Giáo sư Việt Nam giành Huy chương Vật lý quốc tế Dirac 2018

Giáo sư Đàm Thanh Sơn vừa được Trung Tâm Vật lý lý thuyết quốc tế trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn vừa được Trung Tâm Vật lý lý thuyết quốc tế trao Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018.

Theo trang web của Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế ICTP, Giải thưởng và Huy chương Dirac 2018 mới được trao cho 3 nhà vật lý học, trong đó có Giáo sư Đàm Thanh Sơn, sinh năm 1969 tại Hà Nội, làm việc tại Đại học Chicago.

Hai giáo sư còn lại là Subir Sachdev, sinh ra ở New Delhi, Ấn Độ, làm tại Đại học Harvard và Xiao-Gang Wen, người Bắc Kinh, Trung Quốc, làm tại Học Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ.

Trang wenb của ICTP viết, những đóng góp độc lập của họ nhằm tìm hiểu các khái niệm mới trong việc tương tác mạnh mẽ các hệ thống nhiều bộ phận, giới thiệu các kỹ thuật liên ngành gốc.

Cả ba nhà vật lý đạt giải năm nay đều nghiên cứu cách cơ học lượng tử ảnh hướng tới các nhóm hạt lớn hay còn gọi là hệ thống nhiều bộ phận.

Hiện tại, họ đã hiểu được các định luật cơ học lượng tử ảnh hưởng tới hành vi của các nhóm hạt rất nhỏ như thế nào, tuy nhiên các vật thể hằng ngày được tạo thành từ một lượng lớn các hạt, lên tới gần 1023.

Ông Fernando Quevedo, giám đốc ICTP chia sẻ: "Ba nhà khoa học giành Huy chương Dirac năm nay đều là những người dẫn đầu trong việc sử dụng các phương pháp liên ngành để giải quyết các vấn đề vật lý lý thuyết cụ thể. Tôi rất vui vì cả ba nhà khoa học đều đến từ những quốc gia đang phát triển, gần gũi với ICTP và sứ mệnh của trung tâm".

Ông cũng nói thêm rằng ba nhà khoa học là những tấm gương sáng cho hàng ngàn nhà khoa học khác đến từ những quốc gia đang phát triển.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn, sinh ra ở Hà Nội, Việt Nam là người đầu tiên hiểu rằng tính hai chiều của trọng lực có thể được sử dụng để giải quyết các câu hỏi cơ bản trong tương tác các vấn đề nhiều phần.

Ông chỉ ra rằng người ta có thể tính toán các hệ số vận chuyển như độ nhớt, độ dẫn điện, phân tích trong các hệ thống này. Ông có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nhanh chóng sự hiểu biết của con người về lý thuyết đo ba chiều.

Từ khi còn học tập tại Việt Nam, giáo sư Đàm Thanh Sơn đã đạt được nhiều thành tích đáng nể. Ngay từ khi 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán quốc tế ở Prague, ông đoạt ngay huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42.

Năm 1995, ông nhận bằng tiến sĩ tại Viện nghiên cứu hạt nhân ở Moscow, Nga.
Từ năm 1995-1997, ông là nghiên cứu sinh tại Đại học Washington, Mỹ và từ năm 1997 đến 1999, nghiên cứu sinh tại Học Viện Công nghệ Massachusetts.

Từ năm 1999 đến 2002, ông là giáo sư tại Đại học Columbia. Năm 2002, ông trở thành thành viên cao cấp tại Viện Lý thuyết hạt nhân và một giáo sư tại Khoa Vật lý, Đại học Washington.

Đến năm 2012, ông chuyển đến Chicago và trở thành người thứ 19 nắm giữ chức "Giáo sư đại học" danh giá, một vinh dự cao hơn cả giáo sư thông thường, tại Đại học Chicago.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã lựa chọn Đại học Chicago ở bang Illinois, Mỹ để làm việc sau thời gian dài làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp Princeton ở bang New Jersey.

Giáo sư Đàm Thanh Sơn là người Việt Nam đầu tiên giành được huy chương danh giá trong ngành khoa học vật lý này.

Huy chương Dirac của ICTP được trao tặng lần đầu tiên vào năm 1985, lấy theo tên của giáo sư P.A.M. Dirac, một trong những nhà vật lý học vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Một trong những khám phá quan trọng của ông là phương trình Dirac. Phương trình này miêu tả dáng điệu của các fermion, từ đó dẫn đến tiên đoán về sự tồn tại của phản vật chất. Ông cùng với Erwin Schrödinger đã được nhận giải Nobel vật lý năm 1933.

Huy chương được trao tặng thường niên vào ngày sinh nhật của giáo sư P.A.M. Dirac, ngày 8/8, giành cho các nhà khoa học có những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực vật lý lý thuyết. Người nhận được huy chương sẽ được thưởng trị giá 5.000 USD.

Trong lịch sử, đã có 5 nhà khoa học giành giải thưởng Dirac từng chiến thắng giải Nobel và 1 người từng giành giải thưởng Fields.

H.D

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/giao-su-viet-nam-gianh-huy-chuong-vat-ly-quoc-te-dirac-2018-post271019.info