Giáo sư Trường Bưởi Dương Quảng Hàm: Một chí khí hiếm có

Không sinh ra ở Hà Nội nhưng GS, liệt sỹ Dương Quảng Hàm đã dành trọn đời mình cho Hà Nội. Cuộc đời ông có những đóng góp hiển hách cho thủ đô và cho nền giáo dục nước nhà. Theo đánh giá của ông Viên Linh, Giáo sư Dương Quảng Hàm viết tác phẩm đầu tay 'Quốc văn trích diễm', in tại Hà Nội năm 1925, khi mới 27 tuổi, 'đã thể hiện chí khí hiếm có'.

Vị giáo sư Quốc văn

PGS Đỗ Quang Lưu, học sinh trường Bưởi, khóa 1938 – 1945, mỗi khi hồi tưởng lại, ông vẫn đinh ninh trong dạ: “Người thầy giáo mà tôi hằng kính mến và chịu ơn nhiều nhất về cái “hướng đi tôi đã chọn” trong đời mình, chính là thầy Dương Quảng Hàm, vị “Giáo sư Quốc văn” (theo cách gọi hồi ấy) nổi tiếng của trường Bưởi…”

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 – 1946)

Giáo sư Dương Quảng Hàm (1898 – 1946)

Nhà giáo ưu tú Dương Xuân Nghiên, nguyên Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, nhớ lại: “Thầy thuộc lớp giáo sư đầu tiên được đào tạo có hệ thống, là lớp người đầu tiên tiếp cận với khoa học giáo dục Pháp, với cách giảng dạy mới, tích lũy được nhiều kiến thức của nền văn hóa phương Tây hồi đó”.

Vì vậy, vẫn theo lời kể của PGS Đỗ Quang Lưu, học trò đặc biệt thích thú khi được nghe thầy Hàm giảng về nền Văn chương dân gian Việt Nam hết sức phong phú, độc đáo với sự phân tích cụ thể, khoa học và những phát hiện mới mẻ dường như lần đầu tiên đã xuất hiện trên công trình nghiên cứu, biên soạn của bản thân thầy.

“Cho đến nay ngẫm lại, nhiều thành quả nghiên cứu cũng như nhiều phát hiện mới mẻ của thầy hồi đó hiển nhiên đã trở thành một trong những “điểm tựa” đáng tin cậy cho biết bao giáo trình, tài liệu về nền văn học Việt Nam nói chung và nền văn học dân gian nói riêng mà chúng tôi có may mắn được tiếp thụ từ những ngày đó”.

Anh xứng đáng là một môn đệ của Giáo sư Hàm

Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, cựu học sinh trường Bưởi, kể lại ấn tượng trong 3 năm học Tú tài, đã được thầy Dương Quảng Hàm trang bị cho những kiến thức cơ bản, tổng quát về văn học, và sử học Việt Nam. Những kiến thức này đã được thầy trình bày một cách mạch lạc, logic, đầy nhiệt tình và sức thuyết phục đối với cậu học sinh say mê văn học và có chút vốn học 3-4 năm Hán văn tại làng Mọc quê hương.

Nhờ những kiến thức thầy Dương Quảng Hàm trang bị, bước vào phần thi vấn đáp trong kỳ thi Tú tài, cậu học trò Nguyễn Xuân Thảo đã thuyết phục được ông Lê Thành Ý, một giáo sư dạy Việt văn tại trường Albert Sarraut, một trường trung học chủ yếu dành cho con em Pháp.

“Sau khi theo yêu cầu của ông, tôi trình bày tương đối lưu loát lịch sử văn học đời Trần. Ông hỏi tôi về Nguyễn Cư Trinh, một tác giả ít được nhắc đến. Thật là một câu hỏi hóc búa. Song với những kiến thức thầy Dương Quảng Hàm đã truyền thụ, tôi cũng trình bày được khá rõ về thân thế, sự nghiệp văn chương của Nguyễn Cư Trinh. Ông giám khảo khó tính bỗng xua tay và nói:Thôi đủ rồi. “Vous êtes un disciple digne du Professeur Hàm” (Anh xứng đáng là một môn đệ của Giáo sư Hàm).

Nhà sư phạm mẫu mực ấy, qua mô tả của một học trò cũ là học giả Nguyễn Hiến Lê, càng khiến bạn đọc hình dung ra một tấm gương mô phạm, giản dị đến khiêm nhường.

Một số tác phẩm của ông.

