việt Nam đã có cơ hội đặc biệt tốt để quảng bá, giới thiệu và chào bán đa dạng các sản phẩm nhãn, bao gồm trái nhãn tươi, nhãn sấy khô, long nhãn… tới những nhà nhập khẩu, phân phối từ nhiều nước tham gia hội nghị.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/giao-thuong-truc-tuyen-quoc-te-dau-tien-ve-san-pham-nhan-viet-nam-631526