Giao thông kết nối, kinh tế phát triển

Những năm gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có bước phát triển nhanh, hiện đại, đáp ứng yêu cầu lưu thông và liên kết vùng, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Đầu tư nhiều công trình giao thông trọng yếu

Ngày 27-5 vừa qua, cầu Cao Lãnh nối hai bờ sông Tiền tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp được khánh thành. Đây là công trình trọng điểm của khu vực, thuộc Dự án kết nối trung tâm đồng bằng Mê Công, có tổng chi phí xây dựng khoảng 7.500 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia, vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương: Công trình cầu Cao Lãnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, giúp địa phương thoát khỏi thế “độc đạo, ngõ cụt”, hình thành trục giao thông quan trọng kết nối ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Công trình cầu Cao Lãnh không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển mà còn có ý nghĩa về chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho vùng ĐBSCL.

 Cầu Rạch Miễu (khánh thành đầu năm 2009) giúp tỉnh Bến Tre thoát cảnh giao thông cách trở, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển.

Cầu Rạch Miễu (khánh thành đầu năm 2009) giúp tỉnh Bến Tre thoát cảnh giao thông cách trở, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế-xã hội phát triển.

Tại ĐBSCL hiện nay, nhiều công trình giao thông trọng yếu được Đảng, Nhà nước ưu tiên nguồn lực đầu tư, làm thay đổi diện mạo giao thông của toàn vùng, đặc biệt là những chiếc cầu lớn, hiện đại, như: Cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Đầm Cùng, cầu Mỹ Lợi, cầu Cao Lãnh và sắp tới đây là cầu Vàm Cống... đã phá thế ngăn sông cách trở cho ĐBSCL. Cùng với đó, ĐBSCL còn có các cảng hàng không quốc tế Cần Thơ và Phú Quốc (Kiên Giang), tạo thuận lợi kết nối giao thông giữa ĐBSCL với cả nước và quốc tế.

Thống kê của các địa phương vùng ĐBSCL cho thấy, với hơn 4.700km quốc lộ, 2.000km đường tỉnh, 70.000km đường huyện và đường giao thông nông thôn, mạng lưới giao thông đường bộ của vùng được hình thành theo trục dọc, trục ngang và hệ thống đường vành đai liên kết, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải và liên kết vùng. Theo Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2010 đến nay, ĐBSCL đã được đầu tư hoàn thành 46 dự án giao thông, tổng vốn đầu tư khoảng 76.462 tỷ đồng; 19 dự án đường bộ đang triển khai, tổng mức đầu tư hơn 66.110 tỷ đồng.

Thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển

Có thể khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từng bước được hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL.

Ngày 30-8, tại hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và đầu tư công giai đoạn 2016-2020 diễn ra ở TP Cần Thơ, ông Nguyễn Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: “Giai đoạn 2016-2018, ĐBSCL có tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần ngành nông nghiệp, tăng cơ cấu ngành dịch vụ và ngành công nghiệp...”.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, giai đoạn 2016-2018, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ĐBSCL đạt 7,5%, các tỉnh đạt kết quả khá là: Long An, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người của ĐBSCL đạt 2.217 USD, dẫn đầu là TP Cần Thơ với 3.830 USD, tỉnh Long An đạt 3.225 USD, tỉnh Tiền Giang đạt 2.230 USD; thu nhập bình quân đầu người của vùng đạt từ 1.500 đến gần 3.500 USD.

Cũng theo ông Nguyễn Tuấn, kết cấu hạ tầng (trong đó có hạ tầng giao thông) ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến, gắn kết với giao thông thủy và giao thông liên vùng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Theo ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh thu hút 197 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 37.247 tỷ đồng, tăng 12,57% so với giai đoạn 2011-2015; đến nay đã có 75 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, 52 dự án đang triển khai thực hiện. Ông Vương Bình Thạnh cho rằng, kết cấu hạ tầng yếu kém sẽ không thể đáp ứng nhu cầu phát triển, làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và hoạt động mời gọi đầu tư.

Để phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới, đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định điều chỉnh quy hoạch ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo quyết định này, ở lĩnh vực phát triển giao thông đường bộ, ĐBSCL sẽ được hoàn thiện và xây mới các tuyến đường cao tốc, như: TP Hồ Chí Minh-Trung Lương-Cần Thơ-Cà Mau; Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu; Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng. Nhiều tuyến quốc lộ được cải tạo và nâng cấp, đồng thời xây mới các tuyến tránh đô thị, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tạo thành mạng lưới liên hoàn. Cơ sở hạ tầng giao thông được phát triển theo định hướng hiện đại, thân thiện với môi trường.

HỒNG ĐĂNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giao-thong-ket-noi-kinh-te-phat-trien-548551