Giao thông đô thị Hà Nội sẽ bước đầu kết nối hoàn chỉnh vào năm 2021

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức, ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã cho biết, hiện Thành phố đã lên kế hoạch về việc xây 5 cây cầu trên địa bàn nhằm giảm ùn tắc giao thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo quy hoạch giao thông vận tải thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm tìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 519/QĐ-TTG ngày 31/3/2016, trong giai đoạn 2016-2030 sẽ xây dựng cầu qua sông Hồng, Đuống, không chỉ có tác dụng khép kín và tạo sự liên kết các tuyến đường vành đai 3, 3,5 và 4 mà còn giữ vai trò quan trọng trong việc mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Bắc sông Hồng. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư lớn, thành phố cần có những cơ chế đặc thù nhằm thu hút nguồn lực xã hội cho các công trình này.

Ông Vũ Duy Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại buổi họp báo.

Năm cây cầu TP Hà Nội đề xuất triển khai gồm: Cầu Tứ Liên và đường cầu Tứ Liên - cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên (cầu dài 3 km, đường 9 km) nằm trên quận Tây Hồ và huyện Đông Anh; Cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh được xác định góp phần giảm tải cho Cầu Đuống cũ đã xuống cấp, kết nối các tỉnh phía Bắc, đáp ứng nhu cầu giao thông ngày càng cao trên tuyến; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng có vai trò kết nối các quận trung tâm với khu vực phía Đông thành phố, giảm tải cho cầu Long Biên và Chương Dương; cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu được xác định có điểm đầu là điểm cuối của tuyến đường trong khu đô thị Vincom Village, điểm cuối là nút giao với tuyến đường Vành đai 3 (đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên) và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2.
Trả lời câu hỏi của báo chí về tiêu chí chọn nhà đầu tư, ông Tuấn cho biết: Các nhà đầu tư lớn của Việt Nam đều quan tâm đăng ký tham gia, vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhà đầu tư bỏ vốn xây công trình và TP thanh toán bằng quỹ đất. Để đảm bảo thực hiện dự án này TP đã giám sát vị trí quỹ đất để nhà đầu tư có thể đầu tư các dự án đối ứng phù hợp nguồn vốn đã bố trí.
Một vấn đề khác cũng được báo giới quan tâm là Hà Nội có lo ngại với chủ trương đổi đất lấy hạ tầng, các nhà đầu tư sẽ biến những khu đất ở những điểm cầu thành chung cư… điều này có làm tiếp tục tăng cơ học dân số Hà Nội và không có tác dụng giảm ùn tắc, ông Tuấn khẳng định: Tất cả các dự án theo hình thức BT, PPP khi nhà đầu tư triển khai các dự án khác nhau (có thể dự án phát triển đô thị ), thực tế các dự án đô thị này đảm bảo đúng quy hoạch Thành phố được duyệt. Hiện tổng quỹ đất này đang nghiên cứu chứ chưa phải chính thức giao cho bất cứ nhà đầu tư nào.
Về các vấn đề liên quan đến loại hình hợp đồng thực hiện dự án sẽ dẫn đến những vấn đề về phòng chống tham nhũng, ông Tuấn cho biết thêm, HN đang triển các dự án công khai minh bạch về các dự án khi tổ chức thực hiện dự án.
Về vấn đề tạo những hình ảnh mang tính đặc trưng của Hà Nội ở những cây cầu chuẩn bị xây dựng, khi các dự án được phê duyệt sẽ tổ chức theo các bước được quy định tại các luật Đầu tư, luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư cũng như lựa chọn các phương án thiết kế phù họp, ông Tuấn cho biết thêm.
Đại diện Sở GTVT Hà Nội cũng khẳng định, tất cả dự án khu đô thị, dự án giao thông được thực hiện theo quy hoạch Thành phố đã được phê duyệt. Đối với tất cả các dự án xây dựng khu nhà ở, quan điểm xuyên suốt là xây dựng hạ tầng giao thông đi trước sau đó mới đến các dự án khác.
Cũng theo đại diện sở GTVT Hà Nội các dự án này sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương, thành phố Hà Nội sẽ công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý đường sắt Đô thị Hà Nội được UBND Thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ là Chủ đầu tư thực hiện dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điềm Thanh phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để tổ chức thi công đoạn hầm và các ga ngầm, Ban đường sắt đô thị Hà Nội được phép dịch chuyển 130 cây xanh, tại địa điểm trên vỉa hè và dải phân cách đường Kim Mã phục vụ thi công dốc hạ ngầm thuộc phường Ngọc Khánh, Giếng thông gió thuộc phường Kim Mã, Giảng Võ.
Qua phối hợp đánh giá hiện trạng, kiểm tra xác nhận chủng loại, kích thước và biện pháp xử lý có 130 cây xanh sẽ được dịch chuyển và chặt hạ. Trong đó, dịch chuyển 95 cây, hiện trạng cây đang sinh trưởng phát triển bình thường đưa về nút giao Vĩnh Ngọc trên đường Võ Nguyên Giáp chăm sóc và chặt hạ 35 cây, hiện trạng cây cong nghiêng, cụt ngọn, mục gốc, mục thân, già cỗi, không đúng chủng loại cây đô thị.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Xuân Hà cho biết, 5 dự án này hiện mới là dự kiến, Thành phố sẽ xây dựng chi tiết để trình Chính phủ và sau khi được phê duyệt mới thực hiện các bước theo quy định.

Bảo Ngân

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/giao-thong-do-thi-ha-noi-se-buoc-dau-ket-noi-hoan-chinh-vao-nam-2021-297886.html