“Mấy năm trước, những khi thấy cụ đi qua sân trường, tôi thường để ý: cụ đi bộ, lúc nào cũng rảo bước, cụ thấp bé mà bước những bước dài, nhón gót (người ta bảo là tướng yểu), như lúc nào cũng vội vàng – cụ có bao giờ biết thơ thẩn, mơ mộng không nhỉ? – mà ngồi xe đạp thì trái lại, cụ đạp rất chậm, tốc độ đều đều, chỉ độ mười cây số một giờ, tới cửa lớp, cụ thận trọng hãm lại, cho xe nghiêng qua một bên, khoan thai bước xuống, gác xe, gỡ cái kẹp ống quần ra, tháo chiếc cặp phồng những sách vở, rồi ôm cặp tiến vô lớp.

Gặp bạn đồng sự cụ niềm nở bắt tay, nhưng ít khi đứng lại để trò chuyện; cụ tới lớp không khi nào trễ, nhưng cũng không khi nào quá sớm, chỉ dăm ba phút là cùng, như vậy thì đâu có thì giờ để trò chuyện. Tôi có cảm tưởng cụ là một chiếc đồng hồ mà thì giờ của cụ đã tính trước đâu vào đấy hết. Chúng tôi phục cụ ở điểm đó”.

Người viết bộ Văn học sử Việt Nam hiện đại đầu tiên

Dương Quảng Hàm xuất thân trong một gia đình nhà Nho, học chữ Hán ở nhà, chữ quốc ngữ ở Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa Cao đẳng Sư phạm Ðông Dương (1920) với bản luận văn “Khổng Tử và học thuyết Khổng Mạnh trong nền giáo dục cũ”, khi mới 22 tuổi. Ông giảng dạy tại trường Bưởi, từ năm1920 đến năm 1946. Ngoài giảng bài, ông còn nghiên cứu và viết sách.

Nhà báo Lê Văn Ba cho biết: Dương Quảng Hàm viết sách giáo khoa bằng hai thứ tiếng Việt và Pháp. Công trình giá trị nhất của ông là bộ “Việt Nam văn học sử yếu” (gồm hai cuốn: “Việt Nam văn học sử yếu” và “Việt Nam thi văn hợp tuyển”). “Đây là những cuốn sách giáo khoa bậc trung học đồng thời là cuốn lịch sử văn học đầu tiên được soạn bằng chữ Quốc ngữ với phương pháp nghiên cứu khoa học, tư liệu phong phú và chính xác. Công trình này đã góp phần tích cực vào việc phát hiện và bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc”.

Theo đánh giá của ông Viên Linh, Giáo sư Dương Quảng Hàm viết tác phẩm đầu tay “Quốc văn trích diễm”, in tại Hà Nội năm 1925, khi mới 27 tuổi, “đã thể hiện chí khí hiếm có”.

“Quốc văn trích diễm ”dày gần 300 trang, đã trích dẫn những bài làm giáo khoa ngay khi tác giả những bài ấy còn trẻ, còn đang sáng tác: Nguyễn Bá Học, Nguyễn Bá Trác, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Bá Trạc, Phạm Duy Tốn, Huỳnh Tịnh Của, Trương Vĩnh Ký, v.v… Trong phần “biên tập đại ý” in ở đầu sách, Dương Quảng Hàm viết: “Trong chương trình các trường sư phạm và cao đẳng tiểu học, có một khoa giảng quốc văn, mà đã gọi là giảng văn thì phải có bài có sách. Hiện nay quyển sách quốc văn độc bản dùng trong các trường ấy chưa có. Bởi vậy chúng tôi soạn ra quyển sách này để hiến cho các bực giáo sư và các học sinh dùng.”

Điều này khiến ông Viên Linh phải thốt lên: “Thật là tuyệt vời, một thanh niên tự tin, tự quyết, dám đứng ra làm một việc chưa ai làm, “soạn sách giáo khoa quốc văn cho các thầy dùng dạy học sinh”.

Ngoài ra, trong “Việt Nam văn học sử yếu” xuất bản năm 1941, Dương Quảng Hàm cũng đã đưa vào sách giáo khoa thơ văn của các tác giả sinh thời khác: Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Ðông Hồ, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng, Xuân Diệu,… Điều này khiến ông Viên Linh một lần nữa phải ngạc nhiên: “Dương Quảng Hàm chính là người đã viết bộ Văn Học Sử Việt Nam hiện đại đầu tiên, xuất bản từ năm 1941”!

Kiều Mai Sơn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/giao-su-truong-buoi-duong-quang-ham-mot-chi-khi-hiem-co-68578.html