Giao thừa của y bác sĩ: Miệt mài cứu chữa, giành giật sự sống cho bệnh nhân

Khi mọi người đang tận hưởng giây phút vui vẻ cùng người thân thì đội ngũ y bác sĩ, đặc biệt là khoa hồi sức cấp cứu phải làm việc liên tục, giành giật mạng sống cho bệnh nhân.

Giao thừa là thời khắc mọi người quây quần bên gia đình, chào đón một năm mới tươi vui, hạnh phúc. Trong khi đó, các y bác sĩ vẫn miệt mài làm hết trách nhiệm chăm lo, cứu chữa cho bệnh nhân.

Nỗ lực níu kéo mạng sống cho bệnh nhân

Chia sẻ với Phụ nữ sức khỏe, bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức cho biết: "Trong khi mọi người chào đón năm mới cùng người thân và gia đình thì chúng tôi chào năm mới cùng bệnh nhân. Với những bệnh nhân đang rơi vào nguy kịch, chúng tôi luôn cố gắng thực hiện các biện pháp để cứu sống bệnh nhân qua 12 giờ. Nếu bệnh nhân duy trì được thì kéo qua hết 3 ngày Tết. Có những bệnh nhân không may mắn, dù đã được các y bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng vẫn ra đi vào đêm giao thừa".

Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật, khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức

Nhớ lại ca trực Tết năm 2016, bác sĩ Huỳnh Minh Nhật chia sẻ: "Một sản phụ đang sinh con tự nhiên tại bệnh viện thì bị thuyên tắc ối dẫn đến ngưng thở, suy gan cấp, suy thận cấp... Các bác sĩ khoa Sản vừa nhồi tim vừa đẩy thang máy lên phòng hồi sức để mổ bắt con. Bác sĩ khoa Hồi sức tim mạch tiến hành mổ, truyền máu, lọc máu, hồi sức để bệnh nhân sống qua đêm rồi mổ lại lần 2.

Đứa bé cũng bị ngưng tim mấy lần, phải chuyển nhanh sang bệnh viện Nhi đồng để hồi sức. Sản phụ và con may mắn được cứu sống, sau đó khỏe mạnh, xuất viện. Đây là một ca khó, rất may khoa có đầy đủ trang thiết bị hiện đại để can thiệp kịp thời".

Sản phụ đang sinh con tự nhiên tại bệnh viện thì bị thuyên tắc ối dẫn đến ngưng thở, suy gan cấp, suy thận cấp... - Ảnh: Bác sĩ Huỳnh Minh Nhật

Trách nhiệm với nghề nghiệp đã chọn

Khi mọi người đang tận hưởng những giây phút ấm áp bên gia đình thì những y bác sĩ khoa Hồi sức "không dám nghĩ đến Tết". Do đặc thù công việc, họ phải làm việc căng thẳng liên tục để giành giật mạng sống cho bệnh nhân.

"Đặc thù của khoa hồi sức tim mạch là bệnh nhân có sức khỏe yếu đến bệnh nặng, nguy kịch. Tâm lý chung của người dân mình vào ngày Tết là bệnh còn nhẹ thì ở nhà, khi nguy kịch mới vào bệnh viện. Do vậy, mạch bệnh nhân vào ngày Tết của khoa thường nặng đến nguy kịch.

Chúng tôi luôn đặt trách nhiệm nghề nghiệp lên trên hết nên những ngày trực Tết trở nên ý nghĩa hơn. Số lượng y bác sĩ trực phải đảm bảo đủ nhân lực cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Đồng thời, một số ca bệnh nặng ở các khoa khác cũng chuyển qua nên mình phải đảm bảo số lượng bác sĩ trực, hoạt động như ngày thường.

Khi có ca bệnh nguy kịch, ekip bác sĩ sẽ cố gắng hết sức để cứu chữa bệnh nhân qua giao thừa hoặc kéo qua 3 ngày Tết. Gia đình bệnh nhân cũng không ai muốn giao thừa hay mùng 1 nhà có đám tang. Năm nào cũng vậy, y bác sĩ luôn cố gắng nhưng nếu bệnh nhân không qua khỏi thì mình và gia đình đành chấp nhận.

Người nhà cũng quá quen thuộc với lịch trực của bác sĩ ngày Tết. Sau ca trực, tôi trở về nhà và chỉ muốn nằm ngủ. Cứ quay vòng như thế là hết cái Tết của y bác sĩ"- Bác sĩ Nguyễn Tiến Nhân, khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức chia sẻ.

Khi mọi người đang tận hưởng những giây phút ấm áp bên gia đình thì những y bác sĩ khoa Hồi sức "không dám nghĩ đến Tết" - Ảnh minh họa: Internet

Các y bác sĩ luôn nỗ lực để giành giật mạng sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần. Nhưng có những ca bệnh quá nặng thì họ đành chấp nhận sự mất mát. Nhiều trường hợp, sự ra đi của bệnh nhân để lại trong họ cảm giác khủng khiếp không bao giờ quên.

Bác sĩ Lê Đình Kha đã có 7 năm trực Tết tại khoa Hồi sức tim mạch bệnh viện quận Thủ Đức. Dù đã quen dần với việc trực Tết nhưng nhớ lại ca trực đêm giao thừa năm đầu tiên mới ra nghề, bác sĩ vẫn không tránh khỏi cảm giác buồn.

"Tối hôm đó khoa nhận 1 ca nhịp chậm, lúc đó bệnh viện mình chưa đủ phương tiện, không có máy tạo nhịp tạm thời... Tôi thức nguyên đêm canh bệnh nhân nhưng không qua khỏi.

Khi trực Tết, cũng có những ca bệnh nặng, mình đã cố gắng hết sức cứu chữa, tưởng ổn nhưng không ngờ bệnh nhân yếu dần đi, nhiễm trùng, nhịp tim rớt dần... Bệnh nhân lại 'ra đi'.

Khi đó, tôi mới ra trường, những cảm nhận của tôi về sự 'ra đi' của bệnh nhân trong đêm giao thừa là rất khủng khiếp. Liên tục nhìn người bệnh lìa khỏi cuộc sống này trước mắt, tôi cảm giác mình như tội đồ. Dần về sau, tôi bớt dần đau đớn và học cách chấp nhận.

Giao thừa, mọi người cúng một mâm cơm, cầu mong nhưng điều tốt lành và ăn uống nhẹ chúc mừng năm mới. Khi có bệnh nhân ra đi, mọi người ăn cũng không thấy ngon nữa" - Bác sĩ Lê Đình Kha tâm sự.

Một mùa xuân mới lại về, ai ai cũng tất bật cùng gia đình đón Tết, tận hưởng khoảnh khắc giao thừa, chào những điều tốt đẹp. Riêng các y bác sĩ, họ vẫn ngày đêm miệt mài chăm lo cho bệnh nhân bằng tất cả trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp.

Đức Nguyên

Nguồn PNSK: https://phunusuckhoe.vn/giao-thua-cua-y-bac-si-miet-mai-cuu-chua-gianh-giat-su-song-cho-benh-nhan-c2a308616.html