Giáo sư phân tích căn bệnh ung thư tuyến giáp liên quan chế độ ăn thiếu i-ốt như thế nào?

Theo chuyên gia y tế, chế độ ăn thiếu iốt, vi chất được cho là có liên quan tới căn bệnh ung thư tuyến giáp thể nang.

Hiện nay, ung thư tuyến giáp chiếm khoảng 1% các loại ung thư, bệnh khởi phát ở tuyến giáp trạng. Chế độ ăn uống không đa dạng, thiếu vi chất, theo các chuyên gia dinh dưỡng là 1 trong những nguyên nhân dẫn tới nguy cơ có thể mắc căn bệnh ung thư này khi ung thư tuyến giáp là căn bệnh ung thư có mối liên hệ với chế độ ăn thiếu hụt vi chất.

Trao đổi với PV, GS. Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam cho biết, ung thư tuyến giáp có hai thể: ung thư biểu mô thể nhú và ung thư biểu mô thể nang. Ung thư tuyến giáp gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Trong đó, phụ nữ 45-49 tuổi, nam giới 65-69 tuổi hay mắc căn bệnh này. Phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao gấp 3 lần so với nam giới.

Ảnh minh họa.

“Chế độ ăn thiếu i-ốt, vi chất được cho là có liên quan tới căn bệnh ung thư tuyến giáp thể nang. Nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao còn gặp ở người tiếp xúc với bức xạ, người xạ trị vùng đầu – mặt – cổ khi còn nhỏ. Ung thư tuyến giáp có một phần liên quan tới yếu tố di truyền”, GS. Đức nói.

Cũng theo vị Giáo sư này, cách phòng ung thư tuyến giáp hiệu quả rất cần có chế độ ăn đầy đủ i-ốt nhằm giúp làm giảm tỷ lệ ung thư thể nang, tránh tia xạ vùng tuyến giáp ở trẻ nhỏ, tránh tiếp xúc với nguồn phóng xạ như bom nguyên tử, các chất phóng xạ…

Bên cạnh đó, GS. Đức cũng chỉ ra, ung thư tuyến giáp là một trong những ung thư có tiên lượng tốt nhất (ung thư biểu mô loại biệt hóa) do tiến triển bệnh chậm. Bệnh có thể phát hiện khi có u hạch nổi ở vùng cổ. Khi mắc ung thư tuyến giáp, tỷ lệ bệnh nhân sống thêm 10 năm lên tới 80-90%, có những trường hợp bệnh nhân di căn hạch hoặc di căn xa vẫn có thể cứu chữa được do ung thư rất nhạy cảm với i-ốt.

Đối với ung thư tuyết giáp thể không biệt hóa thường rất hiếm gặp, chiếm 15% trong ung thư tuyến giáp, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm dưới 50%.

Trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật có vai trò quyết định trong khi tia xạ. I-ốt phóng xạ (I-131) có tác dụng bổ trợ, còn hóa chất có tác dụng rất hạn chế. Với thể ung thư biệt hóa, điều trị phẫu thuật sẽ cắt một thùy tuyến giáp hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp sẽ bổ trợ bằng uống xạ I-131 (xạ trong). Nếu phẫu thuật cắt thùy thì không cần phải điều trị thêm. Ung thư thể không biệt hóa điều trị xạ trị ngoài và có thể phối hợp với hóa chất.

Bệnh nhân sau khi phẫu thuật đã cắt toàn bộ tuyến giáp cần phải uống hóc- môn tuyến giáp thay thế suốt đời theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh nhân sau phẫu thuật sẽ tái khám sau 3 tháng và các lần tiếp theo sẽ tái khám theo chỉ định của bác sĩ.

Nguyễn Huệ

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tac-dung-cua-i-ot-voi-can-benh-ung-thu-tuyen-giap-d148644.html